Thay đổi công nghệ để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc đổi mới công nghệ, tư duy sáng tạo trên nền tảng công nghệ mới để bắt kịp đà phát triển công nghệ thế giới trong thời đại 4.0 là yêu cầu đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang loay hoay với vấn đề này. Và thật không dễ để hy vọng xóa được những khó khăn này trong ngày một ngày hai.
Vậy, giải pháp cho đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp Việt Nam là gì? Câu trả lời có lẽ là đừng bao giờ làm việc này theo phong trào. Sẽ có những doanh nghiệp đi trước, làm trước trong lĩnh vực khó khăn này và sẽ có nhiều doanh nghiệp nhìn những tấm gương của người đi trước để tìm hướng phát triển phù hợp cho mình. Không “đổi mới đồng loạt” nhưng rất cần những doanh nghiệp tiên phong đổi mới, dù đó là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dù những công nghệ là khác nhau với những doanh nghiệp thì sự can đảm tìm kiếm, mạnh dạn bứt phá thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên tiến sẽ là sự cổ vũ thực tế và mạnh mẽ cho sự thay đổi ở những doanh nghiệp còn nhiều khó khăn hoặc đang rụt rè. Họ sẽ cảm nhận được sự tụt hậu của mình nếu không quyết liệt thay đổi và họ thấy trong sự thay đổi con đường để thoát khỏi sự trì trệ và vươn tới thành công.
Không có sự thay đổi nào là dễ dàng. Thói quen, sự chấp nhận, sự lần lữa luôn là những rào cản cho sự thay đổi. Vốn lớn khi thay công nghệ cũng là một thách thức không hề nhỏ. Chỉ khi nào sự thay đổi công nghệ trở thành động lực cho sự tồn tại và phát triển, chừng đó nó sẽ được thực hiện trên diện rộng và đi vào chiều sâu.
Nhiều khi sự thay đổi xảy ra nếu có sự đối chọi không khoan nhượng giữa công nghệ kinh doanh mới và cũ. Trường hợp mâu thuẫn không thể hòa giải giữa Grab, Uber và taxi truyền thống là tương đối điển hình về sự lúng túng không chỉ của taxi truyền thống, mà của những cơ quan quản lý, cơ quan thuế, cách đối xử sao cho công bằng giữa 2 loại hình kinh doanh này. Nó phức tạp chính vì một khi công nghệ mới ra đời và được ứng dụng thành công, đồng nghĩa với chuyện nó có thể “bóp chết” hoặc gây “thương tích” trầm trọng cho công nghệ cũ. Lời giải cho bài toán khó giải này vẫn là công nghệ cũ phải kịp thời thay đổi để phù hợp với công nghệ mới, không có giải pháp dung hòa.
Trong cuộc chạy marathon để thay đổi công nghệ này, nhiều khi những doanh nghiệp nhỏ và vừa lại có thể đi nhanh hơn, do họ “nhẹ nhàng” hơn, ít cồng kềnh hơn. Sự chuyển đổi đối với họ cũng đỡ tốn kém hơn, miễn là họ có sự lựa chọn công nghệ phù hợp với mình. Những doanh nghiệp lớn ngay từ đầu đã có ý thức về sự thay đổi thì nên thay đổi từ những phần có thể đổi mới trước, những phần “nặng nề” khó thay đổi sẽ được xử lý sau. Nhưng rồi tất cả cũng phải thay đổi thì mới có sự đồng bộ.
Ý kiến của ông Phan Đức Hiếu-Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương trong vấn đề này là đáng suy nghĩ: “Ở Đức, 60% doanh nghiệp nhận thức rõ về số hóa nhưng chỉ có 25% doanh nghiệp xây dựng được chiến lược của mình. Do vậy, nếu chỉ thay đổi về nhận thức đối với xu hướng công nghệ 4.0 là chưa đủ, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tư duy sáng tạo và thay đổi hàng ngày mới có thể tạo ra hiệu quả”.
Như thế, nhận thức về sự cần thiết thay đổi chỉ là bước đầu, chủ động và thực sự bắt tay vào thay đổi mới là phần cốt lõi. Ngay trong sự thay đổi ấy, doanh nghiệp đã lớn lên rất nhiều về chiến lược kinh doanh, về khả năng nắm bắt công nghệ mới, về tính thực tế và tầm nhìn khi quyết định chọn công nghệ phù hợp với mình.
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Bình Định rộng cửa thu hút đầu tư

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết địa phương không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước