Ngành Ngân hàng: Mở rộng mạng lưới,hướng đến khách hàng trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là thị trường đầu tư tài chính giàu tiềm năng để các ngân hàng lớn mở rộng mạng lưới hoạt động. Bên cạnh mục tiêu gia tăng sự hiện diện thương hiệu, gia tăng thị phần gắn với thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thì đối với các ngân hàng, khách hàng vẫn là trung tâm, là đích đến cuối cùng trong mọi hoạt động.



Gia tăng nguồn lực đầu tư

Tiếp theo sau BIDV và Agribank, Vietcombank là đơn vị thứ 3 quyết tâm phát triển mạng lưới, khẳng định vị thế thương hiệu tại Gia Lai. Suốt 18 năm hoạt động, Vietcombank Gia Lai luôn giữ vững vị thế tốp đầu khối ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh với dư nợ tín dụng gần 13.000 tỷ đồng, huy động vốn trên 4.300 tỷ đồng, được ghi nhận là đơn vị xuất sắc nhất hệ thống Vietcombank năm 2017. Trong năm 2018, Vietcombank Gia Lai đã mở rộng mạng lưới hoạt động trên địa bàn huyện Chư Prông và Đak Đoa. Đồng thời, vào trung tuần tháng 5-2018, Vietcombank đã khai trương Chi nhánh Bắc Gia Lai. Theo ghi nhận của ông Nguyễn Mỹ Hào-Ủy viên Hội đồng Quản trị Vietcombank: “Gia Lai là một địa bàn có nhiều triển vọng, giàu tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Sự kiện thành lập chi nhánh thứ 2 thuộc hệ thống là sự phát triển tất yếu và nằm trong mục tiêu chiến lược của Vietcombank”.

Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Vietcombank-Chi nhánh Bắc Gia Lai đã nhanh chóng hòa nhịp thị trường, đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng ở mảng hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống cũng như đón đầu xu thế phát triển ở lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thông qua việc rót vốn đầu tư cho dự án Nhà máy Điện mặt trời Thành Thành Công Krông Pa của Tập đoàn Thành Thành Công và Công ty cổ phần Điện Gia Lai (đơn vị thành viên Tập đoàn), dòng “tín dụng xanh” của Vietcombank-Chi nhánh Bắc Gia Lai đã thúc đẩy tiến trình đầu tư phát triển năng lượng sạch, biến tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương trở thành “hàng hóa” đặc biệt với giá trị thặng dư. Nhà máy Điện mặt trời Thành Thành Công Krông Pa là nhà máy thứ 2 của Tập đoàn Thành Thành Công đi vào hoạt động, trong tổng số 6 nhà máy đã được bổ sung quy hoạch. Nhà máy này có công suất 49 MW (69 MWp), tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.

  Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng hoa chúc mừng Giám đốc Vietcombank Bắc Gia Lai tại sự kiện khai trương Chi nhánh. Ảnh: S.C
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng hoa chúc mừng Giám đốc Vietcombank Bắc Gia Lai tại sự kiện khai trương Chi nhánh. Ảnh: S.C


Nếu như thủy điện, điện mặt trời đang là lĩnh vực hút vốn thì việc đầu tư xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất nông nghiệp vẫn là thế mạnh truyền thống của Agribank Gia Lai. Thông qua hợp đồng ký kết đầu năm 2018 với Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát (buôn Djrết, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa), Agribank Gia Lai đã rót vốn đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến Tinh bột mì, công suất thiết kế 250 tấn bột/ngày. Sau thời gian xây dựng, Nhà máy đã chính thức vận hành vào tháng 10-2018, khai thác tối đa vùng nguyên liệu mì dồi dào ở Krông Pa và các huyện lân cận. Theo chia sẻ của ông Trương Đức Huy-Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính (Công ty TNHH Thương mại Chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát): “Mặc dù đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là rủi ro về thời tiết, giá cả, tuy nhiên, với một địa bàn đặc thù khó khăn nhưng giàu tiềm năng như Krông Pa, nếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sẽ là nhân tố thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư”. Việc Nhà máy Chế biến Tinh bột mì đi vào hoạt động đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Người nông dân tin tưởng hơn khi doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho nông sản, đồng thời tạo thêm việc làm, tạo sự cạnh tranh về giá cả thu mua nông sản ngay tại vùng nguyên liệu. Không dừng lại ở đây, theo lộ trình phát triển đến năm 2020, doanh nghiệp đang tiếp tục xây dựng chuỗi nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy sản xuất chế biến phân vi sinh tổng hợp, nhà máy sản xuất sirô cô đặc nhằm tạo thành quy trình sản xuất khép kín, hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương gắn với tổ chức quy hoạch vùng liên kết sản xuất quy mô lớn.

