Công ty Điện lực Gia Lai phát huy hiệu quả phần mềm quản lý kỹ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là đơn vị được Tổng Công ty Điện lực miền Trung xếp thứ nhất về công tác quản lý kỹ thuật năm 2021, Công ty Điện lực Gia Lai đang tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm trong công tác quản lý kỹ thuật, sản xuất kinh doanh nhằm giảm sự cố lưới điện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Theo thống kê, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra gần 600 lần mất điện do sự cố trên lưới điện trung hạ thế, gây mất điện trung bình hơn 166,29 phút/khách hàng. Nguyên nhân của các sự cố lưới điện chủ yếu là do giông sét, vi phạm hành lang tuyến hoặc do côn trùng, động vật gây ra. 
Để giảm thiểu những sự cố về điện, Công ty Điện lực Gia Lai đã sử dụng các thiết bị như: flycam, camera nhiệt kiểm tra công tác quản lý vận hành. Cùng với đó, Công ty triển khai phương pháp CBM (Condition-Based Maintenance) nhằm sớm phát hiện các nguy cơ có thể gây ra sự cố để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, Công ty còn triển khai lắp đặt các bộ chỉ thị sự cố (SRFI) trên lưới điện nhằm đưa tín hiệu cảnh báo về trung tâm điều khiển để xác định vị trí, nhanh chóng phân vùng sự cố, giảm thời gian mất điện cho khách hàng. Bà Trần Thị Ngọc Bích (357 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) cho hay: “Mới đây, nhà tôi bị cúp điện không rõ nguyên do. Sau khi liên hệ tổng đài của Điện lực, mặc dù là buổi tối nhưng công nhân cũng đã nhanh chóng đến kiểm tra và xử lý giúp. Việc xử lý sự cố này rất nhanh”.
Công ty Điện lực Gia Lai luôn nỗ lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng lưới điện, đảm bảo cấp điện kịp thời, liên tục cho người dân. Ảnh: Hà Duy
Công ty Điện lực Gia Lai đầu tư, hoàn thiện hạ tầng lưới điện, đảm bảo cấp điện kịp thời, liên tục cho người dân. Ảnh: Hà Duy
Theo ông Nguyễn Phương Nam-Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Công ty Điện lực Gia Lai), trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nên nhu cầu thực hiện các công việc quản lý vận hành ngày càng lớn. Tuy nhiên, việc quản lý hợp đồng, theo dõi nợ cho các khách hàng chủ yếu được làm thủ công nên gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, phần mềm quản lý công tác thuê bao quản lý vận hành ra đời đã khắc phục tình trạng trên. “Phần mềm quản lý khách hàng thuộc dự án điện mặt trời mái nhà giúp chuẩn xác thông tin trên hợp đồng mua bán điện và trên CMIS. Qua đó, tiết kiệm thời gian soạn thảo hợp đồng mua bán điện, lập hồ sơ khách hàng một cách chính xác, tránh thanh toán nhầm hoặc trùng cho khách hàng. Đồng thời, tiết kiệm thời gian xác nhận ở cấp quản lý, giúp tra cứu, tìm kiếm hồ sơ nhanh chóng hơn”-ông Nam cho hay. 
Hiện Công ty Điện lực Gia Lai được Tổng Công ty Điện lực miền Trung giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng theo giai đoạn 5 năm và đang sử dụng chương trình quản lý đầu tư xây dựng EVN (IMIS). Tuy nhiên, chương trình này được gộp rất nhiều module để khai thác sử dụng. Vì vậy, thực tế đã nảy sinh những khó khăn nhất định trong việc khai thác sử dụng vốn đầu tư xây dựng, mục đích đã đăng ký. Để khắc phục, Công ty đã đưa chương trình quản lý và kiểm soát tiến độ giải ngân vào sử dụng, giúp cho công tác quản lý được sâu sát, hiệu quả hơn trong theo dõi kế hoạch vốn của từng công trình.
Công ty Điện lực Gia Lai thực hiện vệ sinh sứ cách điện hotline để đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn. Ảnh: Hà Duy
Công nhân Công ty Điện lực Gia Lai thực hiện vệ sinh sứ cách điện hotline. Ảnh: Hà Duy
Đáng chú ý, trong năm 2021, Công ty Điện lực Gia Lai đã xây dựng phần mềm dự toán. Đây là phần mềm được Tổng Công ty Điện lực miền Trung đánh giá rất cao và nhân rộng trong khu vực. Phần mềm đã giúp hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đánh giá, thu hồi vật tư thiết bị và thanh quyết toán. Ngoài ra, các hoạt động quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành lưới điện của Công ty được thực hiện trên các hệ thống phần mềm như: quản lý kỹ thuật (PMIS), quản lý độ tin cậy cung cấp điện (OMS), phân tích mô phỏng lưới điện phân phối (PSS/Adept)…
Trao đổi với P.V, ông Văn Đình Hậu-Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai-cho hay: Năm 2022, Công ty nỗ lực khắc phục các thiếu sót trong công tác quản lý kỹ thuật, thực hiện bám sát chương trình giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, phấn đấu giảm 30% sự cố so với năm 2021. Cùng với đó,  rà soát, hoàn thiện việc cập nhật hồ sơ các công trình điện vào phân hệ thư viện thuộc phần mềm PMIS. Tăng cường công tác sửa chữa hotline lưới điện cũng như nâng cao chất lượng công tác kiểm tra định kỳ, kịp thời phát hiện và xử lý các tồn tại, khiếm khuyết trên lưới điện; chủ động nắm bắt công nghệ, đảm bảo khai thác, vận hành hệ thống DAS đúng tiến độ theo kế hoạch.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm