Ghè cổ Báu vật truyền đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh cồng chiêng, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và người Bahnar nói riêng còn xem ghè cổ như là vật thiêng của dân tộc. Dù chiến tranh loạn lạc hay lúc khó khăn nhất, những chiếc ghè ấy vẫn được họ ra sức bảo vệ và giữ gìn.

Trong một chuyến công tác về với làng Măng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro), tình cờ tôi được nghe một cán bộ xã “bật mí” rằng bà con nơi đây còn lưu giữ rất nhiều ghè rượu quý, có tuổi đời từ vài chục đến hơn trăm năm. Đối với một người làm báo thì đó là thông tin vô cùng hấp dẫn.

 

Vợ chồng già Uyêng bên gia tài quý của mình. Ảnh: H.T
Vợ chồng già Uyêng bên gia tài quý của mình. Ảnh: H.T

Và rồi, tôi quyết định quay lại ngôi làng này vào một ngày giữa đông. Đồng hành cùng tôi hôm ấy có Phó Trưởng thôn Đinh Lơr. Anh Lơr cho biết, làng có tất cả 83 hộ với 416 nhân khẩu, trong đó chỉ có 3 hộ Kinh, còn lại đều là người Bahnar. Trước đây, hầu như nhà nào cũng có ghè cổ, song qua thời gian, phần lớn đã bị hư hỏng nên hiện cả làng chỉ còn khoảng hơn 20 hộ giữ được ghè. Nhà nào nhiều thì vài chục cái, ít thì vài ba cái.

Ngồi bên góc hiên nhà sàn, thấy người lạ đến, già Đinh Uyêng (80 tuổi) nở nụ cười hiền chào khách. Khi anh Lơr nói về mục đích đến thăm nhà của chúng tôi, ban đầu già Uyêng tỏ vẻ hơi dè dặt và dường như không muốn nhắc đến số “tài sản quý” của mình. Sau một hồi trò chuyện, già mới cởi mở hơn: “Nhà mình còn hơn 20 ghè lớn nhỏ, xếp trong kia kìa. Tất cả phải hơn 100 năm rồi đấy. Nhiều người hỏi mua bằng rất nhiều tiền mà mình đâu có bán. Của ông bà, cha mẹ để lại nên mình quý lắm. Giờ mình cũng phải giữ gìn cho con cháu sau này”.

 

Già Đinh Uyêng tỉ mẩn lau đi lớp bụi lâu năm bám trên chiếc ghè cổ của gia đình.      Ảnh: H.T
Già Đinh Uyêng tỉ mẩn lau đi lớp bụi lâu năm bám trên chiếc ghè cổ của gia đình. Ảnh: H.T

Nói đoạn, già Uyêng cùng vợ lần lượt đem một vài chiếc ghè ra cho khách chiêm ngưỡng. Cầm lấy chiếc khăn sạch, già tỉ mỉ lau đi lớp bụi dày bám trên thân ghè, để lộ ra những đường nét hoa văn đẹp mắt. Những chiếc ghè này được làm bằng tay nên miệng ghè không được tròn trịa, nhưng đổi lại cực kỳ dày dặn và chắc chắn. Ghè có 3 màu chủ đạo là vàng, đen, nâu với nhiều kích cỡ khác nhau. Có ghè trơn, có ghè khắc hoa văn, có cái chỉ làm hoàn toàn bằng gốm, có cái phần đáy lại tráng thêm một lớp đồng. Tùy theo độ lớn nhỏ và công sức bỏ ra mà “giá trị một chiếc ghè tương đương với 5-7 con heo to, trâu to đấy”-già Uyêng hồ hởi nói.

Những câu chuyện về ghè cổ gắn liền với truyền thống, tín ngưỡng của dân tộc Bahnar cũng lần lượt được gợi mở qua lời kể của vợ chồng già Uyêng. Ngày trước, ghè chính là tài sản thể hiện sự giàu có, quyền lực của người Bahnar. Chỉ cần nhìn vào số lượng ghè quý của mỗi gia đình mà có thể nhận biết được sự giàu nghèo của chủ nhân. Mỗi chiếc ghè mang một tên gọi khác nhau, được phân biệt bởi kiểu dáng, hoa văn hoặc kích thước. Người Bahnar xưa quan niệm rằng, hễ ghè quý thì phải đựng rượu ngon. Bởi thế, họ thường giao cho người làm rượu giỏi nhất trong gia đình đảm trách việc ủ rượu bằng chiếc ghè giá trị nhất, với những nguyên liệu tinh túy nhất. Và loại rượu này chỉ được đem ra uống trong các dịp lễ hội đặc biệt quan trọng, linh thiêng.

