Nông dân Y Doi làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Từ khi chuyển đổi diện tích lúa nước kém năng suất sang trồng rau, trồng đậu cuộc sống gia đình tôi đã khá hơn rất nhiều. Từ chỗ không đủ ăn, con cái không có tiền đóng tiền học, đến nay mỗi năm gia đình tôi đã thu nhập trên 120 triệu đồng, hai con gái đang học năm cuối Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai-Khoa Mầm non và khoa Tiểu học”-ông Y Doi, làng Thung Dôr (xã An Phú, TP. Pleiku) chia sẻ.

Ảnh: Anh Huy
Ảnh: Anh Huy

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn đậu cô ve mới trồng hơn nửa tháng, ông Y Doi phấn khởi: “Bây giờ không còn phải xách từng xô nước để tưới, cũng không phải gùi từng gùi rau ra chợ bán nữa mà có thương lái vào tận vườn để thu mua. Chỉ khi nào diện tích thu hoạch nhiều, thương lái mua không hết mình mới phải chở ra các chợ lân cận để bán thôi!”. Nói về khoảng thời gian 6 năm về trước, ông Y Doi nhớ lại: “Diện tích đất thì mình có nhưng không biết trồng cây gì, nuôi con gì nên cứ bám riết lấy cây lúa mặc dù năng suất không cao vì thường xuyên thiếu nước”. Khi con cái ngày một lớn, tiền ăn, tiền học của con luôn khiến ông trăn trở, lo lắng. Sau cùng, chưa biết làm cách nào để “đất nở hoa”, ông đành khăn gói sang các làng, xã lân cận để làm cỏ thuê phụ hồ để có thêm thu nhập. Lâu dần, một vài người dân trong làng thấy trồng lúa không mang lại năng suất, hiệu quả nên mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, có người trồng rau, trồng đậu nhưng vì nguồn nước tưới chưa đảm bảo nên diện tích rau cũng chỉ mang tính nhỏ lẻ. Mãi đến khi được Nhà nước kéo điện đến tận khu sản xuất, đến cánh đồng Đồng Nao của làng, rồi nhờ có điện bà con đã đưa nước từ suối lên ruộng và từ đó diện tích rau cũng mở rộng, hình thành nên cánh đồng rau của làng.

Có 6 sào đất nằm trong khu sản xuất chung của làng, gia đình ông cũng không ngoại lệ khi tham gia chuyển đổi từ cây lúa sang cây rau. Tích góp được 3 triệu đồng, ông bàn với vợ mua giống rau, phân bón để trồng thử nghiệm 2 sào bắp cải. Nhưng vì chưa áp dụng đúng kỹ thuật gieo trồng, bón phân, làm đất, nên cuối cùng ông đành mất trắng 3 triệu đồng tiền vốn. Không nản lòng, ông tìm đến các khóa tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật do xã tổ chức, tìm thêm tài liệu trên các sách báo, tạp chí và học hỏi  kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả... Khi đã “bỏ túi” một số kinh nghiệm, kiến thức, ông quay trở lại với diện tích vườn nhà và 2 sào bắp cải đã định hình. mỗi sáng nhìn vườn rau nhú những mầm xanh, ông bà đã không giấu nổi niềm vui. Và vài tháng sau, rau trong vườn nhà ông đã có mặt tại các khu chợ gần làng. Bà Nanh-vợ ông Y Doi vui vẻ: “Làm rau tuy vất vả nhưng có nguồn thu mỗi ngày nên mình vui lắm”. Hiện diện tích trồng rau của gia đình ông đã tăng lên 6 sào, ngoài trồng bắp cải còn thêm dưa leo, hành lá, đậu cô ve… Bình quân, mỗi năm gia đình ông thu khoảng 4 lứa rau, mỗi lứa trừ chi phí còn cho thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng. Thế nhưng, khi hỏi về tổng thu nhập hàng năm, ông cười khiêm tốn: Chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng thôi, vì còn phải đầu tư nhiều khoản chi phí lắm!

Khi có nguồn thu nhập từ rau, gia đình ông quyết định đầu tư trồng thêm 6 sào cà phê và chăn nuôi heo, bò, gà. Theo giải thích của ông Y Doi, chăn nuôi bò, heo là để có nguồn tiền lớn khi cần và có thể tận dụng được nguồn phân để bón cho cây trồng. Mới đây, để có tiền xây nhà cho con gái lớn, ông đã bán đi 4 con bò trong tổng số 11 con. Hiện nay gia đình ông đang sở hữu 6 sào cà phê, 6 sào đất trồng rau, 6 sào lúa nước, ngoài ra còn nuôi thêm heo nái, heo thịt, 50 con gà…

Nhận xét về nông dân Y Doi, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo-Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú, cho biết: Ông Y Doi là người rất tận tình, thường xuyên giúp đỡ hội viên trong làng, trong xã về kinh nghiệm sản xuất, về giống, vốn. Một số hội viên thiếu tiền mua phân bón đã được ông Y Doi giúp đỡ cho vay không có lãi, một số hộ khó khăn trong làng đã được ông Y Doi tạo điều kiện hỗ trợ việc làm để có thêm thu nhập… Ngoài ra, ông còn là cán bộ chi hội nông dân năng nổ, nhiệt tình, thường xuyên tham gia các hoạt động phong trào của Hội và luôn đi đầu vận động bà con tham gia nạo vét kênh mương, làm đường giao thông nội đồng. Mới đây, ông là một trong 6 nông dân đại diện cho xã tham dự Đại hội nông dân điển hình tiên tiến cấp thành phố.   

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.