“DẠO CHƠI, NHƯNG LÀM ĐƯỢC ĐIỀU CÓ ÍCH!”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có thể nói, nhà văn Nguyên Ngọc không quá lời chút nào khi dành những câu như thế này trong bài viết giới thiệu về cuốn sách mới toanh “Lễ hội Tây Nguyên” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong: “Tôi biết suốt mấy mươi năm lặn lội, bao giờ cũng chỉ một mình và gần như tuyệt đối vô danh trên khắp Tây Nguyên mênh mông, Trần Phong đã có được hàng chục ngàn bức ảnh vô giá. Một kho tàng văn hóa và nghệ thuật hạng một... Hầu hết các bức ảnh trong tập sách bạn đang cầm trên tay đây, ngày nay dẫu bạn có đi lùng sục khắp Tây Nguyên, tốn bao nhiêu tiền và tốn bao nhiêu công cũng không còn chụp được nữa...”. Cầm trên tay cuốn sách ảnh thứ 2 vừa mới “ra lò” (cuốn đầu tiên được đánh giá rất cao là Điêu khắc gỗ dân gian Jrai, Bahnar-xuất bản năm 1995), Trần Phong rất vui khi nói về thành quả của mình: “Tập ảnh này sẽ cần cho những ai cần làm tư liệu nghiên cứu hoặc sau này muốn khôi phục văn hóa Tây Nguyên”. 
•    Cuộc “dạo chơi” suốt hơn... 20 năm!
lối về- huy chương vàng Mỹ 2008
Lối về- huy chương bạc Mỹ 2008. Ảnh: Trần Phong
Cho đến thời điểm này, khi mà văn hóa Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một và các học giả gay gắt lên tiếng kêu gọi bảo tồn, nhiều người bắt đầu nói về văn hóa Tây Nguyên, xem văn hóa Tây Nguyên như là đề tài “đánh đâu thắng đó” trong các thể tài sáng tác. Nhưng, nói như Lê Hùng-một họa sĩ có tiếng ở đất Gia Lai-thì: “Không phải cứ đề tài Tây Nguyên là thắng. Nếu anh muốn được vinh danh thì anh phải đào xới, phải hiểu, phải làm cho nó thăng hoa trước đã...”. Trường hợp này cũng thật đúng với nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Phong. Hơn 20 năm cầm máy-hầu hết là bươn bả có khi hàng tháng trời trên khắp các vùng của Gia Lai-quả là một cuộc “dạo chơi” rất mất công đối với Trần Phong. Tham gia vào tổ Nhiếp ảnh thời sự của Sở Văn hóa-Thông tin từ những năm 1980 vào lúc đang có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên, lại được gặp gỡ, tiếp xúc, đi thực tế cùng các nhà “Tây Nguyên học” nổi tiếng như: Cố GS. Từ Chi, GS. Nguyễn Tấn Đắc, PGS-TS. Ngô Văn Doanh, nhà văn Nguyên Ngọc...,  Trần Phong đã đến với văn hóa Tây Nguyên bằng niềm đam mê khó mà lý giải được. Đó không phải là cái cạn cợt của sự hám lạ nhất thời hay mong muốn được vinh danh chốc lát, mà là một tình yêu thật sự.
Bây giờ, xuống từng ngôi làng ở khắp Gia Lai mà hỏi NSNA Trần Phong thì người ta cũng chỉ... lắc đầu nguầy nguậy mà thôi, bởi nói như nhà văn Nguyên Ngọc, Trần Phong cứ âm thầm lặn lội như thế, như một nghệ sĩ vô danh. Nhưng kết quả thì lại thật đáng nể: Thu lượm được hàng ngàn hình ảnh quý giá về các dân tộc bản địa tại Gia Lai. “Hồi đó, cứ tới làng nào là tôi cũng hỏi: “Nhà mồ ở chỗ nào?” và chạy ngay đến để chụp ảnh”-Trần Phong bật cười nhớ lại. Với anh, kiến trúc nhà mồ, tượng nhà mồ và các lễ hội có một sức hút thật đặc biệt. Thật ra, thời điểm đó cũng có một vài nhiếp ảnh gia cùng có chung sự quan tâm về văn hóa Tây Nguyên với Trần Phong, nhưng không ai đeo đuổi đến tận cùng mảng đề tài này như anh. “Tôi cũng tranh thủ đọc nhiều sách về Tây Nguyên, vì đâu phải cái gì mình cũng biết hết”-anh nói về sự trang bị kỹ càng về kiến thức, bởi dù làm ở mảng nào thì cũng phải có cái “phông” văn hóa nhất định. Ngay từ những năm tháng ấy, trước những tác động ban sơ của đời sống bên ngoài tưởng chừng rất nhỏ, anh đã hiểu rằng về lâu dài những nét độc đáo trong đời sống, sinh hoạt, tâm linh này sẽ phôi pha dần, do đó phải ghi lại bằng hình ảnh càng nhiều càng tốt. Có thể gọi đó là sự nhạy cảm nghề nghiệp của một tay máy có nghề. Nhiều tấm ảnh của NSNA Trần Phong không chỉ có giá trị về thời gian, mà còn mang tính nghệ thuật cao; bởi chúng không chỉ “bắt đứng” cái đã xảy ra mà còn lưu giữ cái Đẹp thuần khiết của một vùng đất đặc biệt.

