Ayun Pa: Nguy cơ tái nghèo vì mất đất sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ sau 1 đêm mưa bão, hàng chục héc-ta đất sản xuất màu mỡ của người dân xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) ở ven sông Ba đã bị nước lũ cuốn phăng và bị cô lập thành ốc đảo. Hàng chục hộ dân bị mất đất sản xuất đang đứng trước nguy cơ tái nghèo.

Hàng chục héc-ta đất trôi sông

Con sông Ba hiền hòa bao năm bồi đắp phù sa tạo nên cánh đồng màu mỡ nuôi sống hàng ngàn người dân xã Ia Rtô. Thế nhưng, chỉ sau 1 đêm mưa bão vào cuối năm 2017, nước lũ đổ về nhấn chìm cánh đồng hàng trăm héc-ta trong biển nước. Khi nước lũ rút đi, nơi khúc cua dòng sông Ba uốn lượn nhô ra tạo thành một bãi bồi màu mỡ nhất cánh đồng đã bị chia cắt, cô lập với phần còn lại. Con sông đã nắn dòng chảy thành một khúc sông mới. Chính quyền thị xã Ayun Pa tổ chức đo đạc khảo sát đoạn sông Ba mới rộng chừng 100 m, dài 2.200 m, sâu 5 m. Hơn 22 ha đất sản xuất của gần chục hộ dân đã bị cuốn trôi hình thành đoạn sông Ba mới này.

 

Ông Phạm Đình Cầu-Trưởng thôn Tân Lập (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) tiếc nuối nhìn về cánh đồng hơn 50 ha bị dòng sông Ba cô lập, phải bỏ hoang. Ảnh: Đ.P
Ông Phạm Đình Cầu-Trưởng thôn Tân Lập (xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) tiếc nuối nhìn về cánh đồng hơn 50 ha bị dòng sông Ba cô lập, phải bỏ hoang. Ảnh: Đ.P

Xã Ia Rtô có trên 50 ha đất sản xuất màu mỡ của hơn 50 hộ dân ở thôn Tân Lập và Đức Lập bị cô lập hoàn toàn như một ốc đảo bởi sông Ba nắn dòng và 22 ha đất của gần chục hộ dân khác bị cuốn trôi. Bà Nguyễn Thị Lộc (thôn Tân Lập), một hộ bị nước lũ cuốn trôi hơn 1 ha đất sản xuất, than thở: “Người dân chúng tôi mất đi cần câu cơm để nuôi sống gia đình rồi”.

Nguy cơ tái nghèo

Gần 1 năm nay, ông Phạm Đình Cầu-Trưởng thôn Tân Lập cứ ra bờ sông Ba tiếc nuối nhìn về phía cánh đồng bị cô lập như ốc đảo ở phía bên kia. Khúc sông cũ thì vẫn chảy liu riu, còn khúc sông mới sâu hoắm, cuộn chảy. Cả hai đoạn sông tạo thành vòng cung biến cánh đồng hơn 50 ha thành cồn nổi, cô lập với thôn làng. Kể từ thời điểm đó, người dân 2 thôn Tân Lập và Đức Lập đã không còn đường để vào sản xuất ở khu đất này. “Nước sông sâu, chảy xiết nên bà con chỉ biết đứng bên này nhìn sang tiếc nuối. Cánh đồng hơn 50 ha trở thành bãi hoang. Nhà tôi có 2 ha đất ở đây cũng đành bỏ mặc cho cỏ mọc”-ông Cầu nói.

Gia đình anh Võ Hoàng Phương (thôn Tân Lập) thuộc diện hộ cận nghèo. “Năm ngoái, tôi được Nhà nước hỗ trợ xây tặng căn nhà “Đại đoàn kết”, cấp cho 1 con bò nên chỉ còn là hộ cận nghèo. Nhưng 1,5 ha đất sản xuất của gia đình đã bị cô lập thành ốc đảo ở bên kia sông, không có đường đi sang để sản xuất. 2 vợ chồng với 7 đứa con mà chỉ dựa vào 1 sào ruộng thì cuối năm nay lại tái nghèo mất”-anh Phương hoang mang với tương lai của gia đình.

Đầu năm 2018, xã Ia Rtô được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là xã duy nhất của thị xã Ayun Pa hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tính đến thời điểm này. Ông Đặng Tấn Hòa-Chủ tịch UBND xã Ia Rtô, cho hay, toàn xã hiện có 46 hộ nghèo (chiếm trên 6%) và 66 hộ cận nghèo. Trong đó, thôn Tân Lập có 12 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo; thôn Đức Lập có 4 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Trong hơn 70 ha đất bị biến thành sông và bị cô lập thành ốc đảo buộc phải bỏ hoang thì thôn Tân Lập có gần 50 ha của hơn 30 hộ, phần đất còn lại của gần 20 hộ dân thôn Đức Lập. Trong số hộ dân mất đất có cả hộ nghèo và cận nghèo.  Chung nỗi lo lắng, Trưởng thôn Tân Lập Phạm Đình Cầu bày tỏ: “Nhiều hộ dân bị mất đất sản xuất, không có phương tiện làm ăn nên thu nhập sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ tái nghèo đang hiện hữu”.

Ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, cho hay, chính quyền thị xã đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình trạng nước lũ cuốn trôi đất sản xuất của người dân. Sau đó, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã đến kiểm tra tình hình thực tế. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh vẫn chưa có phương hướng giúp địa phương khắc phục thiệt hại. Ông Lộc cho biết thêm, nếu bỏ ra 40-50 tỷ đồng làm cầu đi qua cồn đất sản xuất rộng hơn 50 ha là không hiệu quả vì suất đầu tư quá lớn. Còn phương án hỗ trợ người dân mất đất sản xuất chuyển đổi ngành nghề thì vẫn chưa có.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.