Thương hiệu: Cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đối với một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu giống như một con người xây dựng tính cách. Tính cách của một con người có thể hình thành qua môi trường xã hội, gia đình, quan hệ, trình độ học vấn, quan điểm cá nhân… Còn với thương hiệu, muốn xây dựng nó từ chỗ “không có gì” tới chỗ “có gì”, từ con số không tới một tên tuổi là cả một sự đầu tư công phu và toàn diện. Vì thương hiệu khó tự hiện ra. Có những quán ăn ngon và lâu năm, thậm chí lâu đời, không cần xây dựng thương hiệu nhưng vẫn được khách hàng biết tới và chọn lựa. Tuy nhiên, những “thương hiệu tự phát” như thế không có nhiều và cũng rất khó để có độ lan tỏa rộng.
Doanh nghiệp Việt có thương hiệu vươn tầm quốc tế vẫn còn rất ít (nguồn: theleader)
Doanh nghiệp Việt có thương hiệu vươn tầm quốc tế vẫn còn rất ít (nguồn: theleader)
Có lần tôi sang Paris, ngồi trong quán ăn Việt của một người bạn, thấy anh dùng chai “nước mắm Phú Quốc”, tôi mừng quá nói: “Mắm Phú Quốc cũng sang tới Paris rồi nhỉ!” Bạn tôi cười: “Không đâu anh ơi! Đây là mắm… Thái Lan, lấy danh nghĩa mắm Phú Quốc của mình để dễ bán, nhất là trong cộng đồng người Việt. Họ “cướp ngang” thương hiệu mắm Phú Quốc của mình mà mình đâu có biết!”. Cha sinh mẹ đẻ có cái tên, lại để cho người cướp mất, cơ sự chỉ vì cái tên ấy làm ăn được, cái tên ấy đẻ ra tiền. Bây giờ thì còn biết thêm, không chỉ mắm, mà cà phê Trung Nguyên, rồi món mít sấy Vinamit cũng bị “chôm” thương hiệu và bán tùm lum trên thế giới.
Xem ra, đây mới phù hợp câu nói của ông cha ta: “Thật thà là cha đứa dại”. Cũng chưa chắc mình đã thật thà nhưng chỉ cần mình lớ ngớ, sơ sẩy trong thế giới thị trường cạnh tranh khốc liệt này, mình có thể bị người ta “mượn đỡ” tên tuổi để làm giàu, còn mình thì chỉ biết… ngó. Vì mình không đăng ký nhãn hiệu, không đăng ký bản quyền nên phải chịu thiệt.
Theo một khảo sát, chỉ có 20% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chú trọng đăng ký thương hiệu tại thị trường trong nước, chứ chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài.
Đó là con số rất đáng báo động. Trên thương trường, không thể vô danh mà thành công. Dĩ nhiên, “hữu danh vô thực” thì khó lâu bền, nhưng thực chắc chắn phải đi với danh, không thể khác. Vì vậy, xây dựng thương hiệu là chuyện bắt buộc phải làm, làm vì mình chứ chẳng vì ai cả. “Nhận diện thương hiệu” là làm sao cho người ta biết mặt mũi tên tuổi mình, còn “quảng bá thương hiệu” là đưa tên tuổi mình đi càng xa, lan tỏa càng rộng càng tốt. Không có biên giới trong thương hiệu. Vì thế, ngay khi mình còn “nhỏ”, mình chỉ “nhỏ và vừa” thôi thì đã phải nghĩ tới lúc mình sẽ lớn. Thương hiệu như tên cúng cơm, phải bắt đầu từ khi còn nhỏ. Bởi lẽ, khi anh mới có một cửa hàng bán lẻ mà đã hút khách thì phải nghĩ ngay tới một chuỗi cửa hàng sẽ ra đời. Vì thế, nó phải có cái tên càng được biết tới nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Người ta thường nói: “Có thực mới vực được đạo”, nhưng cũng phải nghĩ ngược lại: Phải có “đạo” thì cái thực của mình mới chính danh, thực và đạo luôn là cặp bài trùng và phải có cùng một lúc. Doanh nghiệp và thương hiệu cũng phải như vậy. Chưa kể, trong quá trình phát triển, cái tên doanh nghiệp, thương hiệu của mình có khi phải sáp nhập với cái tên khác, với thương hiệu khác để phát triển lớn hơn. Lúc đó, mình làm sao vẫn giữ được “bản lai diện mục” của mình, đồng thời đứng bên cạnh mặt mũi tuổi tên người khác mà không chịu lép.
Dĩ nhiên, thương hiệu không thể bơm lên mà có. Nó phải xuất phát từ cái thực: thực tế, thực lực, thực thà. Nhưng nếu chỉ biết tự hào vì cái “thực” mà quên quảng bá cái “danh” của mình thì không thể phát triển được. Làm sao để “vua biết mặt, chúa biết tên” thì khách hàng mới chọn mua sản phẩm của mình, mới từ khách lạ chuyển thành khách quen. Thương hiệu chính là cầu nối giữa doanh nghiệp, giữa sản phẩm của doanh nghiệp và khách hàng.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm