Gia Lai: Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Mang Yang, Chư Prông, Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 7-12, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 2006/UBND-NC về việc trả lời và chỉ đạo giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XII.
I. Cử tri huyện Mang Yang 
1. Hiện nay theo Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 26-4-2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ đơn giá sản phẩm: Đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai (trong đó kinh phí để thực hiện đo đạc, xuất trích lục khá cao: như đo đạc từ 1.000 m2 đến 3.000 m2 , nếu trong khu vực đô thị là 2,163 triệu đồng, ngoài khu vực đô thị là 1,440 triệu đồng), chưa quy định nội dung miễn, giảm mức phí đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mặc khác mức thu nhập của đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn thấp, khó có khả năng chi trả kinh phí đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (Cử tri huyện Kbang, Chư Pưh cũng kiến nghị nội dung này). Cử tri đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ hoặc chế độ miễn, giảm mức thu phí đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đề nghị UBND tỉnh xem xét miễn giảm kinh phí đo đạc, xuất trích lục đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho các hộ này được đo đạc, lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
Trả lời: - Đối với việc phê duyệt ban hành Bộ đơn giá đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai tại Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 26-4-2019 của UBND tỉnh được lập theo định mức tại Thông tư số 14/2017/TT-BTNMT ngày 20-7-2017 của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định định mức kinh tế-kỹ thuật đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22-12-2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường và các chế độ chính sách hiện hành có liên quan. 
- Đối với các khoản thu phí, lệ phí đã thực hiện chế độ miễn giảm với các đối tượng được miễn giảm theo quy định. Về chi phí đo đạc phục vụ cho công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với những nơi chưa có bản đồ địa chính phát sinh theo nhu cầu cấp giấy riêng lẻ của người dân hiện nay, Nhà nước chưa có chính sách miễn giảm cho các đối tượng chính sách hộ nghèo, dân tộc thiểu số. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét các chế độ chính sách cho các đối tượng nêu trên. 
II. Cử tri huyện Chư Prông 
2. Tuyến đường tỉnh lộ 665 hiện đang triển khai thi công, có chiều dài tuyến khoảng 65,64 km, do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư. Hiện nay, một số nơi mương thoát nước cao hơn so với lề đường, khi trời mưa nước đọng lại không thoát nước được gây cản trở giao thông; tại một số đoạn đường, nhà dân thấp không có mương thoát nước khi gặp mưa to dẫn đến tình trạng dồn nước ngập đến cửa nhà dân (xã Ia Ga, Ia Piơr). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị thi công tuyến đường khắc phục; xem xét làm thêm một số đoạn mương thoát nước tránh tình trạng ngập úng trước nhà dân; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến đường này. 
Công nhân thuộc đơn vị thi công gói thầu số 1 Dự án cải tạo tỉnh lộ 665 đang vá sửa một số điểm hư hỏng trên tuyến. Ảnh: Lê Hòa
Công nhân thuộc đơn vị thi công gói thầu số 1 Dự án cải tạo tỉnh lộ 665 đang vá sửa một số điểm hư hỏng trên tuyến. Ảnh: Lê Hòa
Trả lời: Ngày 12-10-2021, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án và UBND huyện Chư Prông đã kiểm tra hiện trường đường tỉnh 665 để xử lý các kiến nghị của cử tri huyện Chư Prông. Sau đó, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo đơn vị khảo sát thiết kế chủ trì phối hợp với đơn vị giám sát và các đơn vị thi công đi kiểm tra hiện trường, khảo sát, lên phương án thiết kế và dự toán cho các hạng mục công việc cần thiết kế bổ sung để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng công trình. Do dự án đã được phê duyệt thiết kế và dự toán; nên để xử lý và giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Chư Prông về xây dựng một số đoạn mương thoát nước tại một số đoạn đường, nhà dân thấp không có mương thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng trước nhà dân khi trời mưa phải sử dụng vốn dư của dự án (vốn dư do tiết kiệm sau đấu thầu và vốn dự phòng chưa phân bổ).
Theo quy định của nhà tài trợ ADB và khoản 3 điều 47 của Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25-5-2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài “Trường hợp thực sự cần thiết sử dụng vốn dư để phát huy hiệu quả và không dẫn đến thay đổi mục tiêu chính tại Quyết định chủ trương đầu tư của chương trình, dự án đang thực hiện: Cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và nhà tài trợ nước ngoài xác định hiệu quả, sự cần thiết để quyết định việc sử dụng vốn dư và thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh chương trình, dự án đang thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 22 của Nghị định này hoặc trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương thực hiện và Quyết định phê duyệt Văn kiện dự án đang thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định này”, thì phải lấy ý kiến của nhà tài trợ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. 
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án lập hồ sơ trình nhà tài trợ ADB và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định. 
3. Hiện nay, trên địa bàn huyện tổng số học sinh tại các cấp học là 27.912 học sinh với 890 lớp học, tuy nhiên số lượng giáo viên đứng lớp hiện là 1.184 giáo viên, chưa đảm bảo nên ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Đề nghị UBND tỉnh xem xét khi giao chỉ tiêu biên chế giáo viên cho huyện, bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. 
Trả lời: Tính đến thời điểm hiện nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai có 714 trường mầm non, phổ thông công lập, có 11.688 lớp với 391.161 học sinh. Tổng số viên chức từ bậc mầm non đến phổ thông trong biên chế là: 19.040 người. Trong đó: cán bộ quản lý 1.770, giáo viên 16.040, nhân viên 1.230. Định mức giáo viên/lớp: ở bậc Mầm non chỉ đạt 1,17 (quy định là 2,0); Tiểu học chỉ đạt 1,19 (quy định là 1,5); THCS chỉ đạt 1,68 (quy định là 1,9); THPT chỉ đạt 1,93 (quy định là 2,25). Tổng số giáo viên thiếu trong năm học 2021-2022 là 3.721 giáo viên (chưa tính số 1.272 nhân viên còn thiếu, trong đó có 318 trường không có nhân viên kế toán). 
Trước thực trạng nêu trên và xác định nhu cầu giáo viên cho năm học 2021-2022, UBND tỉnh đã có báo cáo và kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất Chính phủ bổ sung đủ biên chế giáo viên cho tỉnh Gia Lai theo định mức quy định tại các Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12-7-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, để đáp ứng quy mô phát triển trường, lớp và nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh (tại 2 Văn bản: Văn bản số 918/UBND-NC ngày 10-7-2021 và Tờ trình số 919/TT-UBND ngày 10-7-2021 của UBND tỉnh: (1) Mầm non: 224 Trường, 2.119 lớp với 63.652 học sinh, sĩ số học sinh/lớp 30.1; Tiểu học: 208 Trường, 5.802 lớp với 171.432 học sinh, sĩ số học sinh/lớp 29.6; THCS: 235 Trường (trong đó có 73 Trường TH&THCS có lớp tiểu học), 2.745 lớp với 110.156 học sinh, sĩ số học sinh/lớp 40.1; THPT: 47 Trường (trong đó có 5 Trường THCS&THPT), 1.030 lớp với 45.921 học sinh, sĩ số học sinh/lớp 44.6. (2) Mầm non: 3.111 người (cán bộ quản lý 522, giáo viên 2.485, nhân viên 104); Tiểu học: 7.998 người (cán bộ quản lý 623, giáo viên 6.924, nhân viên 451); THCS: 5.613 người (cán bộ quản lý 480, giáo viên 4.613, nhân viên 520); THPT: 2.318 người (cán bộ quản lý 145, giáo viên 2.018, nhân viên 155). (3) Thiếu giáo viên: Mầm non: 1.637; Tiểu học: 986; THCS: 726; THPT: 372). Đồng thời, trước tình trạng thiếu giáo viên của ngành giáo dục, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có Báo cáo số 06/BC-ĐĐBQH ngày 8-10-2021 tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh gửi kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV xem xét, giải quyết. 
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, các nhà trường quyết tâm không để học sinh bỏ học. Ảnh: Mộc Trà
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, các nhà trường quyết tâm không để học sinh bỏ học. Ảnh: Mộc Trà
* Riêng đối với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông có số lượng người làm việc được giao là 1.488. Tới thời điểm 30-11-2021, số viên chức có mặt là 1.408 (trong đó cán bộ quản lý 135, giáo viên 1.184, nhân viên 89). Như vậy, chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng là 80. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Chư Prông căn cứ chỉ tiêu biên chế được giao chưa sử dụng để tổ chức tuyển dụng giáo viên cho hết chỉ tiêu biên chế được giao hoặc hợp đồng giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng để phục vụ công tác giảng dạy theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại văn bản số 5075/BNV-TCBC ngày 26-9-2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP. Sau khi Trung ương giao bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh, trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ, UBND tỉnh triển khai giao bổ sung biên chế giáo viên cho các huyện nói chung và huyện Chư Prông nói riêng. 
III. Cử tri huyện Kbang 
4. Thực hiện công văn số 134/BDT-CSXH ngày 3-3-2020 của Ban Dân tộc tỉnh về việc nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc nguồn kinh phí chi đảm bảo xã hội năm 2020; huyện Kbang đã triển khai và tổng hợp đăng ký nhu cầu hỗ trợ bò cái sinh sản, giống, phân bón, muối Iốt cho hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn về Ban Dân tộc tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký hỗ trợ bò giống sinh sản làm chuồng trại, đảm bảo điều kiện để chăn nuôi (đã có 53hộ/117 hộ nghèo DTTS làm chuồng trại chăn nuôi). Tuy nhiên, ngày 14-10-2020, Ban Dân tộc tỉnh có văn bản 723/BDT-CSKH thông báo ý kiến của UBND tỉnh tại văn bản số 2402/VP-KTTH ngày 20-7-2020; theo đó, UBND tỉnh chuyển nguồn kinh phí này sang thực hiện nhiệm vụ chi khác. Cử tri đề nghị UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh xem xét, tiếp tục có giải pháp hỗ trợ bò cái sinh sản cho cho hộ nghèo dân tộc thiểu số đã đăng ký nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nguồn kinh phí chi đảm bảo xã hội năm 2020 nhất là các hộ đã đăng ký thực hiện làm chuồng trại nhưng chưa được hỗ trợ bò. 
Trả lời: Năm 2020, việc hỗ trợ chính sách cho người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chấm dứt do văn bản đã hết hiệu lực thi hành. Do đó, để thực hiện theo đúng các quy định, đồng thời thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, UBND tỉnh đã thực hiện chuyển nguồn kinh phí đã phân bổ đầu năm thực hiện chính sách đảm bảo xã hội cho Ban Dân tộc để thực hiện các nhiệm vụ khác. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc nghiên cứu, trong trường hợp tiếp tục thực hiện chính sách, Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi tổ chức triển khai thực hiện. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 17-10-2021 về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó nội dung số 1, Tiểu dự án 2, Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Kbang (và các huyện liên quan) nghiên cứu nội dung Tiểu dự án để đưa các hộ trên vào đối tượng hỗ trợ cho phù hợp.
GLO

