Khổ sở vì cơ sở chăn nuôi heo gây ô nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bức xúc vì cơ sở chăn nuôi heo Linh Nhĩ gây ô nhiễm môi trường, 12 hộ dân ở thôn Ia Chía (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã làm đơn gửi ngành chức năng. Song đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Khổ sở vì mùi hôi

Nhiều năm nay, gia đình bà Trần Thị Hà phải “sống chung” với mùi hôi từ chất thải của cơ sở chăn nuôi Linh Nhĩ. Bà Hà cho biết, gia đình bà thường phải đóng kín cửa để ngăn bớt mùi hôi nên rất bất tiện trong sinh hoạt. Đã vậy, nước thải từ cơ sở chăn nuôi này còn tràn ra con suối gần nhà đặc quánh. “Mùi hôi nặng nhất là khoảng từ 17 giờ tới khoảng 6 giờ sáng hôm sau khiến gia đình tôi nhiều đêm không ngủ được. 4 năm nay, tôi thường xuyên bị ho, đi khám mới phát hiện mình bị bệnh lao và viêm phổi. Chồng và 2 đứa con cũng thường xuyên bị ngứa ngáy nhưng lấy thuốc về uống vẫn không khỏi”-bà Hà nói.

 

 Người dân chỉ tay về cơ sở chăn nuôi heo Linh Nhĩ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hồng Thương
Người dân chỉ tay về cơ sở chăn nuôi heo Linh Nhĩ gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hồng Thương

Có nhà nằm cách cơ sở chăn nuôi này 2 căn, gia đình bà Đỗ Thị Khuyến cũng phải chịu đựng mùi hôi thối. Bà Khuyến cho biết, cơ sở này chăn nuôi heo đã hơn 10 năm. Tuy nhiên, khoảng 4 năm nay, mùi hôi từ chất thải trở nên nặng hơn. Đặc biệt, mỗi lần mưa xong, mùi hôi sặc sụa, ruồi nhặng bay đầy vào nhà. “Điều khiến tôi lo lắng là phân heo không xử lý tràn ra con suối trong khu vực gây ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm. Trong khi đó, gia đình tôi và hầu hết các hộ dân nơi đây đều phải đào giếng gần con suối mới có nước sử dụng. Chúng tôi mong chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm vận động di dời cơ sở chăn nuôi ra xa khu dân cư để không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống”-bà Khuyến bày tỏ.

Ông Vũ Tiến Dũng-Trưởng thôn Ia Chía-thông tin: Cơ sở chăn nuôi heo này do ông Đoàn Ngọc An (trú tại tổ 3, thị trấn Chư Ty) làm chủ và thuê ông Lê Văn Thân (thôn Ia Chía) trực tiếp quản lý. Ban đầu, ông An chỉ nuôi heo nái, về sau nuôi thêm heo thịt nên số lượng tăng lên, có thời điểm hơn 100 con nhưng lại không có phương án xử lý chất thải. “Cứ tới mùa khô, mùi hôi bốc lên nồng nặc, thậm chí phân heo rò rỉ ra môi trường rồi đọng lại tại con suối gây ô nhiễm. Mới đây, cơ sở này đã xây thêm bể chứa phân heo có nắp đậy nhưng không giảm mùi hôi do số lượng heo nhiều. Vì vậy, nguyện vọng của người dân là cơ sở nuôi với số lượng ít hoặc di dời tới nơi khác”-ông Dũng cho hay.

Vận động di dời

Làm việc với P.V, ông Phạm Văn Thủy-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nan-cho biết: Trước đây, ông An chỉ chăn nuôi heo nái với số lượng 30-40 con. Heo con sau khi đạt 5-10 kg là xuất bán. Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, heo con không xuất bán được, ông An để lại nuôi heo thịt dẫn tới lượng chất thải tăng, gây mùi hôi. Từ phản ánh của người dân, xã đã nhiều lần phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và PTNT tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chăn nuôi bốc mùi hôi thối, nước tại khu vực suối gần cơ sở có màu đen và hôi, hầm rút bị nứt dẫn tới nước thải rỉ ra ngoài môi trường. Ủy ban nhân dân xã đã xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng, đồng thời, yêu cầu cơ sở giảm đàn, xây thêm bể chứa nước thải, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi hôi. “Sau khi khắc phục, mùi hôi giảm khoảng 30%. Do vậy, tới đây, xã sẽ làm việc với chủ cơ sở để có phương án giải quyết tốt nhất”-Phó Chủ tịch UBND xã cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Minh Phúc-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Cơ-thông tin: Sau khi có đơn kiến nghị của các hộ dân, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Ia Nan kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, về lâu dài, huyện sẽ vận động chủ cơ sở chăn nuôi heo di dời ra xa khu dân cư để không gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh và xây dựng đầy đủ các công trình xử lý chất thải để bảo vệ môi trường.

 

 HỒNG THƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.