Kinh doanh vận tải: Áp lực đè nặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi TP. Pleiku và thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động vận tải khách công cộng trong tỉnh gần như đã được khôi phục. Tuy vậy, lượng khách đi lại vẫn rất ít. Cùng với đó, doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh cũng đang lo lắng khi quá trình hoạt động trở lại sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực.

Ông Nguyễn Tường Cọt-Giám đốc Bến xe Đức Long Gia Lai-chia sẻ: Nhiều tháng nay, Bến xe gần như chỉ làm thủ tục xuất bến cho… 1 phương tiện xe khách khai thác tuyến Gia Lai-Quảng Bình. Các xe nội tỉnh vừa hoạt động trở lại nhưng không có khách. Tình trạng này khiến đơn vị thu không đủ chi.

Các doanh nghiệp vận tải khách công cộng đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Đức Thụy
Các doanh nghiệp vận tải khách công cộng đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Đức Thụy


Sau khi TP. Pleiku dỡ bỏ giãn cách xã hội, các tuyến xe buýt nội tỉnh từ đây đi Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pưh do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai khai thác đã nhanh chóng bắt nhịp trở lại. Tuy nhiên, xe chỉ chạy được vài ngày đã phải tạm ngừng vì quá ít khách. Hiện chỉ còn tuyến Pleiku-Chư Prông duy trì nhưng được vài chuyến trong ngày. Tình trạng này cũng lặp lại với hầu hết các xe khai thác vận tải khách tuyến nội tỉnh. Nhiều nhà xe xoay xở tìm kiếm nguồn thu từ việc giao nhận hàng hóa nhỏ gửi kèm.

Trong khi đó, vận tải khách công cộng tuyến liên tỉnh càng khó khăn hơn. Khoảng hơn 3 tháng nay, doanh nghiệp vận tải khách tuyến liên tỉnh hầu như ngừng hoạt động. Với những doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng, áp lực chi trả thực sự là gánh nặng trong bối cảnh không phát sinh nguồn thu. Một số doanh nghiệp phải chuyển hướng sang vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế trong giai đoạn hoạt động vận tải “đóng băng”.

Trước thông tin dịch Covid-19 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dần được kiểm soát, các doanh nghiệp vận tải tuyến liên tỉnh đã tính đến kế hoạch tái hoạt động. Ông Đặng Văn Hiền-Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH dịch vụ vận tải và du lịch Thuận Tiến Gia Lai-bày tỏ: “Doanh nghiệp chúng tôi hiện có khoảng 140 nhân viên, lái xe. Theo như thông tin trên báo chí thì TP. Hồ Chí Minh đang tính đến phương án tổ chức hoạt động vận tải khách liên tỉnh, trong đó quan trọng là tài xế phải được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đây là điều chúng tôi đang lo bởi đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 30/75 tài xế của doanh nghiệp được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Để tiêm đủ 2 mũi vắc xin phải mất nhiều thời gian. Vì vậy, nếu không tính sớm thì khi TP. Hồ Chí Minh mở cửa khai thác trở lại, chúng tôi sẽ lỗi nhịp. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên văn phòng, người điều hành cũng chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 dù họ luôn phải tiếp xúc với rất nhiều người”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-cho rằng: “Đối với doanh nghiệp vận tải khách công cộng, việc tiêm vắc xin cho tài xế thôi là chưa đủ. Bởi lẽ, đội ngũ nhân viên văn phòng, điều hành cũng tiếp xúc với rất nhiều khách hàng và cả tài xế khi họ bắt đầu hoặc hoàn thành chuyến đi. Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh với đội ngũ này cũng rất lớn”.

Ở một khía cạnh khác, chi phí tài chính để doanh nghiệp vận tải hoạt động trở lại cũng không hề nhỏ. Ông Lê Văn Tấn-Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH một thành viên thương mại-vận tải-dịch vụ Vương Tấn Dũng (thị xã An Khê) cho biết: “Việc ngừng hoạt động 3-4 tháng khiến doanh nghiệp vận tải phải xoay xở tìm nguồn chi trả các khoản nợ lãi, đáo hạn ngân hàng… Để tái khởi động, việc tu sửa, bảo dưỡng phương tiện, đóng các khoản phí và thực hiện các thủ tục cần thiết khác cũng lên đến hàng trăm triệu đồng”. Theo ước tính của các chủ doanh nghiệp vận tải, để hoạt động trở lại, chi phí tu sửa, thanh toán thuế phí ước tính trung bình khoảng 15-20 triệu đồng/phương tiện.  

Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, toàn tỉnh có khoảng 3.500 người tham gia hoạt động vận tải gồm: lái xe, phụ xe, nhân viên văn phòng, người điều hành… cần được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 1/3 được tiêm. “Hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải có tính đặc thù, tài xế phải di chuyển qua nhiều địa phương và tiếp xúc với nhiều người. Những ngày qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp bày tỏ sự lo lắng, mong muốn được quan tâm triển khai tiêm vắc xin cho lực lượng lái xe, nhân viên để họ có thể yên tâm làm việc. Nguyện vọng này là chính đáng bởi môi trường làm việc của họ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Ngành vận tải lại đóng vai trò rất quan trọng trong duy trì mạch máu giao thương hàng hóa, giữ mạch chảy đời sống kinh tế”-ông Nguyễn Bá Minh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính-Kế hoạch-Vận tải (Sở Giao thông-Vận tải) cho hay.

 

 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm