Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới công ty nông-lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, các ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông-lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Dù gặp nhiều khó khăn song đến nay, việc sắp xếp, đổi mới các công ty do tỉnh quản lý đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Gia Lai là tỉnh có nhiều công ty nông-lâm nghiệp hoạt động. Trong đó, tỉnh quản lý 11 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và 3 Công ty nông nghiệp; còn lại 15 công ty nông-lâm nghiệp trực thuộc thuộc các tổng công ty và tập đoàn đứng chân trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các công ty tự tổ chức sản xuất, giao khoán đất, liên doanh, liên kết sản xuất…

 

Sau khi đổi mới, sắp xếp, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn được đánh giá hoạt động hiệu quả hơn.                         Ảnh: N.D
Sau khi đổi mới, sắp xếp, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn được đánh giá hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: N.D

Thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông-lâm nghiệp, đến nay, 11 công ty lâm nghiệp do tỉnh quản lý đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới theo phương án đã được Thủ tướng phê duyệt chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Công ty Chè Bàu Cạn cũng đã được cổ phần hóa.

Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ và Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai. Riêng các công ty do Trung ương quản lý đứng chân trên địa bàn tỉnh, đến nay, 4 công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã được phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới và phương án sử dụng đất, hiện đang cổ phần hóa theo Tập đoàn. Riêng 9 công ty cà phê thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, hiện mới chỉ có Công ty Cà phê Đak Đoa được phê duyệt đề án sắp xếp và phương án sử dụng đất. Còn lại, 1 công ty đã giải thể;  7 đơn vị đang trình lấy ý kiến của tỉnh để phê duyệt đề án sắp xếp và phương án sử dụng đất.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông-lâm nghiệp do tỉnh quản lý nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, có định hướng và kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra và đề án tổng thể sắp xếp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nguyên nhân chính là do phải giải quyết các đơn kiến nghị của công nhân và thanh tra toàn diện quá trình quản lý, sử dụng đất. Những đơn vị được phê duyệt đề án và kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017-2021 chưa được bổ sung vốn điều lệ kịp thời nên rất khó khăn trong tổ chức thực hiện, nhất là các đơn vị trồng rừng sản xuất.

Việc đo đạc, cắm mốc theo Thông tư số 07/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với 11 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp mất nhiều thời gian do diện tích rộng, các đơn vị chưa có phương án sử dụng đất chính thức. Khó khăn nhất hiện nay là hiệu quả sử dụng đất đai còn quá thấp, diện tích sử dụng chưa nhiều; tình trạng lấn chiếm đất giữa hộ dân với công ty nông-lâm nghiệp thường xuyên xảy ra; giao khoán vườn cây chậm thực hiện; chưa kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất đai qua nhiều giai đoạn. Các công ty lâm nghiệp chưa bổ sung vốn điều lệ, chưa có chiến lược sản xuất kinh doanh, chưa chủ động mở rộng hoạt động sản xuất mà chủ yếu chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thời gian qua, UBND tỉnh thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới các công ty nông-lâm nghiệp.  Tuy nhiên, vướng nhất hiện nay vẫn là vấn đề đất đai ở các công ty lâm nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, các công ty lâm nghiệp cần phối hợp với chính quyền địa phương rà soát và giải thích cho người dân hiểu. Bên cạnh đó, việc xác định đất đai của các đơn vị Trung ương đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, các đơn vị cần phối hợp với các ngành của tỉnh để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các đơn vị thực hiện theo kế hoạch đề ra…

Trong chuyến khảo sát mới đây tại Gia Lai, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh:  Thời gian qua, Gia Lai triển khai công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông-lâm nghiệp trên địa bàn do tỉnh quản lý rất hiệu quả. Điển hình như Công ty Chè Bàu Cạn từ khi cổ phần hóa đã phát huy hiệu quả tích cực. Công ty mạnh dạn đầu tư dây chuyền và trang-thiết bị máy móc hiện đại, sản phẩm làm ra đa dạng hơn, thu nhập người lao động ngày càng tăng. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đề nghị, trong thời gian tới, Gia Lai cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các đơn vị còn lại. Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chủ động rà soát các đơn vị của mình, phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai sắp xếp phương án sử dụng đất hiệu quả…

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.