Đổi mới, dũng cảm và tiến công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong mấy ngày vừa qua, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cán bộ, nhân dân khắp cả nước. Các cơ quan truyền thông báo chí đã có nhiều tin bài, hình thức thể hiện vừa tổng hợp, xâu chuỗi các hoạt động, nội dung kỳ họp vừa phản ánh, phân tích, bình luận chuyên sâu rất tốt, rất tâm huyết, đóng góp thiết thực giúp Trung ương có thêm kênh thông tin tham khảo trao đổi, thảo luận, phân tích, lựa chọn trước khi quyết nghị những vấn đề cốt lõi và cấp bách của Đảng, của dân tộc và đất nước.

Cả 3 đề án, 3 vấn đề đưa ra bàn bạc tại hội nghị đều là những đề án, những vấn đề rất lớn, rất quan thiết, không chỉ đối với nhiệm vụ của Đảng trong tình hình hiện nay mà còn cả trong thời gian tới. Tuy nhiên, gần như sự quan tâm của dư luận vẫn tập trung nhiều vào đề án công tác cán bộ

 

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Ảnh: internet
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Ảnh: internet

Vậy hướng quan tâm tập trung vào những điểm nào?

Không gì khác, trước tiên là do tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề. Đó là sự cần kíp thúc bách từ yêu cầu thực tiễn phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm với nhiệm vụ. Về thực hiện chiến lược cán bộ 20 năm qua, Đảng ta thống nhất đánh giá, đội ngũ cán bộ không ngừng được củng cố, kiện toàn, được đào tạo, bồi dưỡng tiến bộ nhiều mặt cả về phẩm chất chính trị, năng lực công tác, đạo đức lối sống… Nhưng trước những hạn chế, yếu kém cả trong công tác cán bộ (quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc, luân chuyển, bổ nhiệm, kiểm tra giám sát, thi đua, kỷ luật…) và với đội ngũ cán bộ thì có nhiều vấn đề bắt buộc phải kiện toàn, chỉnh đốn, trong đó có không ít vấn đề trở nên nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội.

Nhà báo Bùi Hoàng Tám từng có bài viết trên “Dân trí” với quan điểm không chấp nhận cán bộ khi bị nhúng chàm thì tước hết quyền lực rồi trả về cho dân, bởi “dân không phải là bãi rác”. Cũng với thái độ không khoan nhượng trước cái xấu, cái hư, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, không ít cán bộ kể cả trước và sau khi bị phát hiện phanh phui trở nên “thiếu liêm sỉ, không thấy xấu hổ”... 

Và không có gì toàn diện, sâu sắc cho bằng khi trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội chậm được ngăn chặn, đẩy lùi”. Dư luận đánh giá nhận định này rất đúng, rất trúng, rất sát, rất thật và cũng rất đau đớn. Đau đớn nhưng nói như Tổng Bí thư thì không thể tránh né, không làm, không xử lý vi phạm. Vì cuối cùng là “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Những yếu kém, hạn chế trong công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ biểu hiện rõ từ hơn 2 năm qua khi ngọn cờ chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng phất cao, lò lửa đấu tranh đã thiêu cháy không ít củi tươi, củi khô hư hỏng, tiêu cực, vi phạm nguyên tắc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tới đây, dư luận sẽ lại hướng sự chú ý đến việc xử lý những vụ án, những tiêu cực nổi cộm như Út “trọc”, Vũ “nhôm” liên quan đến một loạt cựu lãnh đạo TP. Đà Nẵng, rồi những khuất tất trong quy hoạch dự án Thủ Thiêm hay chuyển nhượng 32,4 ha đất sai quy định làm thất thoát tài sản nhà nước tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh)… Rõ ràng, Đảng ta không sợ mất uy tín, suy giảm niềm tin mà ngược lại, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng thành công, kiên quyết thì nội bộ Đảng, tổ chức và cán bộ tốt hơn, vững mạnh hơn, cán bộ được nhân dân tin yêu hơn, uy tín của Đảng được củng cố và nâng cao hơn.

Mở rộng dân chủ, không chỉ cán bộ, đảng viên, đại diện của các đoàn thể chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị mới bàn đến công tác cán bộ. Bây giờ, đây là vấn đề được đưa ra cho toàn Đảng, toàn xã hội xem xét, nhận định, đánh giá, sàng lọc một cách sòng phẳng. Sự dân chủ là một trong những biểu hiện, nếu không nói là biểu hiện rõ nhất của tinh thần một Đảng cầm quyền mạnh mẽ, đổi mới, dũng cảm và tiến công. Nó cũng là tiêu chí đánh giá sự tiến bộ của một thể chế. Mà chỉ có trên tinh thần ấy, Đảng mới đáp ứng mong muốn của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, mới làm tròn sứ mệnh của mình với đất nước và dân tộc trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Mọi nhiệm vụ, phong trào gì cũng bắt đầu từ cán bộ. Cán bộ tốt mới có phong trào tốt. Thời kỳ nào cán bộ nấy. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết như vậy. Hội nghị lần này bàn và quyết định việc thông qua đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, đây là văn kiện vô cùng quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho việc củng cố tổ chức, rà soát chất lượng nhân sự các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Cũng theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, cán bộ “là lực lượng ưu tú, có năng lực vượt trội về tư duy chiến lược và phẩm hạnh, đủ tầm sáng tạo thể chế, chính sách ưu việt, dẫn dắt đất nước phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đó cũng là lực lượng tinh thông luật pháp, nhận rõ đúng, sai để vận hành bộ máy quản lý đất nước và xã hội với tinh thần “dĩ công vi thượng”.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

(GLO)- Chiều 26-3, Thường trực HĐND TP. Pleiku tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND để làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công nguồn ngân sách trung ương và công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.