Hướng trọng tâm vào khách hàng

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 22 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, 1 Chi nhánh Ngân hàng Phát triển, 1 Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã và 6 Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở với hơn 130 điểm giao dịch. “Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh là tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng phòng giao dịch, đặc biệt là ở thị trường nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sự phát triển mạng lưới hoạt động trước hết là tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Đồng thời, gia tăng sự lựa chọn cho khách hàng cũng như tính cạnh tranh giữa các ngân hàng”-ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho biết.

Các ngân hàng trong tỉnh đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Ảnh: Đ.T
Các ngân hàng trong tỉnh đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Ảnh: Đ.T



Trên tinh thần thực hiện định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều tích cực đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ, kích cầu tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý để thu hút khách hàng, mở rộng thị phần kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đơn cử như Liên Việt Post Bank sau 6 năm có mặt tại thị trường Gia Lai đã đánh dấu bước phát triển mới bằng sự kiện đồng loạt nâng cấp 5 điểm giao dịch Bưu điện thành Phòng Giao dịch tại địa bàn các huyện: Ia Grai, Chư Pah, Krông Pa, Đức Cơ, Chư Prông. Đây là một bước tiến nhằm hiện thực hóa định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ đại chúng của Liên Việt Post Bank trên toàn quốc. “Mục tiêu của chúng tôi sẽ không dừng tại đây. Năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm 5 phòng giao dịch tại địa bàn các huyện: Phú Thiện, Kông Chro, Kbang, Đak Đoa, Mang Yang. Điều này sẽ rút ngắn khoảng cách giữa khách hàng-ngân hàng, đặc biệt khách hàng ở nông thôn không phải tốn nhiều thời gian đi lại như trước khi các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã phủ sóng rộng rãi. Hiện tại, chúng tôi đã có hơn 9.000 khách hàng giao dịch, hầu hết tăng trưởng tín dụng là dành cho khách hàng cá nhân”-ông Nguyễn Tấn Nghĩa-Giám đốc Liên Việt Post Bank-Chi nhánh Gia Lai-khẳng định. Để tiếp cận gần hơn với khách hàng, Chi nhánh tập trung gia tăng các sản phẩm dịch vụ bán chéo qua hệ thống ngân hàng-bưu điện, tận dụng thế mạnh sản phẩm độc quyền cho vay hưu trí với hơn 4.000 khách hàng/300 tỷ đồng dư nợ.

Là tân binh trên thị trường Gia Lai, VietCapital Bank (Ngân hàng Bản Việt) đã định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại trong chiến lược 5 năm (2016-2020) bằng việc đặt khách hàng là trung tâm qua thông điệp “Chúng tôi bắt đầu từ bạn”. Các sản phẩm dịch vụ, chương trình khuyến mại được Ngân hàng Bản Việt tập trung xây dựng theo từng nhu cầu của từng khách hàng, từng địa phương nhằm giúp khách hàng có nhiều sự chọn lựa khi giao dịch với ngân hàng. Đối với một địa bàn đặc thù như Gia Lai, Ngân hàng Bản Việt tập trung vào thị trường bán lẻ và cam kết đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng các chính sách, sản phẩm ưu việt như: cho vay sản xuất nông nghiệp, cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà ở, cho vay mua ô tô, cho vay tín chấp… Theo nhận định của bà Giang Thị Hoài Phương-Giám đốc Ngân hàng Bản Việt-Chi nhánh Gia Lai, nếu như Chi nhánh Đak Lak hiện nằm trong tốp 10 của hệ thống Bản Việt thì Gia Lai cũng là một thị trường có nhiều tiềm năng, thế mạnh tương đương. Để phát triển ở thị trường này, quan trọng nhất vẫn là việc chủ động lựa chọn phân khúc kinh doanh phù hợp, khai thác thế mạnh ở mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, đồng thời có chính sách ưu đãi hấp dẫn khách hàng tiềm năng ở mảng bán lẻ.

Sơn Ca

 

Có thể bạn quan tâm