Dưa hấu bén đất Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều nông dân ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định đã tìm đến huyện Krông Pa (Gia Lai) thuê đất trồng dưa hấu. Hiện tại, giá dưa bán tại ruộng dao động từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg nên người trồng có lãi. Tuy nhiên, dưa hấu vẫn là loại nông sản chưa ổn định về đầu ra.
Tháng 11-2018, gia đình anh Nguyễn Thanh Hải (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đến xã Phú Cần (huyện Krông Pa) thuê 2 ha đất để trồng dưa hấu. Với giá bán tại ruộng dao động từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh Hải thu lãi gần 200 triệu đồng.
 Sau Tết, nhiều ruộng dưa tại huyện Krông Pa đã bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: N.S
Sau Tết, nhiều ruộng dưa tại huyện Krông Pa đã bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: N.S
Cách đây hơn 3 tuần, anh Hải tiếp tục thuê 2,5 ha đất khác tại xã Phú Cần với giá 22 triệu đồng để trồng dưa. Anh Hải cho hay, trồng dưa khó hơn so với các cây khác, đòi hỏi người trồng phải chọn loại đất phù hợp, thành thạo kỹ thuật chăm sóc để dưa cho quả đúng mùa vụ. Bên cạnh đó, để giảm công lao động, anh Hải đã đầu tư máy bơm nước và lắp đường ống tưới nhỏ giọt. “Đất ở đây màu mỡ, bằng phẳng nên vừa dễ làm lại thích hợp với cây dưa hấu. Hàng năm, cứ vào vụ dưa hấu, gia đình tôi lại lên đây thuê đất để trồng. Đến khi thu hoạch vụ này mà giá cả ổn định như hiện nay thì sẽ có lãi”-anh Hải chia sẻ.

Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa: “Chúng tôi cũng đã thông báo cho các xã là khi có người từ nơi khác đến thuê đất thì chính quyền địa phương tạo điều kiện cho họ ký hợp đồng hợp tác với người dân sở tại. Đặc biệt, các xã phải đảm bảo về an ninh trật tự, tránh những trường hợp tranh chấp khi thương lái đến thu mua dưa. Các địa phương cũng tạo điều kiện cho những người đến trồng dưa đăng ký tạm trú, bảo vệ sản phẩm của họ làm ra”.

Gia đình chị Huỳnh Thị Hiền (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cùng 2 người bà con cũng đến huyện Krông Pa thuê 1,2 ha đất để trồng dưa hấu. Chị Hiền cho biết: “Cuối năm ngoái, chúng tôi lên đây chọn đất thuê để trồng dưa. Sau khi khảo sát các cánh đồng, chúng tôi đã chọn mảnh ruộng bằng phẳng và màu mỡ tại xã Phú Cần để trồng dưa. Vụ này, gia đình tôi vừa thu hoạch được hơn 15 tấn dưa hấu. Về giá cả thì thấy đã thấp hơn so với dịp Tết. Hiện nay, giá dưa bán tại ruộng chỉ còn 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg nhưng gia đình tôi vẫn thu lãi gần 80 triệu đồng”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, diện tích dưa hấu năm ngoái trên địa bàn huyện là hơn 500 ha. Dự kiến trong năm 2019, diện tích dưa trên địa bàn huyện khoảng 700 ha, tập trung ở các xã: Chư Ngọc, Phú Cần, Chư Gu. Các giống dưa được trồng phổ biến như: Hắc Mỹ Nhân, Trang Nông 386. Mùa trồng dưa hấu ở huyện Krông Pa thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 và từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Thời gian sinh trưởng của cây dưa từ 60 đến 65 ngày. Sau mỗi vụ dưa, nông dân phải tìm những mảnh đất khác để trồng vì trồng 2 vụ liên tiếp trên một mảnh đất sẽ khiến chất lượng dưa giảm sút. Dưa hấu là loại cây thích hợp với đất cát, những nơi có khí hậu nắng nóng, ít mưa. Khi đảm bảo những điều kiện này, dưa sẽ cho quả to, vỏ mỏng, ruột dày, đỏ và ngọt, được thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy, nhiều người dân ở các tỉnh khác đã chọn Krông Pa để thuê đất trồng dưa hấu.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Vừa rồi, UBND huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo nếu diện tích dưa hấu hàng năm mà duy trì tốt thì đưa vào cơ cấu cây trồng vụ Đông Xuân của địa phương. Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là các xã, thị trấn để xây dựng kế hoạch; đồng thời tham mưu cho UBND huyện mở các lớp tập huấn để giới thiệu cây dưa hấu đến với nông dân địa phương nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. 
Ngọc Sang - Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô

Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu ô tô

(GLO)- Haiquanonline.com.vn cho biết, tháng 4-2024, cả nước nhập khẩu 11.565 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 255,6 triệu USD, giảm 27,1% về lượng, giảm 22,6% về kim ngạch so với tháng trước.

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Kbang. Ảnh Hà Duy

Giám sát đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 tại huyện Kbang

(GLO)- Ngày 15-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Kbang về “Việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025”.
Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

(GLO)- Bám sát định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP.

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

(GLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ở chiều ngược lại, người lao động luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.