Gia Lai: Gỡ khó kinh phí cho các cơ sở y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nguồn thu không đủ chi trả tiền lương cho người lao động, không có kinh phí thanh toán tiền mua thuốc, thiếu trang-thiết bị y tế chuyên dùng... là những vấn đề bức xúc của một số đơn vị thuộc ngành Y tế hiện nay. Nếu những khó khăn trên không được tháo gỡ kịp thời sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khám-chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.   
Đảm bảo kinh phí hoạt động gắn với chất lượng khám-chữa bệnh cho nhân dân luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các đơn vị thuộc ngành Y tế. Do đó, vấn đề cân đối nguồn thu chi thực sự là bài toán khó hiện nay. Đơn cử như Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Ia Pa hiện nguồn thu từ bảo hiểm y tế (BHYT) không đảm bảo chi phí hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân trong vùng đa phần lựa chọn các đơn vị y tế ở khu vực thuận lợi như thị xã Ayun Pa để khám-chữa bệnh. 
Tương tự, theo phân tích của ông Nguyễn Thanh Hùng-Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh: “Nếu như không có bệnh nhân thì Bệnh viện không có nguồn thu để tự chủ hoạt động. Trong khi đó, số lượng đăng ký khám BHYT ban đầu tại Bệnh viện năm 2019 rất ít, chỉ gần 1.100 thẻ. Mặt khác, việc đăng ký chuyển đổi thẻ sang bệnh viện tại tuyến huyện vẫn còn gặp khó khăn”. Một điểm đáng lưu ý là đặc thù khám-chữa bệnh tại bệnh viện đa phần là các bệnh mãn tính, cần điều trị dài ngày. Tuy nhiên, định mức kinh phí BHYT chỉ đủ để điều trị 15 ngày, do đó gây khó khăn trong việc lưu trú điều trị bệnh. Bên cạnh đó, bất cập trong thanh-quyết toán các dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền và phục hồi chức năng do sự chồng chéo các quy định chuyên môn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội cũng là một nguyên nhân làm cho việc chỉ định các dịch vụ kỹ thuật để điều trị cho người bệnh cũng bị hạn chế. Theo dự toán năm 2019, tổng thu của Bệnh viện là 16,429 tỷ đồng (trong đó thu từ viện phí và BHYT là 14,530 tỷ đồng), thế nhưng trong quý I-2019, nguồn thu chỉ đạt 2,837 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc chi trả tiền lương cho 122 cán bộ-người lao động lẫn khả năng thanh toán tiền thuốc cho doanh nghiệp đã cung ứng.
 Việc tháo gỡ kịp thời khó khăn về kinh phí sẽ giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh.             Ảnh: ĐỨC THỤY
Việc tháo gỡ kịp thời khó khăn về kinh phí sẽ giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh. Ảnh: ĐỨC THỤY
Nói về quy trình thanh-quyết toán kinh phí BHYT, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Việc giao dự toán BHYT luôn thấp so với thực tế nhu cầu khám-chữa bệnh tại các bệnh viện, TTYT trên địa bàn tỉnh. Do đó, đa số các đơn vị y tế đều vượt dự toán BHYT giao; để được thanh-quyết toán, các đơn vị phải qua các bước giải trình, thẩm định”. Trong giai đoạn chờ quyết toán từ bảo hiểm xã hội, nguồn kinh phí BHYT bị “treo” khiến các đơn vị y tế gặp khó khăn về nguồn chi cho thuốc men, vật tư y tế, dẫn đến chậm thanh toán tiền thuốc cho doanh nghiệp cung ứng. Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Bá Mỹ-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-cho rằng: “Cần đổi mới cơ chế thanh toán BHYT hiện nay. Theo quy định hiện hành, phải 4 quý mới tất toán một lần nên bệnh viện không có nguồn để chi trả tiền thuốc cho các nhà cung cấp. Đây là khó khăn cho bệnh viện, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khám-chữa bệnh cho bệnh nhân”.    
Trong bối cảnh thực hiện tự chủ về tài chính, hầu hết các đơn vị y tế đều thiếu nguồn kinh phí để đầu tư trang-thiết bị. Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 331, TTYT huyện Đak Pơ, TTYT huyện Chư Sê, một số trang-thiết bị y tế chưa được đầu tư mua sắm hoặc một số trang-thiết bị y tế được đầu tư 10-20 năm trước nên đã lạc hậu và hư hỏng mặc dù đã được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên. Việc thiếu thốn các trang-thiết bị cần thiết đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị bệnh. 
Trong một hội nghị liên quan đến ngành Y tế, ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính nhấn mạnh: “Không thể để xảy ra tình trạng bệnh viện thiếu thuốc, thiếu thiết bị điều trị cho bệnh nhân, cán bộ y tế thiếu lương. Đây là những vấn đề bức xúc phải giải quyết ngay bởi liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”. Trước mắt, từ đề nghị của Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh và TTYT huyện Ia Pa, Sở Tài chính đề nghị 2 đơn vị này cần khắc phục các tồn tại, hạn chế để tăng số lượng người đến khám, điều trị nhằm bổ sung nguồn thu. Đồng thời, tính toán chính xác số kinh phí còn thiếu, báo cáo Sở Y tế xác nhận và gửi Sở Tài chính để báo cáo UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí hoạt động năm 2019. 
Đối với việc đề xuất kinh phí mua sắm trang-thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 331, TTYT huyện Đak Pơ, TTYT huyện Chư Sê với tổng kinh phí 61,793 tỷ đồng, Sở Tài chính đề nghị Sở Y tế khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị chuyên dùng, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các thủ tục mua sắm trang-thiết bị đúng quy định trước ngày 30-5. Sở Tài chính sẽ báo cáo UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến để trang bị sớm cho các bệnh viện. Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội tỉnh chủ trì quyết toán kinh phí BHYT năm 2018, hoàn thành trước ngày 30-5 để tổng quyết toán, xử lý nợ hoặc làm cơ sở tạm ứng cho các bệnh viện mua thuốc điều trị.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.
Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.