Khốn đốn vì năng suất và giá hồ tiêu giảm sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khiến cho năng suất hồ tiêu của một số địa phương  giảm mạnh, nhiều vườn hồ tiêu bị chết do nhiễm bệnh. Cùng với đó, mức giá giảm sâu kỷ lục kể từ năm 2012 đến nay đã khiến không ít người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khốn đốn.

Từ năng suất giảm mạnh...

 

Năng suất hồ tiêu của nhiều địa phương trong tỉnh vụ này giảm mạnh.    Ảnh: Đức Thụy
Năng suất hồ tiêu của nhiều địa phương trong tỉnh vụ này giảm mạnh. Ảnh: Đức Thụy

Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được trên 90% diện tích hồ tiêu. Qua rà soát, đánh giá của nhiều địa phương cho thấy, năng suất hồ tiêu năm nay giảm đáng kể so với năm trước cũng như trung bình nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, tại huyện Chư Pưh, năng suất hồ tiêu niên vụ này chỉ đạt khoảng 34,5 tạ/ha, giảm hơn 2 tạ/ha so với năm 2017; tại huyện Chư Sê đạt 31 tạ/ha, giảm khoảng 4 tạ/ha so với năm trước.

Với gần 3.000 trụ hồ tiêu (khoảng 1,5 ha), vụ trước, gia đình bà Nguyễn Thị Thoa (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) thu được trên 10 tấn. Nhưng năm nay, gia đình bà chỉ thu được khoảng 7 tấn. “Năm nay, gia đình chỉ có khoảng 2.000 trụ hồ tiêu cho thu hoạch, số còn lại đã bị chết”-bà Thoa cho biết.

Tương tự, với 2.000 trụ hồ tiêu (tương đương 1 ha), năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Kiên (tổ 2, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cũng chỉ thu được khoảng 4 tấn. Trong khi đó, hơn 1.000 trụ hồ tiêu của ông Nguyễn Tấn Long (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) cũng bị già cỗi và chết khiến năng suất giảm khá mạnh so với năm trước. “Dù diện tích hồ tiêu của gia đình chỉ mới thu hoạch được 3 năm nhưng nhiều cây đã bị vàng lá, rụng đốt dần và chết; số còn sống thì còi cọc, cho rất ít trái. Vụ này, gia đình tôi chỉ thu được khoảng 1,5 tấn, giảm hơn một nửa so với vụ trước”-ông Long buồn bã nói.  

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất hồ tiêu năm nay giảm mạnh so với những năm trước, trong đó chủ yếu là do nhiều diện tích đã già cỗi, bị chết vì nhiễm bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: “Việc người dân sử dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để tận thu trong những năm trước-thời điểm giá hồ tiêu liên tục tăng cao-đã khiến nhiều vườn hồ tiêu bị kiệt quệ, nhiễm bệnh và chết, dẫn đến năng suất giảm. Hiện toàn huyện có khoảng 320 ha hồ tiêu già cỗi, chết do nhiễm bệnh, chiếm khoảng 10% tổng diện tích. Do đó, tổng sản lượng hồ tiêu của huyện niên vụ này giảm khoảng 20-25% so với vụ trước”.

Tương tự, từ năm 2014 đến nay, diện tích hồ tiêu bị chết do già cỗi, nhiễm bệnh trên địa bàn huyện Chư Pưh là trên 300 ha; huyện Mang Yang trên 150 ha; huyện Ia Grai trên 100 ha...

Đến giá lao dốc kỷ lục

 

Người dân cần chú trọng sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ.  Ảnh: M.T
Người dân cần chú trọng sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: M.T

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến hết năm 2017, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh là hơn 16.300 ha, trong khi diện tích quy hoạch phát triển cây hồ tiêu của tỉnh giai đoạn 2015-2020 chỉ là 6.000 ha. Trong đó, nhiều địa phương dù chưa có quy hoạch phát triển cây hồ tiêu nhưng đã phát triển khá ồ ạt, điển hình như huyện Mang Yang đến thời điểm này đã lên đến gần 2.000 ha

Việc ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, phá vỡ quy hoạch là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này liên tiếp giảm mạnh trong 2 năm trở lại đây khi nguồn cung vượt xa so với nhu cầu. Sau khi liên tiếp tăng mạnh trong giai đoạn 2012-2016 (có thời điểm lên đến trên 220 ngàn đồng/kg) thì đến cuối năm 2016, giá hồ tiêu bắt đầu lao dốc. Hiện nay, mức giá thu mua chỉ dao động từ 55 ngàn đồng đến 60 ngàn đồng/kg tiêu khô.

Giá hồ tiêu giảm sâu, cộng với việc nhiều diện tích bị chết do nhiễm bệnh hay già cỗi đã khiến không ít  nông dân lâm vào cảnh nợ nần. Theo bà Nguyễn Thị Thoa, với giá hồ tiêu hiện tại, nông dân không có lời, thậm chí còn lỗ bởi hầu hết các chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay công lao động đều tăng so với trước đây. Đó là chưa kể nhiều hộ dân còn phải còng lưng trả các khoản lãi suất ngân hàng khi vay đầu tư trồng hồ tiêu những năm trước đây. Hiện gia đình bà Thoa chỉ bán khoảng 2 tấn hồ tiêu để trang trải sinh hoạt, trả tiền công thu hoạch và tái đầu tư. Số còn lại, gia đình bà trữ kho với hy vọng giá hồ tiêu sẽ tăng lên.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Long, dù giá hồ tiêu hiện tại thấp nhưng gia đình ông cũng đành phải bán toàn bộ để trả tiền công thu hoạch và trả lãi ngân hàng. “Với đà này, không biết khi nào gia đình tôi mới trả hết khoản nợ 200 triệu đồng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu. Chắc tôi phải bán đi một phần diện tích để trả nợ chứ năm nào cũng còng lưng trả lãi trong khi nguồn thu thì ngày một giảm đi”-ông Long ngao ngán.  

Hướng đi nào cho người trồng hồ tiêu?

 

Năng suất hồ tiêu giảm mạnh so với các năm. Ảnh: M.T
Năng suất hồ tiêu giảm mạnh so với các năm. Ảnh: M.T

Theo ông Nguyễn Văn Hợp, hồ tiêu vẫn là cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê và cũng rất phù hợp với vùng đất nơi đây nên không thể vì giá giảm mà bỏ loại cây này được. Nói công bằng thì với mức giá hiện tại, nếu người dân đầu tư đúng cách theo hướng bền vững, giảm chi phí đầu vào thì vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao so với những cây trồng khác. “Vì vậy, những vườn hồ tiêu nào còn tốt thì bà con chịu khó chăm sóc, duy trì, hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc kích thích để cây phát triển theo hướng bền vững. Còn những vườn hồ tiêu đã xuống cấp hoặc quá yếu thì người dân tranh thủ thanh lý, chuyển đổi sang cây trồng khác. Đối với diện tích trồng mới, bà con nên chọn trồng ở những vùng đất phù hợp, đủ nước, đặc biệt không nên trồng lại trên những diện tích đã bị nhiễm bệnh và nên trồng xen một số cây khác như: cây ăn quả, cà phê… nhằm phân tán rủi ro”-ông Hợp cho biết thêm.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang, cho biết, thông qua các kênh thông tin, các buổi hội thảo, huyện đã khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích hồ tiêu. Đồng thời, người dân nên trồng xen canh hồ tiêu với các loại cây khác để giảm bớt rủi ro. Đối với những diện tích không phù hợp, bị chết do dịch bệnh thì nên chuyển sang các cây trồng khác như: cà phê, chanh dây.  

Trong khi đó, theo ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục vận động nông dân kiên quyết không mở rộng diện tích hồ tiêu mà phải giảm diện tích hiện có, nhất là những diện tích bị sâu bệnh hại nặng, diện tích trồng trên đất không phù hợp, hiệu quả kinh tế thấp để chuyển sang trồng loại cây khác có hiệu quả hơn. Các địa phương cũng cần siết chặt công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp như phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; chú trọng sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ và bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị…

Đặc biệt, tỉnh cần ưu tiên hỗ trợ kinh phí để thiết lập các vườn hồ tiêu đầu dòng ở một số huyện trọng điểm trồng hồ tiêu làm nguồn vật liệu cung cấp nguồn giống sạch bệnh cho các cơ sở ươm giống phục vụ sản xuất đại trà; xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu nhằm hình thành liên kết ngang giữa nông dân với nông dân để học tập, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, theo các nhà quản lý thì việc giảm diện tích hoặc định hướng người trồng hồ tiêu theo hướng bền vững vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì tâm lý của người nông dân là giá cao thì sẽ đầu tư trồng ồ ạt, bằng mọi cách kích thích sự sinh trưởng của vườn cây để tăng năng suất; giá giảm sâu thì sẽ tự phá bỏ hoặc không đảm bảo khâu đầu tư chăm sóc dẫn đến hồ tiêu chết hàng loạt.

Hiện nay, tổng dư nợ tín dụng hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, các xã như: Ia Le, Ia Blứ… có số dư nợ cao, nhiều hộ dân phải trốn nợ hay đi làm xa để kiếm sống. Theo thống kê, tổng dư nợ tín dụng hồ tiêu trong dân ở tỉnh ta tính đến năm 2017 là trên 4.800 tỷ đồng.

Minh Thi-Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.