BOT - càng gỡ, càng rối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Vấn đề BOT” có lẽ là cụm từ được nói đến nhiều nhất khi đề cập đến những “mảng tối” trong bức tranh tổng thể về ngành giao thông trong suốt nhiều năm qua. Cũng chính vì thế, suốt một thời gian dài, Bộ GTVT cùng rất nhiều cơ quan liên quan khác đã phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để tìm ra phương án tháo gỡ. Có điều, càng gỡ thì càng rối, vấn đề này chưa kịp giải quyết xong lại nảy sinh vấn đề khác, thậm chí còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.vn
Năm 2018, nhắc đến BOT giao thông là nhắc đến câu chuyện về những trạm thu phí “đặt nhầm” vị trí, thu quá thời hạn quy định hay đưa ra giá vé quá cao. Câu chuyện này gắn liền với một ví dụ điển hình là BOT Cai Lậy. Những vấn đề nảy sinh tại trạm thu phí này phức tạp và nghiêm trọng đến mức Chính phủ đã phải vào cuộc, chỉ đạo tạm dừng thu phí và yêu cầu Bộ GTVT rà soát tổng thể nhằm đưa ra phương án tháo gỡ dứt điểm. Đầu năm 2019, có thông tin cho rằng, BOT Cai Lậy sắp được thu phí trở lại. 
Điều đó đồng nghĩa với hy vọng, “vấn đề BOT” có khả năng sẽ được tháo gỡ nếu như ngày BOT Cai Lậy trở lại diễn ra một cách êm đẹp, không còn phải đối diện với những làn sóng phản ứng dữ dội từ người dân và tài xế như trước. Thế nhưng, khi thời khắc quan trọng ấy chưa kịp đến thì “vấn đề BOT” lại tiếp tục phát sinh những diễn biến mới, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Đầu tiên là bê bối xảy ra tại cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương liên quan đến một nhóm đối tượng sử dụng phần mềm trái phép để che giấu doanh số thu phí nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ thuế với Nhà nước và “rút lõi” tiền thu phí cho vào túi riêng của mình. Không lâu sau đó, lại đến những lùm xùm xảy ra tại trạm thu phí Dầu Giây. Điều nực cười ở chỗ, những lùm xùm này chỉ được phát lộ sau một vụ cướp. Từ số tiền bị cướp đi, đối chiếu với doanh thu do chủ đầu tư báo cáo lên có sự chênh lệch vô cùng lớn. Ngay lập tức, dư luận dấy lên mối hoài nghi về độ chính xác và tính minh bạch về doanh thu thu phí mà chủ đầu tư đưa ra.
Nếu nhắc đến “vấn đề BOT” mà chỉ nhắc đến những “mảng tối” này sẽ là phiến diện. Công bằng mà nói, trong thời gian qua, Bộ GTVT và những cơ quan liên quan đã nỗ lực rất nhiều để “sửa lỗi” cho BOT giao thông. Công cuộc “sửa lỗi” này muốn có kết quả tốt đòi hỏi tất cả những người trong cuộc phải tham gia. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ không khó nhận ra, một trong những “người trong cuộc” quan trọng nhất vẫn đang cố tình không nhập cuộc. Không ai khác, đó chính là chủ đầu tư của các dự án BOT giao thông. Điều này thể hiện rõ nhất trong quá trình triển khai Dự án thu phí tự động không dừng. Đây là dự án do Chính phủ chỉ đạo với lộ trình rất rõ ràng và chi tiết. Một trong những mục đích chính của dự án là nhằm tăng cường chất lượng trong quản lý, giám sát công tác thu phí, tránh tình trạng gian lận, “rút lõi” tiền thu phí từ các trạm BOT. Thế nhưng tiến độ của dự án đã liên tục bị “trễ hẹn” so với kế hoạch đề ra. Và, thủ phạm gây ra sự chậm trễ này không ai khác ngoài các nhà đầu tư BOT. Chính lãnh đạo một đơn vị trong Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải thẳng thắn thừa nhận, nhà đầu tư BOT không chịu phối hợp trong việc triển khai dự án thu phí tự động không dừng. Nguyên nhân là họ ngại minh bạch, lo không kiểm soát được nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động, thậm chí là tìm cách giấu doanh thu.
Vẫn biết, đã là DN, điều quan tâm lớn nhất là đầu tư phải sinh lãi. Nhưng riêng với các dự án BOT giao thông, sự thờ ơ, thậm chí tìm cách cản trở công tác triển khai một dự án lớn do Chính phủ chỉ đạo mà các nhà đầu tư BOT đang thể hiện là điều không thể chấp nhận được. Đã đến lúc Bộ GTVT và các cơ quan quản lý Nhà nước phải có biện pháp mạnh tay với các nhà đầu tư BOT này. Bởi, chừng nào còn sự dung túng, bao che cho những hành vi xuất phát từ động cơ không trong sáng trên, “vấn đề BOT” sẽ còn nhức nhối hơn và những bê bối, lùm xùm về doanh thu thu phí trong thời gian qua vẫn còn tiếp diễn.
Quý Nguyễn (Kinhtedothi)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Gia Lai: Đề xuất kiểm tra việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(GLO)-Chiều 14-3, Cục Thuế tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường đã họp bàn, thống nhất các nội dung đề xuất thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.