Nhiều ý kiến trái chiều về bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, dư luận cả nước xôn xao về bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 Cánh Diều, nhất là cuốn Tiếng Việt, với không ít “hạt sạn” được chỉ ra. Tại Gia Lai, phóng viên cũng ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề này.
 


Người đồng thuận, người lo lắng

Bài đọc dài; một số bài học có nội dung khó hiểu, không phù hợp với học sinh lớp 1; sách sử dụng phương ngữ quá nhiều thay cho từ phổ thông... là nhận xét chung của một bộ phận phụ huynh có con em đang học lớp 1 khi đề cập đến cuốn sách Tiếng Việt thuộc bộ sách Cánh Diều. Thậm chí, nhiều người trong số họ còn cảm thấy “bất lực” trong quá trình giúp con em mình hiểu chính xác nghĩa các từ trong SGK mới.

Chị Phan Thị Bích Chi (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) chia sẻ: “Tôi có cháu gái đang học lớp 1 tại một trường tiểu học ở thị xã. Vì công việc của ba mẹ bé khá bận nên tôi trực tiếp hướng dẫn cháu học tại nhà. Sách giáo khoa Tiếng Việt có khá nhiều từ mới lạ, tôi phải tìm hiểu, tra từ điển thật kỹ mới có thể giải thích cho cháu. Hơn nữa, bài đọc quá dài, muốn bé học thuộc và hiểu đúng ý nghĩa câu chuyện, tránh kiểu “học vẹt” cũng không phải chuyện dễ dàng”.

 Chị Phan Thị Bích Chi (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) gặp khá nhiều khó khăn khi hướng dẫn cháu gái học theo SGK mới. Ảnh: Mộc Trà
Chị Phan Thị Bích Chi (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) gặp khá nhiều khó khăn khi hướng dẫn cháu gái học theo SGK mới. Ảnh: Mộc Trà


Đồng quan điểm, chị Phạm Thị Thúy Triều (phường Hội Phú, TP. Pleiku) lo lắng: “Chương trình học nặng đã đành, đằng này SGK còn sử dụng những từ ngữ thiếu tính phổ thông để đưa vào dạy cho trẻ. Chẳng hạn, dùng từ “lũ” gà thay cho “đàn” gà; “chả” thay vì “không”, “nhá” thay vì “ăn”, “chộp” thay vì “bắt”, “cắp” thay vì “tha”... Người viết sách có lý giải rằng sở dĩ sử dụng những từ đó là bởi theo chương trình đến bài học này trẻ chưa học đủ vần, âm tiết. Nếu vậy, tại sao tác giả không chọn những bài đọc khác có chứa vần cần học”?

Bên cạnh những ý kiến cho rằng nhiều bài học trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều thiếu giá trị giáo dục thì không ít người lại có quan điểm ngược lại. Họ chỉ ra rằng, các bài học trong sách được thiết kế thành nhiều phần nhưng một số phụ huynh lại chỉ chụp ảnh một phần, đăng tải lên mạng xã hội rồi đưa ra chỉ trích thiếu khách quan. Trong khi nếu xem xét cả câu chuyện thì ý nghĩa giáo dục tương đối đầy đủ.

Ngoài sách Tiếng Việt, một số phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn khi cuốn bài tập Tự nhiên và Xã hội lớp 1 bộ sách Cánh Diều sử dụng những từ ngữ trực diện và nhạy cảm về các bộ phận trên cơ thể người để giáo dục giới tính cho học sinh. Thế nhưng, cũng có nhiều phụ huynh ủng hộ điều này.

Chị Trần Thị Dương Huyền (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) nêu quan điểm: “Việc dạy cho trẻ biết gọi tên chính xác các bộ phận trên cơ thể, phân biệt với bạn khác giới cũng không có gì là quá suồng sã hay phản cảm. Tôi cho rằng, vấn đề giáo dục giới tính cho các con ngay từ bé là vô cùng cần thiết và quan trọng để giúp trẻ có thể hình thành ý thức tự bảo vệ mình trước nạn ấu dâm và xâm hại tình dục ở trẻ em xuất hiện ngày càng phức tạp trong xã hội”.

