Mong ước của chàng trai khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được uống ly “nước mía siêu sạch” ngọt lịm, dịu mát từ những xe nước mía nội thành Pleiku, ít ai biết được trong đó có phần công sức của chàng trai tật nguyền Ngô Văn Trung (SN 1989, trú tại 145 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku).

Bà Nguyễn Thị Hoàng, mẹ anh Trung, nhìn con trìu mến rồi quay sang nói với tôi: “Tuy bị khuyết tật vận động, không tự đi lại nhưng Trung may mắn còn có đôi tay lành lặn, đầu óc minh mẫn nên vẫn được việc lắm. Từ tấm bé, Trung đã không làm phiền gì đến tôi, còn giúp đỡ gia đình”. Anh Trung đôi tay thoăn thoắt róc mía, nghe mẹ nói thi thoảng ngước nhìn, nở nụ cười thật tươi, chắc lòng anh đang dậy lên niềm vui.

 

Công việc róc mía đã giúp anh Trung có thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Đ.P
Công việc róc mía đã giúp anh Trung có thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Đ.P

Bà Hoàng bắt đầu câu chuyện về người con trai với biến cố đau xót: Năm lên 2 tháng tuổi, Trung bị sốt bại liệt để lại biến chứng teo cơ cả 2 chân, mang tật suốt đời. Không tự đứng lên được bằng đôi chân, Trung phải dịch chuyển nhờ đôi tay trên 2 chiếc đòn nhựa hoặc bằng chiếc xe lắc khi muốn đi đâu xa. Nói về người con trai áp út trong 7 anh chị em, bà Hoàng tâm sự: “Lên 8 tuổi, gia đình thay nhau cõng Trung đến trường, nhưng chỉ đến khi “thông mặt chữ” thì phải dừng lại. Gia cảnh quá khó khăn, một mình tui bươn chải đủ thứ nghề, trong đó có xe nước mía tại nhà. Năm 12 tuổi, Trung giúp tôi việc róc mía. Ban đầu chỉ róc cho mẹ bán. Sau đấy, mấy chị em bạn hàng thấy nó róc nhanh, thương tình muốn tạo việc làm kiếm thu nhập nên nhờ đến. Rồi người nọ mách bảo người kia, mối mang đông dần, nghề không chỉ nuôi được Trung mà còn giúp tôi có khoản tiền nuôi chị em nó đi học xa”.

Tôi đưa mắt nhìn căn phòng diện tích 7 x 4 m xếp dựng những bó mía dài, rồi dừng mắt ở chiếc máy róc mía đặt ngay sau lưng Trung, lên tiếng hỏi: “Đã có máy róc mía sao Trung lại phải ngồi róc thủ công nhọc sức vậy?”. Bà Hoàng lên tiếng thay cậu con trai vẫn đang miệt mài với công việc: “Khi vận hành cần đến 2 người đứng máy, có tôi và cô con gái. Trung không làm được, chỉ giúp việc cất xếp đủ cây, buộc thành bó. Mà cũng chỉ khi nào nhiều người đặt mua với số lượng mới dùng đến máy, còn thì chỉ mỗi mình Trung róc cũng đủ giao cho khách hàng rồi”.

Không đợi Trung dừng tay, tôi bắt chuyện thì được anh cho biết: “Mỗi ngày làm việc hết công suất tôi róc được 15 bó (mỗi bó 50 cây), thu về 300 ngàn đồng. Nhưng mùa mưa dầm, chẳng mấy ai uống nước mía thì nghỉ chơi dài. Cũng muốn tìm thêm việc vào những ngày nhàn rỗi nhưng cả nhà khuyên thôi, vì thương tôi tật nguyền”.

Được biết, Trung là thành viên Hội Người khuyết tật TP. Pleiku từ hơn 10 năm nay. “Đó là điểm tựa đời sống tinh thần của anh chị em khuyết tật vận động. Ưu điểm nổi trội của Hội là tập hợp người khuyết tật lại để cùng động viên nhau “gõ cửa cuộc sống”, dù biết cuộc sống vốn dĩ rất khó khăn, ngay cả với người lành lặn”-Trung nói về tổ chức Hội của mình.

Tôi hỏi Trung về tình cảm lứa đôi, anh cười bẽn lẽn: “Hẳn nhiên là có suy nghĩ đến, mà thực tế thì chưa một lần nắm tay ai. Kể cũng khó, tật nguyền thế này! Tôi biết, bây giờ thì còn có mẹ, anh chị em nương tựa vào nhau chứ mai sau về già, sức khỏe càng yếu hơn thì…”-Trung bỏ lửng câu nói.

Trung ước muốn có được chiếc xe điện 3 bánh thay cho chiếc xe lắc tay để đi đường xa, ngược dốc đỡ nhọc sức, lại chở thêm được một người khi cần. “Tôi tích cóp mãi mà vẫn chưa đủ số tiền 17 triệu đồng để sở hữu một chiếc xe như vậy. Rất mong nhận được sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm”-Trung tình thật.

Dừng tay, Trung ngồi trên chiếc đòn kê ngẩng lên nhìn tôi nói lời chia tay. Nhìn vào đôi mắt sáng cùng phần cơ thể lành lặn chắc nịch của Trung, tôi hiểu rằng ẩn sâu đằng sau đó là những mong muốn lớn lao, cả việc làm được nhiều điều hơn nữa cho bản thân cũng như cho người mẹ đơn thân đã tảo tần nuôi anh chị em Trung khôn lớn.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm

Trao 27 suất quà cho đoàn viên, người lao động mắc bệnh hiểm nghèo ở huyện Đức Cơ và TP. Pleiku

Trao 27 suất quà cho đoàn viên, người lao động mắc bệnh hiểm nghèo ở huyện Đức Cơ và TP. Pleiku

(GLO)- Ngày 15-5, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Gia Lai cùng đại diện các Ban của LĐLĐ tỉnh thăm và tặng quà 6 đoàn viên, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Đức Cơ, mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phát động Tháng Nhân đạo

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phát động Tháng Nhân đạo

(GLO)- Sáng 12-5, tại xã Đăk Pơ Pho (huyện Kông Chro), Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Huyện Đoàn Kông Chro tổ chức lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2024 với chủ đề “Hành trình nhân đạo-Trao nhận yêu thương”.

Ấm lòng bữa cơm 15 ngàn đồng

Ấm lòng bữa cơm 15 ngàn đồng

(GLO)- Hơn 4 năm qua, mỗi năm có gần 100 học viên là bộ đội xuất ngũ và học viên người dân tộc thiểu số được cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Nghề số 21 (Binh đoàn 15) nấu những bữa cơm đảm bảo ăn no, đủ chất với giá chỉ 15 ngàn đồng.
Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn do sạt lở đất ở tỉnh Hà Tĩnh

Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn do sạt lở đất ở tỉnh Hà Tĩnh

(GLO)- Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai vừa cùng đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên gia đình 2 nạn nhân Đinh Sơn và Đinh Hlum (cùng trú ở xã Kông Chiêng, huyện Mang Yang) bị tử vọng do sạt lở đất tại tỉnh Hà Tĩnh.