Có thể bạn quan tâm

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phát động Tháng Nhân đạo

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phát động Tháng Nhân đạo

(GLO)- Sáng 12-5, tại xã Đăk Pơ Pho (huyện Kông Chro), Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Huyện Đoàn Kông Chro tổ chức lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2024 với chủ đề “Hành trình nhân đạo-Trao nhận yêu thương”.

Ấm lòng bữa cơm 15 ngàn đồng

Ấm lòng bữa cơm 15 ngàn đồng

(GLO)- Hơn 4 năm qua, mỗi năm có gần 100 học viên là bộ đội xuất ngũ và học viên người dân tộc thiểu số được cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Nghề số 21 (Binh đoàn 15) nấu những bữa cơm đảm bảo ăn no, đủ chất với giá chỉ 15 ngàn đồng.
Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn do sạt lở đất ở tỉnh Hà Tĩnh

Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn do sạt lở đất ở tỉnh Hà Tĩnh

(GLO)- Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai vừa cùng đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên gia đình 2 nạn nhân Đinh Sơn và Đinh Hlum (cùng trú ở xã Kông Chiêng, huyện Mang Yang) bị tử vọng do sạt lở đất tại tỉnh Hà Tĩnh.
Giải quyết khủng hoảng y tế, Hàn Quốc chấp nhận người có giấy phép hành nghề do nước ngoài cấp

Giải quyết khủng hoảng y tế, Hàn Quốc chấp nhận người có giấy phép hành nghề do nước ngoài cấp

(GLO)- Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe đang ngày càng trở nên trầm trọng, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết sẽ cho phép những người có giấy phép hành nghề y do nước ngoài cấp được phép hành nghề hợp pháp tại nước này, theo nguồn tin từ vtv.vn và TTXVN.

Trao Nhà nhân ái cho hộ nghèo xã Chư A Thai

Trao Nhà nhân ái cho hộ nghèo xã Chư A Thai

(GLO)- Ngày 7-5, ông Nguyễn Hoàng Phong-Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai đã trao số tiền 70 triệu đồng của Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho gia đình chị Đinh Nenh (thôn Plei Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) sửa chữa nhà ở.