Tạo đột phá trong CCHC - Kỳ 2: Những tồn tại cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tỉnh ta xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là khâu đột phá để tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Thế nhưng, một số lĩnh vực vẫn chưa được chính quyền các địa phương và sở, ngành quan tâm đúng mức. Cụ thể, nền công vụ từ tỉnh đến cơ sở chưa thật sự chuyển biến tốt theo hướng phục vụ nhân dân; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi chưa nghiêm; chỉ số ISO cấp xã còn thấp; nhiều nơi chậm xây dựng quy chế làm việc, chậm triển khai chấm điểm mức độ hài lòng của người dân, không thực hiện việc xin lỗi người dân khi chậm trễ hoặc để xảy ra sai sót...
Nhiều tồn tại, hạn chế
Ia Grai là một trong những địa phương còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Vừa qua, khi tiến hành kiểm tra đột xuất việc giải quyết TTHC tại một số đơn vị ở huyện này, đoàn kiểm tra CCHC của tỉnh đã phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện niêm yết, tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện theo cơ chế một cửa của UBND huyện Ia Grai, qua kiểm tra ngẫu nhiên 14 hồ sơ thì có 7 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất trễ hạn từ 2 đến 5 ngày. Vậy nhưng, trên phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ không ghi đầy đủ người giao nhận, cơ quan giao nhận, thời gian giao nhận, do đó không xác định được cơ quan chuyên môn nào xử lý trễ hạn.
“Hệ thống một cửa điện tử tại đơn vị đã đi vào hoạt động nhưng vẫn còn tình trạng một số hồ sơ giải quyết TTHC bị trễ hạn do thao tác của cán bộ trên phần mềm bị chậm”-bà Nguyễn Thị Hoa-chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND huyện Ia Grai, Tổ trưởng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả-lý giải. 
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Ia Grai.  Ảnh: Minh Nguyễn
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Ia Grai. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo ông Võ Thành Thận-Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Ia Grai, lãnh đạo huyện rất quan tâm đến công tác CCHC và muốn nâng chỉ số qua từng năm. Tuy nhiên, hiện nay, huyện vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ cho bộ phận một cửa của UBND các xã, thị trấn chưa đảm bảo, còn thiếu so với quy định.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa tại các xã, thị trấn vẫn chưa được tiến hành thường xuyên.
Huyện Kbang dù đứng trong tốp đầu các địa phương về chỉ số CCHC nhưng công tác CCHC vẫn còn nhiều hạn chế như: một số xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC; công tác tuyên truyền của các cấp, các ngành chưa được thường xuyên; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện công tác CCHC, chưa coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt chưa chú trọng đến việc nâng cao chất lượng cán bộ, công chức để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở một số khâu, bộ phận còn hạn chế, nhất là ở cấp xã.
Nói về điều này, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Kbang Thiều Văn Phương cho hay: “Việc cụ thể hóa để tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, các bộ, ngành ban hành ở địa phương còn rất chậm. Trụ sở làm việc một số cơ quan hành chính nhà nước của huyện và các xã còn chật hẹp, phân tán nên ảnh hưởng không nhỏ tới công tác CCHC”.
Các huyện Chư Prông, Chư Sê, Đak Đoa… mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác CCHC song vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ. Hầu hết các xã chưa thực hiện niêm yết đầy đủ các TTHC; không niêm yết số điện thoại đường dây nóng của cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức khi giải quyết các TTHC.
Cùng với đó, diện tích phòng làm việc của bộ phận một cửa chưa đáp ứng yêu cầu; cách bố trí bàn ghế để công dân đến giao dịch công việc chưa khoa học. Nhiều hồ sơ giải quyết thủ tục cho công dân chậm so với phiếu hẹn và thời gian quy định. Điều đáng nói là cơ quan chức năng của các huyện không có văn bản xin lỗi cá nhân và tổ chức trong hầu hết các trường hợp hồ sơ trễ hẹn theo quy định của Chính phủ.
Các chỉ số đạt thấp
  Người dân chờ trả kết quả tại bộ phận một cửa huyện Đak Đoa. Ảnh: Minh Nguyễn
Người dân chờ trả kết quả tại bộ phận một cửa huyện Đak Đoa. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo ông Huỳnh Văn Tâm-Giám đốc Sở Nội vụ: Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2017 đạt 73,68 điểm, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tụt 25 bậc so với năm 2016 (25/63) và tụt 37 bậc so với năm 2015 (13/63).
“Tại thời điểm đánh giá chỉ số CCHC, do Bộ Nội vụ ban hành và áp dụng chấm điểm theo bộ chỉ số mới dẫn đến việc tỉnh không chủ động trong việc triển khai thực hiện. Vì vậy, nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần không đạt yêu cầu hoặc không có tài liệu kiểm chứng. Nhiều tiêu chí khó đạt điểm tối đa liên quan đến việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích không đạt yêu cầu”-ông Tâm chỉ rõ.
Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, qua ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, phần lớn kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng đã chỉ ra các sai phạm của tỉnh trong sử dụng kinh phí quản lý hành chính nhà nước, việc tuyển dụng, bổ nhiệm… chưa đúng quy định dẫn đến nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần bị mất điểm. Mặt khác, các lĩnh vực mất điểm khác như: niêm yết công khai TTHC không đầy đủ, giải quyết hồ sơ quá hạn, tỷ lệ công chức cấp xã đạt chuẩn không đạt yêu cầu của Bộ Nội vụ… Đặc biệt, sự thiếu sự quan tâm, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cũng là điều đáng bàn.
Lý giải về việc địa phương còn nhiều lúng túng trong thực hiện công tác CCHC, ông Nguyễn Diệu-Trưởng phòng Nội vụ huyện Ia Grai-cho rằng: “Mặc dù đã triển khai quyết liệt từ cấp huyện đến xã trong cải cách TTHC nhưng tình trạng một số nhiệm vụ còn chậm trễ, chưa được triển khai kịp thời vẫn còn diễn ra. Một số cơ quan, đơn vị chỉ đạo và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo chưa đúng theo quy định.
Việc đăng tải, đưa tin về CCHC lên Cổng thông tin điện tử của huyện chưa kịp thời. Cơ chế phối hợp giải quyết TTHC trong một số lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nhịp nhàng, đồng bộ, dẫn đến tình trạng một số hồ sơ giải quyết trễ hẹn. Việc xin lỗi tổ chức, công dân đối với trường hợp hồ sơ quá hạn giải quyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa đảm bảo tỷ lệ 100% theo quy định”.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là đơn vị đứng thứ 19/20 về chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành của tỉnh năm 2017. Ông Lê Minh Lộc-Chánh Văn phòng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-thừa nhận: Chỉ số CCHC của Sở vẫn còn hạn chế là do hệ thống một cửa điện tử thời gian qua của đơn vị thường xuyên bị lỗi nên thời gian trả hồ sơ trên hệ thống không cập nhật được, một số TTHC bị báo trễ; nhiều TTHC đã được giải quyết đúng thời gian quy định nhưng thao tác trên máy không kịp thời nên hệ thống báo cáo kết quả trả chậm. Mặt khác, do công việc của một số phòng chuyên môn nhiều, biên chế ít, đôi lúc TTHC triển khai khi cán bộ được phân công đi công tác nên để xảy ra tình trạng xử lý TTHC bị trễ theo thời gian quy định...
M.Thi-T.Dung-M.Triều

Có thể bạn quan tâm

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

(GLO)- Đoàn công tác của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai do bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay chính quyền, Mặt trận và các tổ chức xã hội tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.