•    Yêu nghề, sống được bằng nghề
   
Nương tựu - Giải thưởng lớn Pháp 2007, Cúp Vàng Hồng Công 2008. Ảnh: Trần Phong
Nương tựa - Giải thưởng lớn Pháp 2007, Cúp Vàng Hồng Công 2008. Ảnh: Trần Phong

Năm 1988, NSNA Trần Phong là người đầu tiên tại Gia Lai được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam (hiện anh là Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Gia Lai), còn nói về giải thưởng thì anh cũng là người có duyên với các giải thưởng nhất: Trên 130 giải thưởng! Cùng với kinh nghiệm của một tay máy đã qua nhiều cuộc thi, “bí kíp” của NSNA Trần Phong là thường xuyên cập nhật thông tin về các giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, nắm bắt “gu” ảnh của từng khu vực, từng châu lục. Theo anh, thực tế “gu” ảnh mỗi nơi mỗi khác, có tấm được giải cao trong nước nhưng khi dự thi ở nước ngoài thì “out” hoặc chỉ được vào vòng triển lãm; ngược lại có tấm trong nước chỉ được giải vớt nhưng lại... lọt vào mắt xanh của Ban Giám khảo cuộc thi quốc tế.

“Nhưng nếu trong sáng tác mà không gặp may mắn thì cũng chịu”-Trần Phong nói khi nhìn lại những thành công trong nghề của mình. May mắn ở đây chính là những lần đi tác nghiệp, gặp được những lễ hội và nét sinh hoạt nguyên bản, đậm đà phong vị truyến thống, may mắn gặp và chia sẻ được với những con người hết lòng với Tây Nguyên. Giờ đây, dù sở hữu không biết bao nhiêu hình ảnh quý giá về Tây Nguyên, nhưng NSNA Trần Phong vẫn không thôi tiếc vì những gì đang mất đi trên chính mảnh đất anh đang sống: “Vừa rồi tôi có đi dự một số liên hoan cồng chiêng ở một vài huyện trong tỉnh nhưng thật thất vọng. Lễ hội bây giờ đã bị sân khấu hóa nhiều quá!”. Không còn trai trẻ để dấn thân nhiều như trước đây, song Trần Phong vẫn cố gắng tìm và khai thác những nét đẹp trong khung cảnh hiện tại, bởi với anh “bản sắc có thể mai một, nhưng tính nhân văn thì vĩnh cửu!”. Và, trong bối cảnh đó, những bức ảnh của anh-mới và cũ-lại càng xác tín được giá trị của chúng.
Gặp NSNA Trần Phong sẽ thấy, ở anh chất nghệ sĩ không thể hiện ra bằng sự bóng bẩy hình thức: Anh khá nhỏ người, trong âm điệu vẫn phảng phất chất giọng “xứ nẫu” Bình Định, nụ cười thì rất thật thà; song tâm hồn anh, thể hiện qua từng góc nhìn trong nhiếp ảnh, thì đúng thật là một con người nghệ sĩ đích thực-rất yêu cái Đẹp. “Sáng tạo được một tấm ảnh đẹp là tôi thấy vô cùng hạnh phúc. Còn cả năm trời không có tác phẩm nào có giá trị là tôi lại thấy hụt hẫng. Hạnh phúc này có đổi bằng tiền chưa chắc đã thích!”-Trần Phong hóm hỉnh nói. Soát xét lại, yêu nghề và sống được bằng nghề ở đất Gia Lai như Trần Phong chỉ có một vài người.
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Phố khuya

Phố khuya

(GLO)- Thỉnh thoảng có việc ra ngoài, trở về nhà khi trời đã ngả dần về khuya, tôi thường chạy xe thật chậm. Dường như những lúc đó, luôn có một lý do níu tôi chậm lại để quan sát một đời sống khác, khi phố đã vào đêm.
Gia Lai: Thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh

Gia Lai: Thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh

(GLO)- Tối 22-4, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP.Pleiku), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai tổ chức hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày Mở đường Hồ Chí Minh-Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024).
Phát triển văn hóa đọc

Phát triển văn hóa đọc

(GLO)- Trước sự chi phối mạnh mẽ của các loại hình giải trí cùng nhiều thiết bị công nghệ, việc “cạnh tranh” để xây dựng chỗ đứng nhất định của sách và văn hóa đọc trong đời sống là không hề dễ dàng.

Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...