 

Già Đinh Hei khoe với Thôn phó Đinh Lơr chiếc ghè Krấp Dlơng mà ông phải mất 8 con heo to mới đổi được.                                                Ảnh: H.T
Già Đinh Hei khoe với Thôn phó Đinh Lơr chiếc ghè Krấp Dlơng mà ông phải mất 8 con heo to mới đổi được. Ảnh: H.T

Trong thời kỳ chiến tranh, để bảo vệ ghè, bà con phải đào hố thật sâu chôn xuống đất mỗi cái một nơi. Hòa bình, họ lại lần theo vị trí đánh dấu mà đào lên. Tuy nhiên, một phần do nhiều chiếc ghè đã bị vỡ do trúng bom, phần nữa bà con không nhớ chỗ chôn giấu nên số lượng hao hụt đáng kể so với ban đầu. Khi chuyển từ làng cũ trên núi về làng mới hiện tại, mọi người lại thay nhau khiêng ghè theo, gia đình nào nhiều phải vận chuyển mấy ngày mới hết.

Cách nhà già Uyêng không xa, già Đinh Hei (82 tuổi) cũng là một trong những người dân của làng Măng còn giữ được ghè cổ. Tuy nhiên, khác với già Uyêng, những chiếc ghè này đều do già Hei tự bỏ trâu đổi lấy chứ không phải do người thân để lại. Già bộc bạch: “Ngày trước, cha mẹ cũng có ghè dành cho tôi nhưng đều bị vỡ hết lúc chiến tranh. Tiếc lắm nhưng biết sao được. Sau này, muốn có ghè để lại cho con cháu, tôi mới quyết định mang trâu đi đổi hơn 10 cái của các hộ bên làng Tnùng 2, xã Ya Ma. Chia cho các con xong, giờ tôi còn lại được 5 cái là Stôk Ya, Bnum, Krấp Găm, Krấp Dlơng và Krấp Lula. Trong đó, cái Krấp Dlơng dù nhỏ nhất nhưng quý nhất, lâu đời nhất, phải đổi 8 con heo lớn mới có được. Còn cái Krấp Lula bị bể phần miệng rồi nhưng tôi vẫn giữ lại để cho con cháu mình sau này biết được các loại ghè của ông bà ngày trước”.

 

Anh Đinh Hun-một thanh niên của làng Măng: “Mình rất tự hào khi dòng họ còn nhiều người giữ được ghè quý. Nhờ đó mà những người trẻ như mình biết truyền thống văn hóa của ông bà xưa kia. Thế hệ chúng mình sau này nếu may mắn được truyền lại cũng sẽ quyết tâm giữ gìn vì đây là báu vật của người Bahnar”.

Theo chia sẻ của người làng, ngày nay, ghè cổ được chủ nhân cất giữ rất cẩn thận và hầu như chẳng còn sử dụng để ủ rượu cần nữa. Hoặc nếu có, họ chỉ dùng cho các dịp lễ lớn như đám cưới, đám bỏ mả trong nội bộ gia đình chứ tuyệt đối không mang ra ngoài hay cho bất kỳ ai mượn vì sợ thất lạc. Vậy nhưng, chúng cũng đang dần mai một trong đời sống của một bộ phận người Bahnar. Ngày nay, muốn mua xe máy, ti vi hay bất kỳ vật dụng gì phục vụ cho nhu cầu cá nhân, một số người đã bán ghè. Thêm vào đó, nhiều gia đình, nhất là hộ trẻ tuổi, dần dà không còn tự ủ rượu để uống nữa mà thay vào đó là bia, rượu trắng. Đây cũng là vấn đề khiến những người tâm huyết gìn giữ và bảo vệ ghè cổ như già Hei, già Uyêng trăn trở không yên.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
 Âm thanh mùa hạ

Âm thanh mùa hạ

(GLO)- Quê tôi có cụm từ “nắng de (ve) kêu” để chỉ cái nắng gay gắt khi vào hè. Do vậy, buổi trưa khi mặt trời đứng bóng cũng là lúc dàn đồng ca của lũ ve sầu đinh tai nhức óc ở hàng cây mù u hai bên đường làng cất lên.
Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

(GLO)- Tấm áo trấn thủ đã trở thành biểu tượng gắn liền với người chiến sĩ Điện Biên trong suốt 56 ngày, đêm "đánh lấn từng thước đất". Ngắm nhìn tấm áo ấy được trưng bày trong bảo tàng, tác giả Nguyễn Ngọc Phú bồi hồi, tưởng như được sống lại phút giây chiến đấu hào hùng của cha anh.
Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Quanh co ghềnh thác

Quanh co ghềnh thác

(GLO)- Câu thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” của người Việt chúng ta thật có sức gợi. Không chỉ gợi hình ảnh, nó còn gợi cảm giác và gợi cả những thanh âm. Mỗi khi đứng trước một con thác, nhìn dòng nước lao từ trên cao xuống, rồi uốn mình đổ xuôi đi, tôi luôn nghĩ đến câu thành ngữ ấy.
Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...