Linh hoạt trong dạy và học

Trường Tiểu học xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) là 1 trong 146 cơ sở giáo dục tiểu học trong toàn tỉnh lựa chọn bộ SGK lớp 1 Cánh Diều để dạy học. Ngôi trường nằm ở xã vùng III này có 100% học sinh là người dân tộc Jrai. Năm học 2020-2021, toàn trường có 498 học sinh ở 20 lớp, trong đó có 4 lớp 1 với 85 em. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Đam, khi nghiên cứu 5 bộ sách, nhà trường đã quyết định chọn bộ sách Cánh Diều vì mức độ kiến thức trong đó đi từ thấp đến cao, dễ đến khó; có nhiều hình ảnh minh họa gần gũi, quen thuộc trong đời sống hàng ngày và với điều kiện giảng dạy của trường có thể đáp ứng được.

“Từ lúc đưa vào giảng dạy đến nay, nhà trường chưa ghi nhận bất kỳ phản hồi nào của phụ huynh học sinh liên quan đến sách. Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy, giáo viên cũng nhận thấy có một số nội dung, từ ngữ chưa thật sự phù hợp và gây khó hiểu cho học sinh địa phương. Do đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã định hướng và động viên thầy cô chủ động, linh hoạt trong quá trình giảng dạy. Giáo viên không nhất thiết phải dạy theo và sử dụng hoàn toàn những ngữ liệu trong SGK mà có thể thay đổi nếu thấy không phù hợp. Dù cách triển khai có khác nhau song mục tiêu cuối cùng vẫn là đáp ứng được các yêu cầu cần đạt theo chương trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phê duyệt”-thầy Đam cho biết.

Một tiết học Tiếng Việt theo SGK mới của học sinh Trường Tiểu học xã Đất Bằng (huyện Krông Pa)- Ảnh Mộc Trà
Một tiết học Tiếng Việt theo SGK mới của học sinh Trường Tiểu học xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Ảnh: Mộc Trà


Trước khi bước vào năm học 2020-2021, hầu hết giáo viên giảng dạy lớp 1 đều có thời gian khá dài để nghiên cứu và được tập huấn kỹ về các bộ SGK mới. Nói về những tranh luận liên quan đến cuốn sách Tiếng Việt của bộ SGK Cánh Diều, cô Phan Thị Thảo Vy-giáo viên dạy lớp 1, Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai-cho hay: “Là người trực tiếp đứng lớp nên khi chọn SGK, chúng tôi rất chú trọng đến sự phù hợp về đặc tính vùng miền, phương ngữ và trình độ, năng lực của học sinh. Tất nhiên, vì sách mới nên khi bước vào giảng dạy thực tế không tránh khỏi một số bất cập, hạn chế. Bằng nghiệp vụ sư phạm, chúng tôi đã giải thích kỹ càng về nghĩa và hướng dẫn học sinh sử dụng từ phù hợp với ngữ cảnh, đối tượng, tình huống; đồng thời, kết hợp giáo án điện tử với nhiều hình ảnh sinh động để minh họa cụ thể cho các em hiểu đúng hơn về nội dung bài học. Giai đoạn đầu rất vất vả nhưng giờ học sinh đã dần tiếp cận và đọc hiểu khá tốt. Trước dư luận trái chiều, trong buổi họp phụ huynh, chúng tôi cũng trấn an và phân tích rõ vấn đề để các bậc cha mẹ yên tâm, từ đó có sự đồng hành, chia sẻ với giáo viên, nhà trường”.

