Về hưu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thỉnh thoảng, tôi gặp đồng nghiệp cơ quan đã về hưu. Hỏi thăm nhau đôi ba câu, đại khái lâu quá mới gặp, anh/chị khỏe không, gia đình thế nào và đôi khi cũng hỏi anh/chị làm gì để rồi thấy mình “hớ hênh” không nên, không đáng. Đến tuổi thì nghỉ, đó là quy luật, quy định.

Biết vậy, nhưng cuộc sống người về hưu lại không giống nhau. Hầu hết đều muốn nghỉ ngơi, chăm lo gia đình, sống cùng cháu con, sau thời gian dài công tác. Số ít thấy “trống rỗng”, “hụt hẫng”, “nuối tiếc” một thời chức vụ, quyền lực. Số khác năng động, không chịu “chân tay thừa thãi” nên còn sức là còn tham gia phong trào, khi được vận động vẫn công tác, chủ yếu trong các hội, đoàn thể địa phương. Cũng có người không biết làm gì với quỹ “thời gian tỷ phú”, không nghĩ ra việc để làm, cuộc sống nhàm chán là điều đương nhiên.  

Không có gì lạ khi từng trường hợp, từng hoàn cảnh trong cuộc đời này không hề giống nhau, cả người về hưu. Như cơ quan tôi, có người về hưu an nhàn, nhưng có người tối ngày bận bịu làm vườn, tăng gia sản xuất, giúp con giữ cháu. Tôi có một anh bạn nghỉ hưu sớm đang nuôi cháu. Vợ chồng 2 suất lương hưu, nhưng nuôi 2 đứa con còn đang học và một đứa cháu (vì cha mẹ hắn đứa làm, đứa học, hiện đang mắc kẹt vì dịch tại TP. Hồ Chí Minh). Anh bảo xà quần cả ngày với thằng nhỏ, mệt nhưng vui. Nói tóm lại “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”. Để bớt “trống vắng”, người về hưu thường tham gia các hội, đoàn thể để có “đất” diễn, có nơi sinh hoạt, giao lưu cho cuộc sống bớt nhàm chán, buồn tẻ và chủ yếu tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi: thơ ca, dưỡng sinh, cờ tướng, cầu lông, bóng bàn... Cá biệt có người không muốn tham gia vào tổ chức này vì “Cả ngày nói chuyện hươu vượn, già nua, thấy chán! Tui tuy tuổi cao nhưng tâm hồn, tinh thần còn trẻ, thích nói chuyện thời sự, trẻ trung”-một người làm trong ngành Giao thông-Vận tải tiết lộ.  

Tuy nhiên, điều mà bất cứ người về hưu, người cao tuổi nào cũng đều nghĩ tới và mơ ước đó là tự chủ về tài chính, có sức khỏe và một gia đình êm ấm. Trong xã hội ta, người làm công ăn lương, trừ một số ngành, hầu hết lương hưu chỉ tạm đủ sống. Con cái chẳng “phụ” vào lại còn “xén” bớt khoản thu nhập này thì sẽ không khỏi chật vật, ốm đau lại càng lo. Cuộc sống dẫu đạm bạc mà có sức khỏe, gia đình êm ấm thì vẫn tốt vạn lần so với giàu sang mà lục đục, bệnh tật, ốm đau hay gia đình có người vướng vào vòng lao lý. Nhưng đó là sự thật của không ít người, trong đó có bạn tôi, bị bệnh tật hành hạ đến khổ sở. Oái ăm là thế, quy luật đời người, mấy ai tuổi cao mà sức chẳng yếu? Và để duy trì sức khỏe dẻo dai, phòng tránh bệnh tật, người cao tuổi rất chăm thể dục thể thao, coi trọng chế độ ăn ngủ, sinh hoạt, thăm khám hợp lý. Cuộc sống khá lên nên nhiều người tuy tuổi cao nhưng sức lực vẫn dồi dào, đầu óc minh mẫn, tham gia giúp ích cho nhiều hoạt động và phong trào. Đây là điều rất đáng mừng.

Ví dụ như anh Lâm Văn Dương-Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 4 (phường Hội Phú, TP. Pleiku). Bước vào tuổi 70 nhưng anh còn thừa nhiệt huyết, nhanh nhẹn và năng động. Phẩm chất người lính, người cán bộ không cho anh rảnh rỗi, ở không. Khu phố đông dân cư, địa bàn trải rộng nhưng nhà ai, nơi nào có việc gì là anh biết ngay, tới ngay, giải quyết rốt ráo. Làm được việc gì, tranh thủ được gì cho khu phố, cho bà con là anh làm liền. Phường Hội Phú, tổ dân phố 4 mấy năm gần đây làm được một số tuyến đường dân sinh khang trang có phần công sức vận động, huy động của anh. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng-chống dịch Covid-19, anh cùng với lực lượng chức năng đến từng nhà, từng đường, từng hẻm tuyên truyền, gắn biển cách ly y tế, căn dặn tỉ mỉ, khiến ai cũng vì nể, yêu quý.

Một người anh khác là TS. Trịnh Đào Chiến-nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Gặp nhau mới thấy anh chẳng có biểu hiện gì của tuổi già, mà vẫn rất dồi dào tinh lực và phong độ. Anh Chiến cho biết: Bây giờ, anh tiết giảm rất nhiều mối quan hệ, bạn bè bù khú nhậu nhẹt càng giảm, mà dành thời gian đọc sách, nghiên cứu, viết lách, giảng dạy. Khỏe làm, mệt nghỉ, chẳng lấn cấn điều gì, cốt là giữ tinh thần nhẹ nhõm, vui sống, lạc quan. Là người tài hoa, nội tâm nên anh còn là nhà thơ, sáng tác đều đặn. Buông công việc, sách vở, chữ nghĩa, anh lại ra vườn bầu bạn với cây cảnh, bon sai. Anh bảo thiên nhiên là thầy, ân tình, thủy chung, luôn mở lòng; mình chỉ có lợi là thoải mái thụ hưởng, bổ sung năng lượng. Không biết điều đó thì cuộc sống sao tránh nặng nề, vô nghĩa.

Về hưu mà cuộc sống như anh Dương, anh Chiến dẫu không nhiều tiền của song thật đáng sống, không uổng phí phần đời còn lại. Đó mới chính là sự tĩnh tại khi về hưu, của người cao tuổi. Mong các cụ ai cũng như thế và được như thế!

 

 THẤT SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

Việc tốt quanh ta

Việc tốt quanh ta

(GLO)- Cuộc sống hàng ngày quanh ta có rất nhiều người tốt với việc làm có ích, thiết thực cho cộng đồng, xã hội.
“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

“Thân cò” nuôi chồng bị mù và 3 con nhỏ

(GLO)- Nhà nghèo, nuôi 3 con nhỏ, lại thêm người chồng đột nhiên bị mù cả 2 mắt nên gánh nặng cơm áo hàng ngày càng đè lên đôi vai gầy của chị Rơ Châm Thủy (SN 1984, trú tại làng Kênh, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
 Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

Ngày hội “Tháng ba biên giới” tại xã Ia O

(GLO)- Ngày 23-3, Nhóm từ thiện Fly To Sky phối hợp với Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Ia Grai, Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tại Gia Lai tổ chức Ngày hội “Tháng ba biên giới” với chủ đề “Biên cương Tổ quốc tôi” tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai).