Cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 27-10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thảo luận ở tổ về một số dự án luật, trong đó có Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trước khi đưa ra thảo luận tại Hội trường vào ngày 7 và 10-11. Tại buổi thảo luận này, một số đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã phát biểu cần có lộ trình cụ thể từng bước xã hội hóa hoạt động và ở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý.

    
Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai. Ảnh: N.D.H
Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai. Ảnh: N.D.H

Theo đó, hầu hết các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội (Đoàn ĐBQH) tỉnh Gia Lai đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) cũng như các mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như trong Tờ trình của Chính phủ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển theo hướng chuyên nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để cung cấp kịp thời sự hỗ trợ pháp lý cần thiết cho những người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và những người thuộc diện chính sách. Việc ban hành Luật cũng là nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
    
Trong buổi thảo luận, đại biểu Đinh Duy Vượt-Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ việc đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý trong những năm qua và những vướng mắc như thế nào qua đó nhằm mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý trong thời gian tới. Ông Vượt đề nghị cần mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý là đồng bào dân tộc thiểu số mà không phân biệt đối tượng vùng 1, vùng 2 hoặc 3 tương tự như việc miễn học phí cho tất cả học sinh dân tộc thiểu số không phân biệt vùng nào. Theo ông Vượt, ở Tây Nguyên đồng bào dân tộc thiểu số rất cần nhu cầu trợ giúp pháp lý, song trụ sở các chi nhánh trợ giúp pháp lý còn quá xa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó ông Vượt đề nghị ngoài mở rộng đối tượng phải đi đôi với mở rộng các chi nhánh trợ giúp pháp lý xuống cơ sở nhằm tạo điều kiện cho họ tiếp cận thuận lợi trợ giúp pháp lý của Nhà nước; không nên thu hẹp tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với đối tượng khó khăn về tài chính thì cần cụ thể rõ trường hợp như thế nào là khó khăn về tài chính. Ngoài ra, quy định tiêu chuẩn về trợ giúp viên trong dự thảo Luật còn cao (có 5 năm kinh nghiệm…), tiêu chuẩn như luật sư là cần thiết song cần có lộ trình vì ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong trợ giúp pháp lý.

 

Thảo luận tổ 17. Ảnh: N.D.H
Thảo luận tổ 17. Ảnh: N.D.H

Trong khi đó đại biểu Hồ Văn Niên-Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, nêu vấn đề cụ thể hơn là mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý. Đại biểu Hồ Văn Niên đề nghị quy định điểm c khoản 1 Điều 7 là tất cả người dân tộc thiểu số, thay vì quy định chỉ người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn (vùng 3); đồng thời, điểm g quy định là: người thuộc hộ gia đình có công với cách mạng, thay cho quy định chỉ là người có công, nhằm mở rộng đầy đủ hơn, thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, đại biểu Niên đồng tình cách làm theo 2 hướng, có lộ trình cụ thể từng bước. Ông Niên chỉ rõ, Gia Lai hiện chỉ có 2 Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhưng ở xa nhau và cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 160 km, so với các xã thì còn cách xa hơn nữa nên đề nghị tiếp tục duy trì và mở rộng các chi nhánh ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn về kinh tế-xã hội. Đối với vùng đô thị thì huy động xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý. Định hướng là mở rộng trợ giúp pháp lý cho vùng khó khăn và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Mặt khác, cần đa dạng hóa các hình thức trợ giúp pháp lý để hoạt động trợ giúp pháp lý thực sự đến với người dân.
    
Đồng tình với đại biểu Niên và đại biểu Vượt, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (ĐBQH tỉnh Gia Lai) đề xuất thêm là cần mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng. Theo đại biểu Phương, dự thảo Luật cần đề cập thêm diện được trợ giúp pháp lý như: trẻ em, người khuyết tật… Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa cụ thể các nội dung xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; đề nghị không bỏ quy định cộng tác viên trợ giúp pháp lý mà cần giữ lại để thực hiện ở miền núi, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số; đề nghị giữ lại các chi nhánh trung tâm trợ giúp pháp lý như Luật hiện hành.

Nguyễn Duy Hiếu
Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

(GLO)- Vào khoảng 13 giờ 20 ngày 18-4, đã xảy ra vụ cháy nhà người dân tại tổ 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku. Công an TP. Pleiku phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) nhanh chóng vào cuộc dập tắt đám cháy.