Tiền lương đảm bảo đời sống người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày 7 đến 12-5, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương. Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Phải coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người hưởng lương và gia đình họ; trả lương đúng chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động”.
 

Ảnh internet
Ảnh internet

Lâu nay, chúng ta đã nhiều lần cải cách tiền lương, song kỳ thực, chính sách lương hiện hành còn quá nhiều bất cập. Một người trình độ đại học, sau 25 năm làm việc, không bị kỷ luật, tăng lương đều đặn đến tột khung chuyên viên, nhưng thu nhập từ tiền lương sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mỗi tháng chỉ trên dưới 5 triệu đồng. Với mức sống và sinh hoạt như hiện nay, khó đảm bảo để họ chi tiêu, nói gì đến việc nuôi người thân, gia đình và mua sắm vật dụng, tích lũy làm nhà, mua xe.

Hiện, lương người tốt nghiệp đại học, mức khởi điểm sau khi trừ bảo hiểm chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với học phí mà sinh viên phải đóng để học đại học. Đây là điều rất bất hợp lý.

Trong khi chính sách tiền lương trong cơ quan nhà nước như vậy thì ngoài xã hội, tiền công, tiền lương đã có những cách chi trả rất năng động, thông thoáng. Nhiều doanh nghiệp trả lương theo vị trí việc làm, tăng lương theo năng lực người lao động, không chờ đến năm đến tháng như Nhà nước. Tình trạng chảy máu chất xám từ cơ quan nhà nước ra doanh nghiệp nước ngoài; từ trong nước ra ngoài nước vì vậy là không tránh khỏi. Nhiều sinh viên giỏi học xong không chịu về các cơ quan nhà nước làm việc mà ở luôn nước ngoài. Không ít sinh viên trình độ cao không muốn vào làm ở các cơ quan nhà nước, vừa khắt khe giờ giấc, kỷ cương, thu nhập lại thấp. Các cơ quan nhà nước vì thế không có cơ hội chọn lựa được đội ngũ chuyên môn chất lượng cao.

Mặc dù lương không cao nhưng vì sao vẫn nhiều người muốn vào bộ máy nhà nước? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc vào “có chân” để làm ăn “chân trong chân ngoài”, làm “nghề tay trái” nhưng lại thu nhập chính; làm trong các cơ quan nhà nước chẳng qua để có vị trí xã hội, có điều kiện quan hệ, để làm việc khác, không toàn tâm, toàn lực với công việc chuyên môn được giao. Một số người vì năng lực hạn chế, yếu kém, không có khả năng làm được việc gì, kiếm một chân trong cơ quan nhà nước để có chỗ trú thân “dựa bắp cày ăn rơm”. Một số người tìm cách có vị trí “béo bở” ở cơ quan, doanh nghiệp nhà nước để mưu lợi từ vị trí công tác chứ không phải vì cống hiến, vì tiền lương...

Tiền lương trong cơ quan nhà nước đã thấp, song cũng nhiều bất cập khi ngạch chuyên viên 3 năm mới tăng lương một lần, bằng 0,33% hệ số lương; thực chất, mức tăng lương không đủ bù trượt giá do lạm phát. Như vậy, đồng nghĩa với việc thu nhập theo giá trị tương đương tăng không đáng kể từ lúc đi làm đến nghỉ hưu. Đấy là chưa kể nhiều điều bất hợp  lý ở các bảng lương, cách tính lương giữa các ngành trong hệ thống chính trị nước nhà. Ví như có người là Trưởng Công an phường lương hưu cao hơn Chủ tịch UBND tỉnh nghỉ hưu.

Việc cải cách chính sách tiền lương lần này gắn liền với tinh giản, tinh gọn bộ máy, biên chế nhà nước, hy vọng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của chính sách tiền lương hiện hành, tạo động lực để phát triển xã hội. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng-chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Một khi thu nhập từ tiền lương đảm bảo đời sống người hưởng lương và gia đình họ, chắc chắn cán bộ, công chức sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để bảo vệ vị trí việc làm. Bởi, nếu mất việc làm thì mất thu nhập, khó lựa chọn công việc nào khác tốt hơn. Việc làm thu nhập tốt giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác, tự hào với công việc. Có như vậy, bộ máy công quyền sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả, số người “sáng cắp ô đi tối cắp về” không còn chỗ trong hệ thống nhà nước.

Cải cách chế độ tiền lương lần này tiến hành đồng bộ với nhiều chính sách khác, đồng thời với kiềm chế lạm phát, xây dựng nền hành chính liêm khiết, phục vụ chắc chắn sẽ là sự mong mỏi của toàn xã hội.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.