Đak Pơ chủ động phòng chống dịch trên đàn gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước thông tin UBND huyện Mang Yang công bố 2 xã, thị trấn trên địa bàn xảy ra dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc. Huyện Đak Pơ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với 8 xã, thị trấn triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh.
Đàn gia súc trên địa bàn huyện Đak Pơ được tiêm vacxin 2 lân/năm để phòng dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Minh
Đàn gia súc trên địa bàn huyện Đak Pơ được tiêm vacxin 2 lần/năm để phòng dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Minh
Gia đình anh Trần Thế Cường (thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ) có 6 con bò và 12 con dê. Hàng năm đàn bò, dê của gia đình anh được tiêm chủng 2 lần/năm. Để phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho đàn bò, cứ 2 tháng anh lại mua thuốc khử trùng về phun chuồng, trại và thường xuyên bổ sung thêm thức ăn. “Mỗi ngày tôi pha khoảng 6 chậu bột bắp, cám gạo với muối hột cho đàn bò uống. Như vậy, chúng được bổ sung thức ăn và nước, không phải uống nước ở những ao hồ, suối không đảm bảo”-anh Cường chia sẻ.
Bà Trương Thị Thiên Lý-Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đak Pơ cho hay: Những năm qua trên địa bàn chưa xảy ra dịch bệnh đó là nhờ công tác phòng chống dịch được quan tâm, bên cạnh đó người dân đã có ý thức hơn trong việc phòng bệnh cho đàn gia súc của gia đình. Cán bộ thú ý ở cơ sở có trình độ, tuổi trẻ năng động. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh bằng các biện pháp như: quét dọn, thu gom rác và các chất thải xung quanh chuồng trại, định kỳ phun hóa chất, nhằm tiêu diệt mầm bệnh phát tán ra môi trường, đảm bảo công tác vệ sinh trong chăn nuôi. “Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn cần tuyên truyền vận động người dân chỉ mua gia súc có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch để chăn nuôi, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, nhằm tăng cường đề kháng cho vật nuôi”-bà Lý khuyến cáo.
Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 11 năm 2017 huyện Đak Pơ có 16.174 con trâu bò. Năm 2018, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đak Pơ phân bổ 154 lít hóa chất benkocid để triển khai phun tiêu độc, khử trùng. Riêng tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 (từ ngày 31-1 đến 28-2), đã phân bổ 96 lít cho 8 xã, thị trấn đồng loạt phun ngừa dịch bệnh.
UBND huyện Đak Pơ cũng xuất 150 triệu đồng từ vốn sự nghiệp nông nghiệp của huyện để triển khai công tác tiêu độc khử trùng tại các chợ (nơi buôn bán động vật và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống), tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi, hỗ trợ công tác tiêm phòng vacxin tụ huyết trùng trên trâu bò và vacxin kép (gồm: dịch tả, tụ huyết trùng cộng phó thương hàn) cho heo. 
Hàng ngày anh Cường pha bột bắp với muối hột cho đàn bò uống nhằm tăng sức để khàng và phòng chống bệnh. Ảnh: Ngọc Minh
Hàng ngày anh Cường pha bột bắp với muối hột cho đàn bò uống nhằm tăng sức đề kháng. Ảnh: Ngọc Minh
Để chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch đợt này, huyện Đak Pơ khuyến cáo người dân không vận chuyển mua bán gia súc từ huyện Mang Yang về địa phương. Những người hành nghề thú ý khi đi hành nghề tại Mang Yang cần tuân thủ nghiêm công tác bảo hộ lao động, vệ sinh tiêu độc, khử trùng tránh mang mầm bệnh về địa phương.
Cùng với đó, cần tăng cường cán bộ thú y giám sát dịch bệnh đến tận thôn, làng, hộ chăn nuôi để kịp thời phát hiện nhằm bao vây, khống chế, dập tắt ngay ổ dịch. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, chăm sóc, nuôi dưỡng, quét dọn vệ sinh chuồng trại và phun thuốc tiêu độc, khử trùng.
Trao đổi với phóng viên về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc trong thời gian tới, ông Trần Văn Láng-Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Pơ cho biết: Chúng tôi tiếp tục theo dõi, giám sát và cập nhật diễn biến dịch bệnh để chủ động phòng chống. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai công tác tiêu độc khử trùng nơi buôn bán động vật ở dạng tươi sống. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện sẽ chuẩn bị nhân, vật lực cho công tác tiêm vacxin phòng bệnh trên đàn trâu, bò, heo đợt 1 năm 2018 theo đúng quy định”.
                                                                                      Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.