Nhiều tuyến tỉnh lộ cần được nâng cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với 12 tuyến đường tỉnh (tỉnh lộ) có tổng chiều dài 537 km, đây là những tuyến đường trọng điểm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và thuận tiện trong việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tuyến tỉnh lộ đã xuống cấp nghiêm trọng và chưa được đầu tư làm mới, khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông, nhất là trong mùa mưa bão...

Tỉnh lộ 665 có tổng chiều dài 60 km, điểm đầu từ Km 0 giao với quốc lộ 14 tại Km 552+140 (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) và điểm cuối giao với quốc lộ 14C tại Km 204 (xã Ia Mơr). Đây là con đường huyết mạch, chạy qua các xã Ia Băng, Ia Rtô, Ia Me, Ia Pia, Ia Ga, Ia Mơr, cùng với đó là tuyến đường giúp người dân xã Ia Lâu, Ia Piơ đến được với trung tâm huyện Chư Prông. Dù có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng và đi lại của người dân các xã vùng sâu, xã biên giới, nhưng kết cấu mặt đường của tỉnh lộ 665 vẫn còn nhiều bất cập. Trên tuyến mới chỉ có 7 km bê tông láng nhựa và 2 km đường bê tông xi măng, 18 km đường đá dăm láng nhựa (rộng 3,5 mét, tập trung ở khu đông dân cư) do xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp trầm trọng, mặt đường bị tàn phá của thời tiết, phương tiện... nên đã bị bong tróc, xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi” gây mất an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Còn lại là 33 km đường đất thì cứ đến mùa mưa bão lại trở thành những “đầm lầy”.
 

Những đoạn đường đất trên tỉnh lộ 665 thường lầy lội khi vào mùa mưa. Ảnh: L.A
Những đoạn đường đất trên tỉnh lộ 665 thường lầy lội khi vào mùa mưa. Ảnh: L.A

Cùng chung cảnh ngộ là tỉnh lộ 666, với tổng chiều dài 61,2 km, điểm đầu giao với quốc lộ 19 tại Km 139 và điểm cuối giao với đường tỉnh 662 tại Km 53 (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa). Hiện cả tuyến cũng mới chỉ có 22 km đường đá dăm láng nhựa (rộng 3,5 mét) và 3,7 mét đường bê tông xi măng, còn lại là đường đất. Tương tự là tuyến tỉnh lộ 663 cũng còn hơn 15 km đường đất, gây khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

Thực trạng trên đã kéo dài nhiều năm, vì vậy, việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới các tuyến tỉnh lộ này đang trở nên cấp thiết. Qua tìm hiểu, hiện nay để làm mới 1 km đường có kết cấu mặt đường bê tông láng nhựa cần khoảng 7 tỷ đồng, còn kết cầu mặt đường đá dăm láng nhựa kinh phí vào khoảng 4,5 tỷ đồng/km. Nếu nhựa hóa toàn bộ số đường đất trên phải mất từ 400 tỷ đồng đến 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, để đầu tư bằng nguồn ngân sách địa phương là điều không thể, nên các tỉnh lộ trên đang nằm ở chế độ chờ... dự án.

Để khắc phục những hạn chế trong kết cấu hạ tầng ở các tuyến tỉnh lộ, nhiều năm nay tỉnh ta đang phải trông chờ vào nguồn kinh phí được trích từ 35% nguồn phí đường bộ (thu từ ô tô trích lại cho địa phương) để bố trí vốn sửa chữa định kỳ các tuyến đường tỉnh và một phần (hơn 7 tỷ đồng) dùng để sửa chữa thường xuyên.

Năm 2014, từ nguồn kinh phí này tỉnh ta có 24 tỷ đồng dùng vào công tác duy tu, bảo dưỡng và năm 2015 nguồn này tăng lên 39 tỷ đồng. Dù vậy, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế để khắc phục sự xuống cấp của các tuyến đường xung yếu, vì hiện nay định mức duy tu, bảo dưỡng đường bộ trên địa bàn tỉnh bình quân 180 triệu đồng/km với đường bê tông nhựa và 150 triệu đồng/km cho đường đá dăm láng nhựa, nên số tiền trên mới chỉ đáp ứng được 40% đến 50% nhu cầu duy tu, bảo dưỡng.

Ông Hà Anh Thái-Phó Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng Giao thông (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: “Để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông ở các tuyến đường tỉnh đòi hỏi nguồn vốn lớn, những năm qua, tỉnh ta đã nỗ lực để tìm nguồn vốn, dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông, nhưng hiện vẫn còn một số đoạn-tuyến chưa thể đầu tư làm mới. Dự kiến đến hết năm 2017, tất cả các tuyến đường tỉnh cơ bản được nhựa hóa, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân...”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.