Phập phù giá nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá cả nông sản luôn là vấn đề nhạy cảm, nhất là đối với những mặt hàng xuất khẩu lớn như cà phê, điều, tiêu… Vậy nên dù ở ngoài rẫy, góc bếp hay trong bất kể cuộc hội họp nào thì đây cũng là vấn đề “nóng”, được mọi người bàn luận sôi nổi. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập mà còn quyết định mức đầu tư của năm tiếp theo. Trong đó, giá cà phê được mọi người “ngóng” nhiều nhất.

  Điều tăng giá, nông dân dồn dập đem bán.      Ảnh: L.L
Điều tăng giá, nông dân dồn dập đem bán. Ảnh: L.L

Hầu như ngày nào chị Phạm Thị Kiền (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cũng tìm hiểu về giá cà phê vì quá nóng ruột cho mấy chục tấn cà phê của gia đình vẫn “án binh bất động” trong kho. “Năm ngoái, giá thấp gia đình không bán chờ giá lên và đến năm nay cũng vậy, càng đợi càng rớt. Cả hai năm dồn lại đã hơn 30 tấn rồi”-chị Kiền lo lắng. Thế nhưng, không phải ai cũng có đủ lực để “cầm cự” được như nhà chị Kiền, nhiều gia đình dù giá thấp cũng phải “bấm bụng” bán vì cần tiền. Ông Lưu Văn Thắng (thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku) cho biết, vừa bán xong một tấn cà phê được 31 triệu đồng, vẫn còn 2 tấn gửi đại lý. “Nếu biết thế này thì đầu mùa giá 35-37 triệu đồng/tấn bán hết cho rồi”-ông Thắng than thở.

Cùng với cà phê, giá tiêu cũng giảm đáng kể. Ông Lê Văn Tiệp (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) băn khoăn: “May mà gia đình bán tiêu khi đang được giá (170.000 đồng/kg), nay chỉ còn 140.000 đồng/kg, trong khi tiêu liên tục bị sâu bệnh, không biết có nên đầu tư tiếp hay không”. Còn với ông Lưu Văn Thắng thì “1,3 ha cà phê trồng từ năm 1997 cũng lâu quá rồi, chắc tôi sẽ nhổ đi trồng cây ngắn ngày như chanh dây chẳng hạn”. Trong khi đó, một số nông dân lại cảm thấy mất phương hướng. “Giá cà phê như vậy không có lãi, coi như làm không công, bán xong trả hết tiền nợ phân bón thì chẳng còn tiền để đầu tư vụ tiếp theo”-bà Vũ Thị Nhàn (đội 15, xã Ia Chía) than vãn.

Điểm sáng duy nhất trong tình hình giá nông sản hiện nay, đó chính là giá điều tăng cao so với năm ngoái nhưng liên tục dao động. Anh Phùng Văn Hợp-chủ một đại lý thu mua nông sản tại xã Ia Chía (huyện Ia Grai) cho biết: Năm trước giá điều chỉ ở mức 25.000-27.000 đồng/kg nhưng năm nay tăng thêm 7.000-10.000 đồng/kg, dao động từng ngày, hôm tụt xuống 29.000 đồng/kg nhưng cũng có hôm lên đến 33.500 đồng/kg. Vác bao điều mới nhặt đem bán cho đại lý, ông Nguyễn Thế Thiêm (làng Bía, xã Ia Chía) cho biết: “Giá điều lên thì mừng đấy, nhưng năm vừa rồi bị sương muối, hoa điều rụng nhiều, đậu quả chỉ khoảng 50% thôi. Năm ngoái 100 cây điều nhà tôi thu được 4 tạ nhưng năm nay khả năng giảm còn một nửa, vì thế giá lên nhưng tổng thu thì chẳng tăng”. Còn với chị Nguyễn Thị Lý (Đội 19, xã Ia Chía) thì: “Đang làm ở rẫy cà phê nhưng thấy giá điều tăng nên vội vàng chuyển sang nhặt điều, cả buổi được hơn 20 kg. Hôm nay giá bán là 31.000 đồng/kg, chứ nếu hôm qua chỉ 30.500 đồng/kg thôi”.

Chỉ cách chừng vài km, chúng tôi đến điểm thu mua điều ở làng Kut (xã Ia O, huyện Ia Grai), giá thu mua điều tại đây là 30.500 đồng/kg. Ông Cao Ngọc Lễ-chủ điểm thu mua cho biết: Mỗi ngày thu mua khoảng 2 tấn. Giá cả chủ yếu do các đại lý đưa ra, nếu có biến động họ sẽ điện ngay cho mình để điều chỉnh kịp thời. Cân hơn 1 tạ điều bán cho điểm thu mua, chị Vy Thị Nga (đội 16, Công ty 75) tiếc rẻ: “Gia đình chủ yếu trồng cà phê, điều chỉ trồng xen nên thu hoạch không nhiều. Nếu biết giá điều cao thế này thì đã trồng nhiều hơn. Được giá thì tranh thủ bán liền chứ như cà phê thì đau tim lắm”.

Giá cả nông sản lên xuống, chuyện được mùa mất giá chẳng còn xa lạ đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay. Và người nông dân luôn là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất.

 Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.