Hình thức hơn là thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là hình thức thanh toán tiên tiến nên để theo kịp xu thế chung, ngày 27-12-2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11%; đồng thời tăng mạnh số người dân tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng lên mức 35-40% dân số.

Bên cạnh đó phát triển dịch vụ thanh toán thẻ, trọng tâm là phát triển thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ. Yêu cầu đến năm 2015, toàn thị trường có khoảng 250 ngàn thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm. Tiếp tục mở rộng việc trả lương qua tài khoản đối với những đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

 

Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

Đồng thời phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng để thu phí, chi trả bảo hiểm, phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại cước phí điện, nước, điện thoại...

Tuy nhiên sau gần 3 năm triển khai, kết quả đạt được không như kỳ vọng. Theo một tài liệu tin cậy, hiện khối lượng tiền mặt lưu thông cả nước chiếm khoảng trên 20% tổng phương tiện thanh toán, đang gây nhiều bất lợi cho công tác quản lý nhà nước về tiền tệ và việc thực hiện đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ. Cũng với tài liệu trên, nước ta đang có khoảng 90 triệu dân nhưng các ngân hàng thương mại mới chỉ phát hành hơn vài triệu thẻ ATM và gần 100 ngàn thẻ quốc tế và toàn quốc chưa tới 2 ngàn máy ATM.

Riêng với Gia Lai, thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: toàn tỉnh hiện có 24 tổ chức tín dụng với 106 điểm giao dịch. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt 142 máy rút tiền ATM, phát hành 36.351 thẻ cho 1.162 đơn vị thanh toán tiền lương qua tài khoản; lắp đặt khoảng 600 POS, nhiều nhất là của BIDV (150 máy cho cả 2 chi nhánh), Agribank, VCB, Vietinbank mỗi đơn vị có từ 100 POS trở lên... Số POS của các ngân hàng thương mại cổ phần khác không nhiều.

Những nơi lắp đặt điểm chấp nhận thẻ phổ biến là các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có doanh số mua bán hàng cao như các tiệm vàng, cửa hàng mua bán ô tô, xe máy, cửa hàng mỹ phẩm, thời trang... Nói chung, các ngân hàng sau khi xác định được chủ thẻ ATM thì mới tiến hành lắp đặt thiết bị thanh toán POS miễn phí.

 

Thanh toán không dùng tiền mặt được hiểu là hình thức thanh toán thực hiện bằng cách trích chuyển số tiền nhất định từ tài khoản của người trả tiền sang tài khoản của người chủ nợ hoặc bằng cách trừ các khoản phải thanh toán lẫn nhau thông qua nghiệp vụ kế toán ngân hàng. Có nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: nhờ thu nhận trả, thanh toán theo thư tín dụng, thanh toán bằng séc, theo ủy nhiệm chi và theo kế hoạch... Các quan hệ giao dịch kinh tế của doanh nghiệp, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan nhà nước, đoàn thể được công nhận là đơn vị dự toán, các tổ chức kinh tế tập thể... đều thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt không kể các khoản thanh toán tiền mặt theo quy định của chế độ quản lý tiền mặt.

Kỳ vọng thì lớn nhưng theo nhiều người (trong đó có cán bộ ngành ngân hàng), mức độ thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội Việt Nam đang rất thấp trên tổng chi tiêu của người dân và thị trường Gia Lai không là ngoại lệ. Doanh số của các điểm chấp nhận thẻ thường không cao và đặc biệt là không phản ánh trung thực, chính xác tình hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các cơ sở. Tuy có lắp đặt POS nhưng nhiều nơi chỉ là hình thức, sử dụng lúc có, lúc không.

Nhiều người đem theo thẻ ATM đi mua hàng nhưng rơi vào tình cảnh trớ trêu. Đã mua hàng, đã sử dụng dịch vụ nhưng khi thanh toán thì chủ cửa hàng, cửa hiệu chỉ đòi lấy tiền mặt, thậm chí là trích lại phần trăm đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Khách hàng làm sao tránh khỏi lúng túng, vất vả và chỉ còn cách khất nợ, nhờ người khác trả hộ, hoặc mượn tiền của ai đó để thanh toán, cầm tài sản, đồ trang sức, có khi phải về nhà lấy tiền hay đến máy ATM rút tiền rồi quay trở lại để thanh toán,…

Trên thực tế, thanh toán qua POS khách hàng không phải trả phí (khác với rút tiền ở máy ATM) nhưng nhiều người còn ít mặn mà. Nguyên nhân là việc minh bạch hóa thu nhập của các thành phần dân cư còn chưa rõ ràng, trong thời kỳ quá độ nạn tham nhũng, lãng phí, hối lộ, lót tay trong xã hội Việt Nam vẫn còn xảy ra dưới nhiều hình thức. Không loại trừ khả năng một số cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ dù thấy lợi ích của POS nhưng không sử dụng vì để tránh kê khai doanh thu, doanh số mua bán, lẫn trốn thuế,... Cả nguyên nhân người dân còn nặng tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm