Cây lúa nước ở Hà Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, nhờ thay đổi thói quen canh tác, mở rộng diện lúa nước, người dân xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã không còn tình trạng đói giáp hạt, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Từng bước thay đổi thói quen canh tác 
Trước đây, hầu hết người dân xã Hà Đông chỉ quen trồng lúa rẫy. Dù trồng lúa rẫy phù hợp với địa hình đồi núi song năng suất rất thấp. Để giúp người dân thay đổi thói quen canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm gần đây, chính quyền xã Hà Đông đã khuyến khích bà con trồng lúa nước ở những chân ruộng thấp, gần các con suối, đập thủy lợi. Những cánh đồng lúa nước dần hình thành len lỏi giữa những chân núi cao đã góp thêm màu xanh tươi mới, ấm no cho xã nghèo này.
  Ông Hjăo bên ruộng lúa nước xanh tốt của gia đình. Ảnh: P.L
Ông Hjăo bên ruộng lúa nước xanh tốt của gia đình. Ảnh: P.L
Gia đình ông Hjăo (làng Kon Nak) trước kia cũng chỉ trồng lúa rẫy nhưng 3 năm trở lại đây đã đi đầu chuyển toàn bộ 4 sào đất sang trồng lúa nước. Vụ mùa năm nay, gia đình ông vẫn gieo giống lúa địa phương nhưng cây lúa có đủ nước nên phát triển xanh tốt. Chỉ tay về phía ruộng lúa của gia đình nằm gần con suối Đak Ajok, ông Hjăo chia sẻ: “Trồng lúa nước lợi nhiều lắm. 4 sào đất,  mình trồng 2 vụ lúa/năm. Dù không bón nhiều phân nhưng mỗi năm cũng thu được khoảng 20 bao lúa, đủ cho gia đình ăn quanh năm, không sợ đói”. Tương tự, gia đình ông Đinh Đăm (làng Kon Sơ Nglôk) hiện cũng trồng 6 sào lúa nước. “Trồng lúa rẫy đất xói mòn, bạc màu hết, cây lúa không có thứ để “ăn” nên xấu lắm. Trồng lúa nước thì cây tốt hơn, hạt nhiều hơn nên nhiều nhà trong làng chuyển sang làm lúa nước”-ông Đăm nói.
Từ năm 2015 đến nay, diện tích lúa nước trên địa bàn xã Hà Đông ổn định khoảng 140 ha. Giờ đây, hầu như nhà nào ở Hà Đông cũng trồng lúa nước. Dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, người dân đã dần thay đổi tập quán canh tác để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Nhiều chương trình hỗ trợ
Hà Đông là một trong những xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Đak Đoa. Sau hơn 3 năm (từ 2015 đến 2018) thực hiện chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về việc khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng lúa rẫy sang lúa nước, mở rộng diện tích lúa nước nhằm đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, xã Hà Đông đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, công trình.
Hiện tại, trên địa bàn xã có 3 công trình thủy lợi hỗ trợ tích cực cho việc trồng lúa nước là: thủy lợi Đak Pơ Nuk (làng Kon Sơ Nglôk), thủy lợi Đak Bok Lak (làng Kon Nak), thủy lợi Đak Glong (làng Kon Pơ Dram). Trong đó, thủy lợi Đak Pơ Nuk phục vụ nước sản xuất cho 19 ha, thủy lợi Đak Bok Lak phục vụ cho 11 ha và thủy lợi Đak Glong phục vụ cho 9 ha. Chị Lý Thị Việt-cán bộ Nông nghiệp xã Hà Đông-cho biết: “Nhìn chung, các công trình thủy lợi đều đảm bảo phục vụ cho diện tích lúa nước. Hầu hết các cánh đồng lúa nước đều sản xuất hết diện tích. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân, bà con ít sản xuất lúa nước mà chỉ tập trung vào vụ mùa. Ngoài ra,  nhiều chân ruộng cao không đảm bảo nước tưới vụ Đông Xuân; diện tích lúa nước tập trung nhiều ở một số hộ nên họ chỉ sản xuất một vụ là đủ lúa ăn cho cả năm”.
Để giúp bà con sản xuất lúa nước, hàng năm, cùng với việc hỗ trợ nguồn giống, UBND xã Hà Đông đều có kế hoạch phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện mở các lớp tập huấn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Nhờ đó, năng suất lúa được nâng lên qua từng năm. Nếu năm 2015, năng suất lúa nước đạt khoảng 3 tấn/ha thì đến nay đạt 3,5-4 tấn/ha. Dù năng suất còn thấp so với mặt bằng chung toàn huyện nhưng đây vẫn là một thành công, nhất là đã hình thành tập quán làm lúa nước cho người dân.
Ngoài khuyến khích bà con mở rộng diện tích lúa nước, xã Hà Đông cũng chủ động hướng dẫn nhân dân đa dạng cây trồng, thay thế những cây trồng năng suất thấp bằng những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như bời lời, cà phê, hồ tiêu… Đến nay, toàn xã có 8 ha hồ tiêu, khoảng 10 ha cà phê, 750 ha bời lời. Ông Nguyễn Hồng Việt-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông-cho hay: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là nhờ kết quả đào tạo dạy nghề trồng lúa nước, trồng hồ tiêu theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cây bời lời của dự án IFAD và sự tích cực tuyên truyền, vận động của cán bộ chuyên môn. Đưa cây lúa nước vào sản xuất và đa dạng hóa cây trồng cho năng suất, giá trị cao là giải pháp giúp người dân Hà Đông thoát nghèo bền vững, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống”.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) nhằm đánh giá kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II năm 2024.