Hai cô học trò mồ côi với ước mơ vượt lên số phận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không giống như các bạn cùng trang lứa, con đường đến với giảng đường đại học của 2 tân sinh viên Ksor H’Yung và Phạm Thị Sáu (huyện Ia Grai) luôn gặp nhiều trắc trở, bởi các em đều sớm chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Để thực hiện giấc mơ của mình, 2 cô học trò nhỏ đã can trường vượt lên số phận để bước những bước chân đầu tiên của mình vào cổng trường đại học.

Như một phép màu đến với H’Yung và Sáu, bởi khi không còn cha mẹ, nhưng các em lại có được tình thương bao la của người anh, người chị và được người dân trong làng yêu mến, “tiếp sức” cho các em bằng khoản “học bổng” được quyên góp từ những tấm lòng thảo thơm.

 

Ksor H’Yung tranh thủ chăm sóc vườn cà phê trong những ngày về thăm gia đình. Ảnh: M.N
Ksor H’Yung tranh thủ chăm sóc vườn cà phê trong những ngày về thăm gia đình. Ảnh: M.N

Niềm hy vọng của làng

Nhận được tin mình đậu đại học không làm H’Yung vui mừng mà trái lại càng làm em thêm lo lắng, nghẹn ngào. Các khoản học phí, tiền ăn, ở và bao khoản chi phí khác cứ lẩn quẩn trong đầu khiến em chẳng dám nghĩ tiếp... Niềm vui phút chốc chợt tan biến nhường chỗ cho nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”, H’Yung không tin rằng có ngày mình lại được tiếp tục đến trường.

Mồ côi cha mẹ từ rất sớm, nhưng cô tân sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học Trường Đại học Quy Nhơn không chỉ là “thần tượng” của lũ trẻ Jrai mà còn là niềm hy vọng của người dân làng Breng 1, xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Năm lên 3 tuổi, H’Yung đã phải chịu cảnh mất mẹ. Đến năm 10 tuổi, cha em cũng lâm bệnh rồi đột ngột qua đời, cô bé lớp 5 phải sống dựa vào anh chị ruột. “Gia đình em có 6 anh chị em, trong đó 4 người đã lập gia đình tách ra ở riêng. Em và người chị kề trước em sống nhờ vào chị cả, mọi sinh hoạt, tiền ăn uống đều do chị cố gắng xoay xở, trong khi gia đình chị cũng chỉ làm nông, “bữa no, bữa đói” lại còn có 2 đứa con trong độ tuổi đi học giống như em”-H’Yung chia sẻ.

 

Sớm chịu cảnh mồ côi, ký ức về bố mẹ của H’Yung chỉ là bức hình của cả gia đình. Ảnh: M.N
Sớm chịu cảnh mồ côi, ký ức về bố mẹ của H’Yung chỉ là bức hình của cả gia đình. Ảnh: M.N

Để phụ giúp anh chị, ngoài thời gian đến lớp, em còn bỏ công sức trên những lô cà phê. Một bộ quần áo mới vào ngày khai giảng cũng là ước mơ xa xỉ của cô học trò Ksor H’Yung, bởi sách vở còn phải đi xin của các anh chị lớp trước. Biết mình thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần so với bạn bè cùng lứa nên em luôn đặt cho mình một định hướng, một khát vọng thay đổi tương lai của chính mình.   

Song, cũng chính hoàn cảnh nghiệt ngã ấy đã cho H’Yung một ý chí phi thường, suốt 11 năm liền em luôn là học sinh giỏi. Với kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, H’Yung chính thức trở thành tân sinh viên của ngành Giáo dục Tiểu học-Trường Đại học Quy Nhơn. “Trong làng em nhiều bạn học đến cấp II thì bỏ học giữa chừng; em chọn theo ngành sư phạm để sau này có thể về lại làng dạy chữ cho lũ trẻ, chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời mình”- H’Yung nói.

Hôm chúng tôi tìm đến nhà H’Yung, cô tân sinh viên Jrai đầu tiên của làng Breng 1 cũng vừa từ trường về đến làng để xoay xở tiền. “Hôm vào nhập học, mấy anh chị quyên góp mãi mới được 2 triệu đồng, xuống trường được hơn 2 tuần tiền em đã cạn túi do phải đóng các khoản đầu năm. Giờ chưa tới mùa thu hoạch cà phê nên các anh chị của em cũng kẹt tiền lắm, phải đi vay, đi mượn mới có để cho em”-H’Yung nghẹn ngào.

Trong vòng tay bạn bè

 

Phạm Thị Sáu-tân sinh viên của Trường đại học Ngoại ngữ Huế. Ảnh: M.N
Phạm Thị Sáu-tân sinh viên của Trường đại học Ngoại ngữ Huế. Ảnh: M.N

Hoàn cảnh của cô tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế còn bi đát hơn. Ngày Phạm Thị Sáu-thôn Tân Lập, xã Ia Sao (huyện Ia Grai) chuẩn bị vào trường nhập học, người dân ở những ngôi làng gần đó kéo đến nhà của hai dì cháu, rồi chẳng ai bảo ai, từ chiếc túi áo bạc màu, từ những bàn tay lấm lem bùn đất, không ai bảo ai, mọi người đều góp sức của một ngày làm việc vất vả để trao cho Sáu làm “học bổng” đến trường. Chỉ vọn vẹn được gần 1 triệu đồng nhưng trên hết đó là niềm tin, sự kỳ vọng của dân làng đối với cô học trò có hoàn cảnh đáng thương mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Chị Phạm Thị Hạnh-dì ruột và là người đã nuôi Sáu suốt 8 năm nay, bùi ngùi: “Số tiền các bác, các cô góp cho Sáu, tôi sẽ dùng mua vé xe, quần áo mới cho cháu nhập học”. Chị Hạnh kể, đến giờ Sáu vẫn không biết cha mình là ai. Mẹ của Sáu là bà Phạm Thị Mạt quê ở Thái Bình. Do gia cảnh khó khăn, bà Mạt vào Gia Lai làm công nhân trồng cà phê. Mải mê với cuộc mưu sinh, khi tuổi thanh xuân trôi qua, bà Mạt đành tìm một người đàn ông để “xin đứa con”.

Sáu được mang họ mẹ, hình ảnh về người cha chỉ có trong trí tưởng tượng của em và lời giải thích của mẹ là “chết rồi” mỗi lần em hỏi về cha. Năm 1995, chị Hạnh cũng theo bà Mạt vào làm công nhân nông trường cà phê tại xã Ia Sao. Giống như chị gái, chị Hạnh cũng sinh một đứa con mà không có bóng dáng người đàn ông. Ngôi nhà của 2 người phụ nữ đơn thân, 2 đứa trẻ không biết mặt cha dựng lên giữa những lô cà phê, nghèo khó nhưng luôn chộn rộn tiếng cười.

 

Cô tân sinh viên Phạm Thị Sáu ôn bài cùng bạn tại phòng trọ. Ảnh: M.N
Cô tân sinh viên Phạm Thị Sáu ôn bài cùng bạn tại phòng trọ. Ảnh: M.N

Năm 2007, khi đang là học sinh lớp 4, Sáu phải mồ côi mẹ khi mẹ lên cơn đau tim dữ dội rồi ngất lịm khi vừa đi làm rẫy về. Sáu được gửi về quê cho cậu ruột nuôi nấng. Thế nhưng, 2 năm sau khi mất mẹ, cậu cũng qua đời vì bệnh tật. Một lần nữa số phận lại trêu đùa với cô học trò mồ côi. Sáu lại bơ vơ, ôm sách vở, áo quần ngược vào Tây Nguyên sống cùng dì.

Cuộc sống của 3 dì cháu chỉ dựa vào hơn 1 ha cà phê nhận khoán của nông trường. Một tay chị Hạnh vừa nuôi con mình vừa nuôi cháu, cơ cực đủ đường. Quãng thời gian đi học của Sáu và con chị Hạnh triền miên trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn.

Thương cô học trò mồ côi, cứ vào đầu năm học các thầy cô chủ nhiệm lại tặng quần áo mới cho Sáu. Những ngày đông, thấy em đến trường trong tấm áo mỏng manh, nhiều phụ huynh có con học cùng lớp mua tặng áo ấm cho cô học trò nghèo. Chứng kiến  bạn mình mặc đi mặc lại một bộ quần áo sờn cũ, cả lớp đã bí mật góp tiền mua tặng Sáu 1 bộ quần áo mới tinh tươm. Cảm động trước tình cảm của bạn bè dành cho mình, Sáu chỉ biết ôm mặt khóc.

Dù gánh chịu những mất mát không gì bù đắp nổi nhưng cô học trò Phạm Thị Sáu lại học rất giỏi. 12 năm liền là học sinh giỏi; kỳ thi THPT quốc gia vừa qua Sáu đậu 24,25 điểm vào ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế.

Hai cô học trò mồ côi tuy có hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng đều có chung một ước mơ cháy bỏng đó là tìm đến cái chữ để vượt lên số phận, thay đổi cuộc sống.  Bằng tất cả ý chí và nghị lực, hai cô học trò nhỏ xây viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà ước mơ của mình. Dẫu chặng đường phía trước còn rất dài và lắm chông gai nhưng với sự đùm bọc của người thân, sự chở che của thầy cô, bạn bè và nỗ lực vươn lên không đầu hàng số phận, những mong ước của hai cô học trò nghèo sẽ được đền đáp trong một tương lai không xa.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.