Cần đầu tư nhiều cho hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, mạng lưới giao thông ở Gia Lai được Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng bằng nhiều nguồn vốn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu tính đồng bộ, tỷ lệ đường đất và đường cấp phối còn nhiều trong khi mật độ phương tiện giao thông gia tăng quá nhanh, kinh phí bảo trì thấp; địa hình quanh co, khúc khuỷu, độ dốc lớn, mưa nhiều nên thường bị sạt lở…

Thực trạng giao thông hiện nay

Là một tỉnh miền núi vì thế hệ thống giao thông của Gia Lai chủ yếu là đường bộ với tổng chiều dài 10.817 km (chiếm tỷ trọng khoảng 99%). Trong đó, 4 tuyến quốc lộ (14, 14C, 19 và 25) có độ dài 505 km (chiếm 4,67%). Quốc lộ 14 chạy hướng Bắc-Nam dài 113 km nối với tỉnh Kon Tum, Đak Lak; quốc lộ 19 chạy hướng Đông-Tây dài 168 km nối với tỉnh Bình Định và Vương quốc Campuchia về phía Tây qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

 

Quốc lộ 14-đoạn qua TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Quốc lộ 14-đoạn qua TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy

2 tuyến quốc lộ 14 và 19 đều chạy xuyên tâm và giao nhau ở TP. Pleiku vì thế việc đi lại, giao thương giữa các tỉnh đồng bằng với Gia Lai, giữa Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên… khá thuận lợi. Ngoài ra, quốc lộ 14C dài 112 km chạy dọc biên giới phía Tây của tỉnh (giáp Campuchia) cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ an ninh biên giới.

Về hệ thống giao thông nội tỉnh, Gia Lai có 11 tuyến tỉnh lộ, dài 537 km (chiếm 4,96%) nối liền các huyện, thị xã, thành phố có vai trò là các đường vành đai của tỉnh. Đường huyện, thị xã, thành phố dài 2.582 km (chiếm 23,87%), đường xã, thôn dài 7.193 km (chiếm 66,5%). Hiện 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Mặc dù mạng lưới giao thông nội tỉnh là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nhưng việc đi lại vẫn là nỗi lo của nhiều người nhất là vào mùa mưa do đường lầy lội, tỷ lệ đường đất vẫn khá cao (chiếm tới 56,31%) với độ dài 6.091 km trong khi đó tỷ lệ đường bê tông nhựa chỉ có 7% (dài 758 km); bê tông xi măng chiếm 4,12% (dài 446 km) và đường đá dăm, cấp phối chiếm 13,3% (dài 1.439 km)…

Bên cạnh đó, một số khu vực dân cư vẫn phải sử dụng cầu gỗ tạm hoặc phải đi vòng khá xa dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa, nông sản gặp nhiều trở ngại, thường bị tư thương ép giá trong khi hàng hóa mang đến lại phải mua với giá cao.

Đầu tư chưa tương xứng…

Theo thống kê của Ban an toàn giao thông tỉnh Gia Lai, mật độ phương tiện lưu thông trên một số tuyến quốc lộ 14, 19 và 25 và các tuyến tỉnh lộ như 661, 662, 663, 664, 665… hiện nay đã tăng đáng kể, hầu hết vượt quá lưu lượng so với thiết kế, đặc biệt là đối với các tuyến quốc lộ. Chẳng hạn, lưu lượng xe con quy đổi/ngày đêm trên quốc lộ 14 năm 2009 là 5.597 lượt thì năm 2011 đã tăng lên gần gấp đôi (10.083 lượt).

Và với mật độ giao thông này thì tiêu chuẩn đường của quốc lộ 14 phải đạt cấp I, II nhưng thực tế quốc lộ 14 hiện chỉ đạt cấp IV.MN. Hay như quốc lộ 19, để đảm bảo an toàn chất lượng đường phải đạt cấp II nhưng thực tế chỉ đạt cấp III.MN…

Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải và tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng bằng nhiều nguồn vốn, tuy vậy sự đầu tư chỉ như “muối bỏ bể”, đường sá vẫn xuống cấp trầm trọng. Nguyên nhân thì nhiều nhưng tựu trung vẫn là vấn đề đầu tư kinh phí bảo trì quá thấp; mật độ phương tiện giao thông gia tăng quá nhanh (năm 2009 phương tiện giao thông đăng ký quản lý tại tỉnh là 423.241 phương tiện (trong đó có hơn 400 ngàn xe mô tô và trên 20 ngàn xe ô tô) đến năm 2011 đã tăng lên 518.042 phương tiện với 493.820 mô tô và 24.222 ô tô).

Nghiêm trọng hơn, lưu lượng xe tải chở hàng hóa gia tăng nhanh kể cả lượng và chất, nhiều xe bất chấp nguy hiểm chở quá tải lên đến 30-40%, thậm chí là 100%. Theo thống kê trong 3 năm gần đây, khối lượng vận tải khách và hàng hóa tăng lên khá nhanh, bình quân hàng năm tăng 14% lượt khách vận chuyển và trên 20% đối với hàng hóa.

Ngoài ra, do yếu tố địa hình Gia Lai khá phức tạp, mạng lưới giao thông quanh co, khúc khuỷu, độ dốc lớn và thời tiết Tây Nguyên mưa nhiều, độ ẩm cao nên thường xuyên bị sạt lún làm kết cấu mặt đường dễ bị hư hỏng. Có tuyến đường làm xong qua một mùa mưa là “nát” như cũ…

Có thể nói, mạng lưới giao thông luôn được xem là huyết mạch quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kết nối văn hóa giữa các vùng miền. Đầu tư tương xứng là vấn đề cấp thiết mà Chính phủ, Bộ giao thông-Vận tải và tỉnh cần quan tâm ngay từ bây giờ. Có như vậy, kinh tế Gia Lai mới phát triển vững mạnh và điều kiện đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng xa, vùng sâu mới được nâng cao.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.