Chuyển giao công nghệ và phát triển nông- lâm nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tây Nguyên là vùng có nguồn tài nguyên phong phú, với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu có khả năng phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau, trong đó, có 3.140.000 ha đất trồng cây công nghiệp. Trữ lượng khoáng sản của Tây Nguyên phong phú và hầu như chưa được khai thác…Việc xây dựng một chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phù hợp với giai đoạn hiện nay là một đòi hỏi cấp thiết.

Tỉnh Đak Lak, nơi có diện tích cà phê lớn nhất cả nước trong những năm qua nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh và sử dụng giống mới… nên năng suất các loại cây trồng đều tăng, sản lượng cà phê đạt 25,57 tạ/ha. Một số các đề tài, chương trình, ứng dụng khoa học công nghệ đã và đang được triển khai như: Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây gỗ lát Mêxicô, cây xoan chịu hạn… Song, cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm, cơ cấu giữa cây trồng và vật nuôi vẫn còn mất cân đối. Tình trạng độc canh cây cà phê vẫn còn nằm trong tiềm thức của nhiều người nông dân trong khi sản xuất phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Năm 2005 diện tích cà phê bị hạn 99.348 ha (mất trắng 31.456 ha)… và một số cây trồng khác ước thiệt hại trên 1.200 tỉ đồng. Vai trò của các tổ chức như khuyến nông, viện, trường, ngân hàng với nông nghiệp còn hạn chế, chưa thực sự trở thành bà đỡ cho ngành nông nghiệp và nhân dân…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng chủ trì hội thảo (người ngồi giữa). Ảnh: Quang Tạo
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng chủ trì hội thảo (người ngồi giữa). Ảnh: Quang Tạo
Nói về hiệu quả của công nghệ ghép cải tạo vườn cà phê vối kém hiệu quả và khả năng ứng dụng, Ths. Chế Thị Đa- Bộ môn Cây Công nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Cây cà phê được ghép cải tạo bằng dòng vô tính chọn lọc có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn so với trồng bằng hạt, sớm cho quả, đặc biệt là cho năng suất cao, chất lượng hạt được cải thiện và kháng cao với bệnh gỉ sắt. Cho đến nay hàng trăm ngàn chồi ghép của các dòng vô tính chọn lọc đã được cung ứng cho sản xuất để ghép cải tạo cho hàng trăm ha cà phê vối. Theo Ths. Đa, hiện các vật liệu giống chọn lọc đang được lưu giữ trong vườn nhân chồi tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên với diện tích 2,5 ha, đủ cung cấp nguồn giống tốt cho sản xuất để ghép cải tạo từ 300 đến 400 ha cà phê vối/năm.

Bên cạnh cây cà phê, các nhà khoa học cho rằng cần nghiên cứu đưa vào một số loại cây trồng khác có giá trị cao. Theo PGS. TS. Mai Quang Vinh- Chủ trì đề tài nghiên cứu đậu tương, Viện Di truyền Nông nghiệp- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đề xuất: Trong giai đoạn 2009-2012 Tây Nguyên cần nghiên cứu trồng các giống đậu tương chịu hạn cao, thích ứng rộng, tiêu biểu là giống triển vọng DT 2008. Kết quả khảo nghiệm sản xuất tại 5 tỉnh: Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Nội cho thấy: DT 2008 là giống có thời gian sinh trưởng 95-110 ngày, khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, được xếp điểm 1 (cao nhất) về khả năng chống chịu các điều kiện khó khăn về thời tiết và dịch bệnh, thích ứng rộng có thể trồng 3 vụ/năm. Chất lượng tốt: Protein 40,3%, năng suất cao 20-40 tạ/ha. Viện Di truyền Nông nghiệp mong muốn được đưa đề tài đậu tương chịu hạn của Viện vào kế hoạch nghiên cứu 5 năm tại Tây Nguyên, nhằm đưa diện tích đậu tương tại Tây Nguyên từ 24.700 ha lên 100 ngàn ha, năng suất từ 16 tạ/ha lên 20 tạ/ha vào năm 2015-2020.

Tỉnh Đak Nông với mô hình sản xuất khoai lang Nhật Bản đang có nhiều khả năng tốt. Năm 2003 cả huyện Tuy Đức chỉ có 52 ha trồng khoai lang Nhật Bản, nhưng đến năm 2008 số diện tích đã tăng lên 815 ha. Năng suất đạt 15 tấn/ha, tỷ lệ củ loại 1 đạt 55%, mỗi ha cho thu nhập 28 triệu đồng. Tuy nhiên, việc sản xuất khoai lang Nhật Bản chưa mang tính phát triển bền vững và chất lượng nguồn giống chưa đảm bảo, việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định và phụ thuộc vào yếu tố tư thương ngoài tỉnh… Để giải quyết được thực trạng trên, huyện Tuy Đức đã xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ chế biến đông lạnh xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ rau củ quả tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông” thuộc chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010”. Huyện Tuy Đức đang tiến hành đăng ký thương hiệu cho sản phẩm khoai lang Nhật Bản.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng cho biết: Tây Nguyên với ưu điểm chính là phát triển nông nghiệp, trong 15 năm tới Tây Nguyên vẫn và đang rất cần chuyển giao khoa học công nghệ. Điều quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ hiện nay là trên cơ sở lợi thế của một vùng Tây Nguyên để quyết định đột phá trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, nhưng phải chọn cây cà phê làm mũi nhọn. Theo ông Lạng, cây cà phê ở Tây Nguyên đã đến lúc cần phải cải tạo giống, thay thế vườn cà phê trồng hạt bằng vườn cà phê ghép, thậm chí áp dụng những công nghệ cao hơn để tạo ra một bộ giống tốt cho năng suất và chất lượng cao hơn. Về mặt thương mại cần có một công nghệ chế biến tốt để nâng cao chất lượng xuất khẩu, xây dựng nhiều sân phơi cà phê, chế biến cà phê ướt để tạo ra tỷ lệ cà phê rang xay có giá trị kinh tế cao. Để chuyển giao công nghệ có hiệu quả, phải có sự kết hợp của các bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ và sự vào cuộc của các nhà khoa học cùng với Tập đoàn Công nghiệp Cao su và các công ty chế biến cà phê kể cả trong và ngoài nước.

PGS. TS. Lê Tất Khương- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng, đã đề xuất khung chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2015 như sau: Theo PGS. TS. Khương thì cần xem lại việc đánh giá nguồn lực và định lợi thế so sánh của vùng Tây Nguyên đối với việc sản xuất nông nghiệp, lợi thế của từng tỉnh, làm thế nào để xác định rõ nguồn lực xã hội, nguồn lực khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Nguyên… Trong nghiên cứu phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, cần xác định sản phẩm chủ lực của vùng, không nhất thiết là cà phê, cao su… mà cần xác định rõ chủ lực của từng tỉnh để xác định giải pháp chuyển đổi… đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia chuyển giao công nghệ, trong đó không thiếu việc đào tạo nông dân nhằm nâng cao năng lực của người dân về kinh tế, kỹ thuật, thương mại, cơ chế chính sách huy động vốn và thu hút đầu tư vào các dự án ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ trong ngành nông-lâm nghiệp.

Kiến nghị về công tác chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững vùng Tây Nguyên, theo PGS.TS. Nguyễn Quang Luật- Trưởng phòng Khoa học-Công nghệ Trường Đại học Mỏ Địa chất cho rằng: Để khai thác hợp lý, hiệu quả những tiềm năng và khắc phục tối đa các hạn chế của Tây Nguyên, cần có cách nhìn tổng thể trong sự phát triển chung của toàn vùng. Việc xây dựng một chương trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phù hợp với giai đoạn hiện nay là một đòi hỏi cấp thiết. Tại Hội thảo đã kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà trực tiếp là Ban Khoa học và Công nghệ địa phương, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng, Ủy ban Nhân dân 5 tỉnh Tây Nguyên quan tâm tạo điều kiện để các trường đại học cùng với các địa phương khu vực Tây Nguyên, xây dựng và thực hiện: “Chương trình quy hoạch, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế- xã hội bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2015”.
Quang Tạo

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.