Diễn đàn doanh nghiệp quốc tế về đầu tư, thương mại và du lịch 2022: Rộng cửa đón các nhà đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm hỗ trợ các tỉnh đối tác chiến lược gồm: Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, ngày 22-9, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp quốc tế về đầu tư, thương mại và du lịch 2022. Tại diễn đàn, tỉnh Gia Lai đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. 
Tham dự diễn đàn có ông Hynek Kmonicek-Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo UBND, các sở, ngành của tỉnh Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bắc Kạn. Diễn đàn còn có sự tham dự của hơn 50 doanh nghiệp đến từ các nước: Cộng hòa Séc, Slovakia, Hàn Quốc, Ba Lan, Đài Loan cùng hơn 100 doanh nghiệp trong nước. 
Cơ hội hợp tác phát triển
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tiến sĩ Trần Trọng Đạo-quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng-nhấn mạnh: “Diễn đàn lần này có sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp, các trường đại học trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các địa phương có mặt hôm nay giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tại đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến 3 quan hệ hợp tác là hợp tác quốc tế, bao gồm hợp tác song phương-đa phương; hợp tác giữa các doanh nghiệp, trong đó chú trọng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; hợp tác với địa phương. Trường sẽ hỗ trợ các địa phương trong xúc tiến kêu gọi đầu tư, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp của địa phương với các doanh nghiệp quốc tế”. 
Tại diễn đàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam cho biết: Thế kỷ XXI được xem là thế kỷ của châu Á bởi có gần 5 tỷ người hiện diện ở châu lục này. Thị trường tương lai của thế giới cũng chính là ở đây. Chúng tôi là đối tác mạnh trong top 5 của Việt Nam. Việt Nam cũng là 1 trong 3 đối tác thân cận nhất đối với chúng tôi. Thương mại giữa Séc và Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, từ mức 1 tỷ USD đã tăng lên 2 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả mà con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Vẫn còn nhiều cơ hội cho sự hợp tác và phát triển và cách tốt nhất là tăng cường đầu tư từ Séc vào Việt Nam. 
Đại biểu tham dự Diễn đàn doanh nghiệp quốc tế về đầu tư, thương mại và du lịch 2022 tổ chức tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hà Duy
Đại biểu tham dự Diễn đàn doanh nghiệp quốc tế về đầu tư, thương mại và du lịch 2022 tổ chức tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hà Duy
Ông Trương Mạnh Sơn-cựu Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc cũng chia sẻ: “Việt Nam nói chung và các địa phương có mặt hôm nay đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới. Tôi tin các nước đang có mặt tại đây như Séc, Ba Lan, Hàn Quốc... cũng đang mong muốn tìm hiểu về tiềm năng cũng như nắm bắt được cơ hội đầu tư tại các tỉnh”. 
Diễn đàn cũng nghe các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và Cộng hòa Séc giới thiệu công nghệ thuộc các lĩnh vực: xử lý môi trường, mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao, mô hình trồng sâm núi Hàn Quốc trong nhà và chuỗi sản phẩm dược liệu, công nghệ chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ cho chuỗi sản xuất ô tô, năng lượng tái tạo…
Gia Lai đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư
Giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tại diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Nguyên-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: “Gia Lai đang tận dụng mọi cơ hội để thu hút đầu tư. Diễn đàn lần này tập trung nhiều doanh nghiệp đến từ nhiều nước là cơ hội quan trọng để Gia Lai có thể mở ra “cánh cửa” mới chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh mà tỉnh đang kêu gọi gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch”.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Gia Lai có 4 sản phẩm tham gia trưng bày gồm: cà phê L’amant, tiêu Lệ Chí, mật ong Phương Di và bò một nắng Mười Đức. Các sản phẩm này nhận được sự quan tâm rất lớn của đại biểu, doanh nghiệp tham dự diễn đàn.

Một số kết quả ấn tượng về đầu tư; những tiềm năng, thế mạnh; danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; nỗ lực của chính quyền tỉnh Gia Lai trong việc hỗ trợ nhà đầu tư đã được giới thiệu tại diễn đàn. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, Gia Lai đã thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh 515 dự án với tổng vốn đăng ký là 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần về vốn so với giai đoạn 2011-2015; trong đó có 171 dự án được chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 65.500 tỷ đồng. Năm 2021, có 60 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng. Tính riêng trong 9 tháng năm 2022, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đăng ký 643 tỷ đồng; tư vấn, hướng dẫn 133 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 62.000 tỷ đồng.
Gian hàng OCOP của tỉnh Gia Lai trưng bày tại Diễn đàn Doanh nghiệp quốc tế về đầu tư, thương mại và du lịch 2022 được tổ chức tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hà Duy
Gian hàng OCOP của tỉnh Gia Lai trưng bày tại Diễn đàn Doanh nghiệp quốc tế về đầu tư, thương mại và du lịch 2022 được tổ chức tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hà Duy
Với vị thế là cửa ngõ của khu vực, Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh hơn 845.000 ha, trong đó, nhóm đất đỏ vàng gần 754.000 ha (chiếm 48,59% tổng diện tích tự nhiên) rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng yêu cầu độ phì cao, đặc biệt là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: chanh dây, bơ, mít, sầu riêng...; đất pha cát có diện tích 48.000 ha phù hợp với các loại rau màu và cây tạo bóng mát. Tổng trữ lượng nước mặt của Gia Lai khoảng 23 tỷ m3 phân bố trên các hệ thống sông Ba, sông Sê San và phụ lưu hệ thống sông Sêrêpôk.
Những năm vừa qua, hạ tầng giao thông của Gia Lai được đầu tư đồng bộ với tuyến quốc lộ 19 (từ TP. Pleiku đến Cảng Quy Nhơn dài hơn 160 km), quốc lộ 25 (từ TP. Pleiku đến TP. Tuy Hòa dài 180 km), đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai dài hơn 115 km). Bên cạnh đó, Cảng Hàng không Pleiku cũng được nâng cấp mở rộng đủ khả năng tiếp đón các loại máy bay hiện đại cỡ lớn, tần suất 18-22 chuyến/ngày, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Gia Lai với nhiều địa phương trong cả nước cũng như quốc tế.
“Với chủ đề “Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả trong phòng-chống dịch gắn với khôi phục và phát triển kinh tế”, Gia Lai mong muốn các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp trao đổi, nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư vào tỉnh. Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch với các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ... để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại tỉnh”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước