Triển khai dự án nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Điểm xuất phát thấp nên Gia Lai cần rất nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, điện, nước,… Và trong các nguyện vọng và đề nghị đến Trung ương của tỉnh thời gian qua, một số đã được chấp thuận và trở thành hiện thực. Có thể kể ra như quyết định xây dựng Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), nâng cấp Cửa khẩu Quốc gia Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) thành Cửa khẩu Quốc tế, hay gần đây là dự án đầu tư xây dựng kéo dài đường hạ cất cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay Cảng Hàng không (CHK) Pleiku.
 

Cảng Hàng không Pleiku. Ảnh: Minh Triều
Cảng Hàng không Pleiku. Ảnh: Minh Triều

Dự án được đồng ý trên chủ trương và nhanh chóng triển khai, dĩ nhiên, là niềm vui lớn của lãnh đạo và nhân dân địa phương. Bởi trên thực tế, hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều khó khăn. Tỉnh không có đường sắt, đường thủy, trong khi đường bộ xuống cấp, đường hàng không chưa đáp ứng nhiều nhu cầu đi lại. Với đường hàng không, không chỉ những người trong cuộc mà CHK Pleiku và hành khách đều thấy sự bất lợi trong việc khai thác và sử dụng dịch vụ đường hàng không của Gia Lai như thế nào. Sân bay nhỏ, đường lăn, hạ cất cánh ngắn khiến CHK không thể đáp ứng các loại máy bay “tương đối”, các tuyến bay giới hạn và tần suất cũng không cao, tình trạng hoãn, trễ chuyến bay thường xảy ra... CHK Pleiku chỉ có thể đưa vào khai thác các đường bay nội địa Pleiku-Hà Nội, Đà Nẵng, Pleiku-TP. Hồ Chí Minh nhưng với các loại máy bay nhỏ như ATR 72, Focketr. Về phía hành khách, thực tế này đã gây không ít khó khăn và bất tiện khi sử dụng dịch vụ và nhìn rộng lớn ra thì CHK Pleiku chưa phục vụ được nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực Tây Nguyên và cả nước.

Với dự án mới, khi đường lăn, hạ cất cánh được kéo dài, sân đỗ được mở rộng, CHK Pleiku có thể khai thác các loại máy bay A 320/321, ATR 72 và F 70, tải trọng máy bay tính toán là 80 tấn. Dự án đầu tư kéo dài dải bay về phía Tây, đường hạ cất cánh đạt kích thước 2.400 mét x 45 mét, xây dựng mở rộng thêm 2 vị trí đỗ cho máy bay A 321, lắp đặt hệ thống đền tiếp cận giản đơn ở 2 đầu 09-27 và lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 950 tỷ đồng, gồm chi phí xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí dự phòng,... Dự kiến, dự án thực hiện trong 18 tháng và chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn II kéo dài và phải đóng cửa sân bay để xây dựng).

Để triển khai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông-Vận tải, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) và UBND tỉnh đã có nhiều cuộc làm việc để xúc tiến dự án này. Trong chuyến làm việc gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự án-đây là dự án ưu tiên đầu tư cấp bách và tỉnh Gia Lai tham gia nguồn vốn để giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng cũng yêu cầu ACV rà soát tổng thể mức đầu tư, tiết giảm chi phí, tỉnh Gia Lai tích cực bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho ACV thi công.

Sau chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Gia Lai cũng đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc thực hiện, để dự án sớm triển khai. Tỉnh đã tổ chức họp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, địa phương, đơn vị, chỉ đạo quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và những phần việc thuộc về trách nhiệm địa phương.Trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã có Thông báo số 54/TB-UBND ngày 19-6-2014 về chủ trương thu hồi đất để bố trí cho các đơn vị quân đội nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án. Vị trí đất thu hồi cụ thể tại địa bàn xã Ia Băng, huyện Đak Đoa; diện tích 27,27 ha. Huyện Đak Đoa được tỉnh giao nhiệm vụ tiến hành đo đạc, thống kê, xây dựng phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Cảng Hàng không Pleiku cách TP. Pleiku hơn 3 km về phía Đông Bắc và hiện có đường băng dài 1.829 mét, rộng 36,6 mét. Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt định hướng đến năm 2020, CHK Pleiku là sân bay cấp 4 C, tiêu chuẩn ICAO, đường hạ cất cánh dài 3 ngàn mét, rộng 45 mét, khai thác máy bay A 321 và tương đương.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.