Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 12-6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 với chủ đề: “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tham dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành của Trung ương; hơn 4.500 công nhân ở điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu trên toàn quốc.

Các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Lệ Nhung-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Tham dự chương trình có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công thương; Sở Giao thông vận tải; Công an tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; Bảo hiểm Xã hội tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Công ty Điện lực Gia Lai và 70 công nhân lao động thuộc các ngành nghề trên địa bàn tỉnh.

 Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hội trường 2-9 nghe Thủ tướng giải đáp các ý kiến. Ảnh: Anh Huy
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Anh Huy


Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đây cũng là dịp để Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, truyền thông điệp động viên, khích lệ công nhân lao động cả nước, phát huy truyền thống, vượt mọi khó khăn, chung sức, đồng lòng thi đua lao động sản xuất với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc. Để chuẩn bị cho chương trình, các cấp công đoàn đã lấy ý kiến sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động cả nước và có gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất đối với 126 vấn đề đã được tổng hợp, gửi đến người đứng đầu Chính phủ.

Với tinh thần thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm và mang tính xây dựng cao, 13 ý kiến, kiến nghị, đề xuất của công nhân lao động, đại diện doanh nghiệp tập trung vào 10 nhóm vấn đề đã nêu tại chương trình. Cụ thể như: vấn đề tăng lương tối thiểu vùng; rà soát, sửa đổi toàn diện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân lao động rút bảo hiểm xã hội một lần; quy hoạch, dành quỹ đất và tháo gỡ cơ chế, chính sách để triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi khám-chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động, giúp công nhân tiếp cận nguồn vốn hợp pháp để giải quyết khó khăn, hạn chế tình trạng công nhân lao động mắc bẫy “tín dụng đen”. Cùng với đó, một số ý kiến cũng bày tỏ mong muốn cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng 4.0; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với người lao động; quan tâm, tạo điều kiện để công nhân lao động được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, phù hợp với thu nhập; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân; bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các khu công nghiệp vào giờ cao điểm; hỗ trợ giá thuê nhà trọ, tạo điều kiện để con công nhân tiếp cận các trường học trên địa bàn...

Bên cạnh những kiến nghị, đề xuất, nhiều công nhân lao động bày tỏ sự tri ân đối với Đảng, Nhà nước, cá nhân Thủ tướng Chính phủ, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp về công tác phòng-chống dịch cũng như việc chăm lo kịp thời đối với người lao động trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; bày tỏ niềm tin tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và Công đoàn; thể hiện mong muốn, khát vọng cống hiến, xây dựng, phát triển doanh nghiệp, địa phương và đất nước.

Tất cả ý kiến, kiến nghị của các đại biểu trực tiếp tại chương trình đều được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan lắng nghe, ghi nhận và giải đáp kịp thời.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và cộng đồng trách nhiệm trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của công nhân lao động, tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận và cảm ơn những ý kiến rất đúng, trúng và cần thiết của công nhân lao động tại chương trình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một buổi đối thoại sẽ không thể giải quyết hết các vấn đề đặt ra, do đó, đề nghị các bộ, ban, ngành và các địa phương tiếp tục lắng nghe, tập hợp các ý kiến, trong đó chú ý đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đội ngũ công nhân lao động; tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách và tham mưu đề xuất bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Các bộ, ban, ngành và địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được đồng thời thẳng thắn rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, thiếu sót và phối hợp nhịp nhàng, tìm ra những giải pháp phù hợp để làm tốt hơn nữa trong việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động.

Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn đội ngũ công nhân lao động tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, vượt qua khó khăn thách thức, đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng 25 suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội trao bảng tượng trưng ủng hộ Quỹ “Tấm lòng vàng” số tiền 2,5 tỷ đồng để giúp đỡ cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trẻ em mồ côi cha mẹ trong đại dịch Covid-19. Cũng trong khuôn khổ chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam chính ra ra mắt chương trình “Giờ thứ 9+”.

 

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ: Binh đoàn 12 cần thực hiện '3 tiên phong' trong thời kỳ mới

Thủ tướng Chính phủ: Binh đoàn 12 cần thực hiện '3 tiên phong' trong thời kỳ mới

(GLO)- Chiều 10-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ tới thăm, làm việc với Binh đoàn 12-Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn và Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).
Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

Tự hào là chiến sĩ Điện Biên

(GLO)-

94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, đôi tai không còn nghe rõ, nhưng ký ức về những ngày tham gia giải phóng Điện Biên vẫn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Lưu Thế Quý (thôn Phú Cường, xã Ia Pal, huyện Chư Sê).

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

Đồn Biên phòng Ia Púch tiếp sức để dân thoát nghèo

(GLO)- Bằng nhiều hoạt động mang tính thiết thực, cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Púch) đã giúp nhiều hộ dân ở xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông) thay đổi nếp nghĩ, cách làm và vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là các hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.