Kbang: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Kbang có tổng dân số 63.760 người, gồm 19 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tới 48% dân số toàn huyện.

Ông Lê Ngọc Thành-Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ trọng lớn; tổng số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là 4.573 hộ với 20.286 nhân khẩu (chiếm hơn 80% tổng số hộ nghèo trên toàn huyện). Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các làng như trường lớp, đường giao thông, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt… vẫn chưa được hoàn thiện và cả sự lạc hậu về phương thức sản xuất, kỹ thuật canh tác. Chính vì vậy, việc tập trung huy động nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con là ưu tiên hàng đầu của huyện.
 

Cấp phát bò sinh sản cho các hộ nghèo. Ảnh: Q.T
Cấp phát bò sinh sản cho các hộ nghèo. Ảnh: Q.T

Chỉ tính riêng trong năm 2013, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp cấp giống, phân bón, bò sinh sản cho 27.209 khẩu nghèo, gia đình chính sách, già làng, trưởng thôn khó khăn với tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng. Cụ thể, đã cấp phát 11.516 kg giống bắp lai, 4.198 kg giống lúa, 156.118 kg phân bón các loại, 200 con bò sinh sản cho 200 hộ nghèo với mục đích hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp tục mở rộng diện tích canh tác hợp lý, thực hiện các biện pháp thâm canh, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi; phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với các địa phương khác tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp bà con chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, hướng dẫn người dân kỹ thuật thâm canh, cách chọn cây giống, con giống phù hợp với điều kiện của địa phương.  

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2013 với tổng kinh phí hơn 11,6 tỷ đồng, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã, thôn làng đặc biệt khó khăn, huyện đã tập trung duy tu, sửa chữa hệ thống thủy lợi ở 2 xã đặc biệt khó khăn là Kon Pne và Krong nhằm đẩy mạnh sản xuất lúa nước ở những nơi có điều kiện thuận lợi, đảm bảo tự túc được lương thực tại chỗ.

Cũng với ông Thành, hộ nghèo phần lớn do thiếu đất sản xuất, nên muốn thúc đẩy phát triển thì phải giải quyết đất sản xuất cho người dân. Hiện Phòng đang tiến hành rà soát, xác định cụ thể đối tượng, số hộ thiếu đất từ đó đề xuất hình thức hỗ trợ cụ thể: Nếu các xã không còn quỹ đất để giao đất sản xuất cho các hộ thiếu đất thì sẽ được hỗ trợ bằng các hình thức như giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động.

Hy vọng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống của bà con người dân tộc thiểu số sẽ ngày được nâng lên, tiến tới xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.