“Lửa” ở một gia đình cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai được thành lập đến nay đã tròn 80 năm. 80 năm ấy có biết bao đổi thay, biết bao thế hệ, biết bao nhiêu con người đã góp công, góp sức, hy sinh cả tính mạng để có một Gia Lai như hôm nay… Trong nhiều gia đình cách mạng, muôn vàn người con của mảnh đất Gia Lai anh hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tôi muốn kể đôi điều về gia đình ông Nguyễn Khoa-một gia đình cách mạng.

Một buổi chiều tháng 5, tôi đến thăm ông bà Nguyễn Khoa và Quách Thị Hường. Ông Nguyễn Khoa là cán bộ lão thành cách mạng. Còn bà Quách Thị Hường vừa là đồng chí cùng hoạt động bí mật, là cán bộ tiền khởi nghĩa. Trong căn hộ nhỏ mà ấm cúng, ông gọi tôi là đồng chí, bởi cái chất cách mạng đã thấm sâu trong ông. Các cụ tiền bối cách mạng là thế-vẫn tràn đầy nghị lực, nhiệt huyết. Dù tay run run khi cầm tấm ảnh chụp chung với ông Trương Quang Được (con trai ông Trương Trợ-người đồng chí từ thời lập Hội Cứu tế đỏ ở Bàu Cạn)-nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội một lần đến thăm ông ở Pleiku giới thiệu với tôi, nhưng mắt ông vẫn sáng và lời kể thì vẫn rõ ràng.

 

Ông bà Nguyễn Khoa và Quách Thị Hường. Ảnh: Quốc Ninh
Ông bà Nguyễn Khoa và Quách Thị Hường. Ảnh: Quốc Ninh

Nguyễn Khoa (tức Nguyễn Khắc) sinh năm 1919 tại đồn điền chè Bàu Cạn (CATECKA). Cha ông-Nguyễn Thêm một người quê gốc Bình Định từng học Trường Quốc học Quy Nhơn, phiêu bạt lên Tây Nguyên làm phu đồn điền, do có chút chữ nghĩa, ông Nguyễn Thêm được chủ đồn điền Bàu Cạn là Chisnel tuyển làm kế toán. Nhờ vậy, ông Nguyễn Khoa cũng được cơ hội học đến tốt nghiệp tiểu học. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 13 tuổi. Năm 17 tuổi (năm 1938) tham gia cuộc đình công đòi chủ giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân, rồi được giác ngộ tham gia và thành lập Hội ái hữu, Hội cứu tế công nhân… Bị Pháp bắt năm 1940, bị tù đày. Ra tù năm 1944, ông tham gia giành chính quyền năm 1945 ở Pleiku, chính thức vào Đảng năm 1947…

Còn bà Quách Thị Hường sinh năm 1926, ở Bình Định. 8 tuổi đã theo cha mẹ phiêu bạt làm phu, mẹ bà phu hái chè, còn bà khi ấy mới 10 tuổi đã là phu bắt dế (các loại dế cắn chè). Lớn lên bà xây dựng gia đình với ông Khoa. Những năm tháng ông Khoa bị bắt giam giữ ở nhà lao Pleiku, bà là chỗ dựa tinh thần của ông. Bà tham gia phong trào phụ nữ ở đồn điền. Năm 1944, bà Hường là Bí thư Hội Phụ nữ Bàu Cạn. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh. Rồi tham gia quân đội, làm y tá ở Trung đoàn 120 suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp cho đến ngày tập kết ra Bắc…

Ông Khoa nhớ lại: “Năm tôi mới 13 tuổi, có 2 người phu đến làm việc ở đồn điền Bàu Cạn, cả hai đều ăn cơm tháng do mẹ tôi nấu. Hai người tên là Hà Thế Hạnh và Đinh Văn Nho đều là người gốc Huế. Họ vẫn thường đàm đạo với ba tôi. Rồi từ khi nào không biết, tôi trở thành người đưa tin liên lạc giữa 2 ông. Sau này, các ông bị mật thám Pháp bắt thì tôi mới biết ông Hạnh và ông Nho đều là đảng viên lên Tây Nguyên theo chủ trương “vô sản hóa” của Đảng, thâm nhập và lãnh đạo phong trào công nhân các đồn điền ở Gia Lai. Họ là người vận động tổ chức thành lập Công hội đỏ đầu tiên ở Bàu Cạn”. Vậy là, gia đình ông Khoa trở thành cơ sở gặp gỡ của các đảng viên cộng sản từ đấy.

Còn ông Khoa trở thành liên lạc viên cho các đảng viên cộng sản từ ngày ấy. Phong trào bị vỡ, nhưng năm 1934 lại có một đảng viên khác là Lê Đức Mỹ từ Bình Định lên Bàu Cạn làm thợ máy nhen nhóm lại phong trào. Ông Mỹ lại lấy gia đình ông làm nơi liên lạc, vẫn thường lui tới chuyện trò với ba con của ông. Ông được nghe ông giảng giải và  hiểu hơn về vì sao công nhân cần phải đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Năm 1938, ông Lê Đức Mỹ đã tổ chức cuộc đình công của công nhân hái chè tươi đòi giảm giờ làm từ 14 giờ xuống 10 giờ trong ngày, tăng lương khoán hái chè từ 1 xu/4 kg lên 1 xu/2 kg chè tươi. Công nhân nữ phân xưởng sấy chè đình công phản đối hành động ngược đãi đánh đập và làm nhục chị em. Công nhân xưởng cơ khí, thợ điện, thợ rèn bãi công đòi tăng lương. Ngày ấy, ông được giao nhiệm vụ cầm cờ đỏ búa liềm đứng đầu trong đoàn đình công. “Đó là kỷ niệm không bao giờ quên trong tôi”-ông Khoa tâm sự.

Trong câu chuyện giữa chúng tôi, bà hỏi ông có còn nhớ năm ấy không, vì không bắt được ông Lê Đức Mỹ, bọn Pháp vây ráp bắt người vô cớ đánh đập dã man. Những cái tên gian ác như: “Sếp Huấn, sếp Cường, sếp Mạo” đánh công nhân đến chết nếu chống đối. Nhu yếu phẩm như gạo muối công nhân phải mua đắt của chúng, vì thế công nhân đồn điền lúc nào cũng là con nợ của chủ. Có người nghèo đến: “Như cả hai mẹ con nhà bà Đoạt công nhân hái chè, là phụ nữ mà chỉ có một cái quần vải, đi làm phải lấy vải bạt rách quấn quanh thân”-bà Hường góp thêm chuyện.

Cũng trong năm đó (1939), có 2 đảng viên khác từ Sài Gòn và Huế  lên Bàu Cạn gầy dựng lại phong trào. Đó là Trần Ren làm lái xe cho ông chủ và Phan Thị Út (tức Thủy Tú) làm công nhân hái chè. Chính họ là những người tiếp tục phát triển các tổ chức trong công nhân đồn điền. Sau một thời gian, đã kết nạp được một số đảng viên mới. Ông Khoa nhớ lại: “Thật ra cho đến lúc đó, chúng tôi chưa hiểu mấy về chủ nghĩa cộng sản, nhưng được anh Trần Ren và chị Út giảng giải chúng tôi đã sẵn sàng đi theo. Phong trào dần dần phát triển.

Các tổ chức như Hội Cứu tế đỏ, rồi Hội Cứu tế công nhân, hội đua xe, bóng đá... ra đời hoạt động công khai thu hút được nhiều người tham gia. Hội gồm: Trần Ren là hội trưởng, chị Út-Hội phó, Lâm Như Phong, Nguyễn Khoa, Phan Bình, Nguyễn Bân là hội viên. Thời gian đó, dưới sự lãnh đạo của Hội Cứu tế đã có 30 cuộc đấu tranh ở đồn điền nổ ra đòi tăng lương giảm giờ làm, chống đánh đập. Khí thế cách mạng càng sôi nổi và đi vào chiều sâu.  

...Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, ông tham gia và giữ nhiều chức vụ như: Chủ tịch Ủy ban ủng hộ kháng chiến, Ủy viên Mặt trận Việt Minh, Trưởng ban tản cư. Tập kết ra Bắc, tiếp tục kháng chiến chống Mỹ, ông lại xông pha ở các chiến trường Lào, bị trọng thương ở mặt trận Quảng Trị. Chuyển ngành đi học, trở thành cán bộ chủ chốt của Khu gang thép Thái Nguyên... Ngẫm lại một đời người của ông bà đã non thế kỷ, nếm trải biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời.  

Bây giờ ngồi viết bài này, tôi nhớ rất rõ ánh mắt của ông bà lúc kể chuyện khi vui, khi ngấn lệ, lúc trào dâng tự hào theo chiều dài câu chuyện đời người. Năm nay, dù ông đã ở tuổi 94, bà ở tuổi 86, nhưng muốn gặp ông để trò chuyện cũng phải điện thoại trước, bởi vì ông, một con người mẫn cán luôn bận việc, khi thì việc tư, khi thì phải tham gia hội thảo viết lịch sử địa phương, hay đi giao lưu nói chuyện truyền thống cho thanh-thiếu niên. Hoặc là chuyện “thường ngày” vẫn làm người “vác tù và” lo chuyện an toàn cháy nổ, chuyện điện nước; chuyện hòa giải láng giềng… ở khu chung cư Lê Lợi.

Chuyện trò với cả ông bà, tôi hiểu rằng ở gia đình cách mạng này luôn có “lửa” ở bên trong.

Quốc Ninh
 

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.