Chiếc khẩu trang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Chú ơi, lần sau chú nhớ kéo khẩu trang lên nha”-cậu bé cạnh nhà tôi lên tiếng nhắc nhở người đàn ông giao cà phê. Mẹ cháu bé vốn nghiện cà phê nhưng phải là cà phê ép máy. Tuy nhiên, thay vì la cà quán xá như trước, chị chọn dịch vụ giao tận nhà để hạn chế tiếp xúc, đảm bảo an toàn phòng dịch. 
Như thường lệ, người giao cà phê mang đến cửa, chị hoặc con trai sẽ đeo khẩu trang cẩn thận mới ra nhận. Song lần này, có lẽ vì sơ ý hoặc cũng có thể do chủ quan nên người giao cà phê đã kéo khẩu trang xuống quá cằm. Đương nhiên, cậu bé kia do được gia đình nhắc thường xuyên nên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch và cũng muốn người lớn gương mẫu chấp hành.
Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã làm mỗi người trong chúng ta buộc phải thay đổi thói quen và chọn cách thích nghi. Như chị hàng xóm gần như bỏ luôn thói quen la cà quán xá vào mỗi sáng; còn cậu bé con chị luôn tuân thủ việc đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà và bỏ vào giỏ rác ngay khi về. Trước đây, tôi từng nói không với khẩu trang vì cảm thấy ngột ngạt, phiền phức và mất thời gian. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, dù không muốn cũng phải thường trực khẩu trang khi ra đường. Trong túi xách, cốp xe, tôi luôn dự phòng chiếc khẩu trang mới để sẵn sàng thay khi cần. Âu cũng là để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Khẩu trang là 1 trong 5K mà Bộ Y tế khuyến cáo đến tất cả người dân để có thể chung sống an toàn với dịch bệnh. Thế nhưng vẫn còn nhiều người chưa chấp hành đeo khẩu trang khi ra đường, nơi công cộng. Trường hợp một phụ nữ ở TP. Hồ Chí Minh hành hung nhân viên bảo vệ chung cư khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang hay người đàn ông ở TP. Đà Nẵng gây gổ, thậm chí vác ghế gỗ tấn công lực lượng chức năng cũng chỉ vì bị nhắc đeo khẩu trang chỉ là cá biệt, tất nhiên họ sẽ bị xử lý theo quy định.
Ngay tại TP. Pleiku, ngành chức năng cũng đã xử phạt hàng trăm trường hợp không chấp hành nghiêm các quy định về phòng-chống dịch, trong đó có việc không đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi công cộng. Ngày 5-9, Chủ tịch UBND phường Diên Hồng đã ký quyết định xử phạt 6 triệu đồng đối với 2 trường hợp không đeo khẩu trang và ra đường trong thời điểm thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chưa kể, vẫn còn nhiều trường hợp đeo khẩu trang chỉ để đối phó với lực lượng chức năng. Lại có người đeo khẩu trang không đúng cách như 1 chiếc khẩu trang y tế đeo từ ngày này qua ngày khác. Người đeo khẩu trang vải nhưng lúc nóng quá tháo ra lau mồ hôi rồi đeo tiếp. Cũng có trường hợp đeo khẩu trang cho bản thân nhưng lại quên đeo cho con nhỏ…
Những ngày này, tỉnh ta tiếp nhận một lượng lớn công dân từ các tỉnh, thành phía Nam trở về, đi ngang qua địa phương và trong số đó nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Mặc dù các trường hợp này đã được cách ly tập trung ngay khi về tỉnh, nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan, lơ là. Dịch bệnh nguy hiểm ra sao tất cả đều đã quá rõ. Thói quen rất khó thay đổi nhưng chúng ta đang “sống chung” với Covid-19, dù muốn hay không đều buộc phải thích nghi. Và chỉ khi thích nghi, tự giác chấp hành quy định mới có thể bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng.
AN NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.