Không chỉ giáo viên, nhiều phụ huynh cũng tích cực hỗ trợ con em mình trong học tập nhằm giúp trẻ tiếp thu bài nhanh hơn ở chương trình giáo dục mới. “Thay vì bức xúc về nội dung sách, tôi dành thời gian vào mỗi buổi tối để cùng con ôn bài. Chỗ nào, từ nào con không hiểu, tôi đều giải thích cặn kẽ. Tôi giúp con thuộc nhanh hơn những câu chuyện kể trong sách bằng cách của mình chứ không chăm chăm từng câu, từng chữ trong SGK. Tôi cũng mong bộ sách sớm được điều chỉnh phù hợp để các con tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn”-chị Trần Thị Dương Huyền bày tỏ.

Nhiều phụ huynh cho rằng, sách Tiếng Việt của bộ SGK Cánh Diều có nhiều từ ngữ, nội dung chưa phù hợp với học sinh lớp 1-Ảnh Mộc Trà
Nhiều phụ huynh cho rằng, sách Tiếng Việt của bộ SGK Cánh Diều có nhiều từ ngữ, nội dung chưa phù hợp với học sinh lớp 1. Ảnh: Mộc Trà


Bộ SGK lớp 1 Cánh Diều của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh được Bộ GD-ĐT phê duyệt sử dụng từ năm học 2020-2021. Đây cũng là bộ sách xã hội hóa đầu tiên viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tại Gia Lai, bộ SGK Cánh Diều được 146/288 trường tiểu học lựa chọn để giảng dạy cho hơn 17.900 học sinh lớp 1.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi-cho biết: Căn cứ Thông tư số 01 ngày 30-1-2020 của Bộ GD-ĐT và quyết định của UBND tỉnh ban hành các tiêu chí lựa chọn SGK, Sở đã giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn trong việc lựa chọn SGK lớp 1 mới; đồng thời, chỉ đạo các trường thông tin kịp thời, công khai danh mục SGK được lựa chọn sử dụng trong năm học 2020-2021 đến phụ huynh, học sinh bằng nhiều hình thức.

Vừa qua, Sở cũng đã thành lập các đoàn đi kiểm tra thực tế công tác dạy và học tại một số cơ sở giáo dục tiểu học ở 7/17 huyện, thị xã, thành phố. Qua đây, đoàn đã nghe tất cả những ý kiến, đề xuất cũng như khó khăn, vướng mắc từ cán bộ quản lý và giáo viên các trường, trong đó có một số phản ánh liên quan đến SGK Tiếng Việt Cánh Diều như: đưa nhiều câu chuyện ngụ ngôn nước ngoài vào sách, một số nội dung tối nghĩa, không phù hợp với đối tượng học sinh, sử dụng nhiều phương ngữ...

“Trên thực tế, chương trình giáo dục mới là pháp lệnh, còn SGK chỉ là tài liệu, phương tiện để giáo viên thực hiện đúng mục tiêu mà chương trình đưa ra. Giáo viên được quyền chủ động trong giảng dạy, tức là nếu cảm thấy nội dung nào trong SGK chưa phù hợp thì có thể thay thế bằng một nội dung khác, miễn sao học sinh nắm được bài, đạt yêu cầu chương trình đề ra. Riêng vấn đề phương ngữ cũng vậy, giáo viên hoàn toàn có thể thay thế và giải thích cụ thể với trẻ. Việc tiếp cận với nhiều phương ngữ sẽ giúp trẻ hiểu biết nhiều hơn và làm giàu ngôn ngữ cho bản thân”-bà Nghi khẳng định.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian đến, Sở sẽ chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh học sinh và toàn xã hội hiểu hơn về chương trình giáo dục phổ thông mới; qua đó tạo sự đồng thuận, chung tay trong việc dạy dỗ, chăm sóc học sinh và thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đề ra. Trên cơ sở thực tế của địa phương và đơn vị, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng, tránh gây áp lực, quá tải cho giáo viên lẫn học sinh...

Tới đây, Sở cũng sẽ tổ chức hội nghị đánh giá học sinh tiểu học theo quy định tại Thông tư số 27 ngày 4-9-2020 của Bộ GD-ĐT; đồng thời thảo luận, trao đổi và đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới trên địa bàn.

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.