Truyền thống vẻ vang, trách nhiệm nặng nề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với truyền thống vẻ vang trong 69 năm qua, trong thời gian tới, Báo Gia Lai thấy trách nhiệm còn rất nặng nề đối với Đảng, bạn đọc và các thế hệ đi trước, nhất là những hạn chế, tồn tại.

Ngày 16-3-1947, tại Vĩnh Thạnh (Bình Khê, Bình Định), Hội nghị Tỉnh ủy Gia Lai đã quyết định xuất bản một tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy nhằm phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, các chủ trương của Đảng bộ tỉnh và Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, động viên đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sản xuất, chiến đấu. Thi hành nghị quyết này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phan Thêm-Bí thư Tỉnh ủy, cuối tháng 3-1947, Tỉnh ủy Gia Lai với danh nghĩa là Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác tỉnh Gia Lai (lúc bấy giờ Đảng ta tuyên bố tự giải tán rút vào hoạt động bí mật và lập ra Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác để công khai hoạt động) đã xuất bản tờ báo in lấy tên là Sáng. Sự kiện này cực kỳ có ý nghĩa, là dấu mốc của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Gia Lai có tờ báo đầu tiên. Từ đây, ngày 16-3 hàng năm là ngày truyền thống của Báo Gia Lai.
 

  Báo Gia Lai đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.      Ảnh: Đức Thụy
Báo Gia Lai đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Ảnh: Đức Thụy

Tờ báo Sáng do đồng chí Phan Thêm (Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ) làm chủ nhiệm, đồng chí Phan Bá (Tỉnh ủy viên, Thường trực cơ quan Tỉnh ủy) làm chủ bút. Báo in khổ A5, mỗi số 16 trang, ra mỗi tháng 2 kỳ. Sự ra đời của tờ báo trên vùng đất của tỉnh bạn, trong buổi đầu cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ và thiếu thốn; xuất bản trong điều kiện hết sức khó khăn, không có phóng viên, biên tập viên, chủ yếu là lãnh đạo tỉnh vừa thu thập thông tin vừa viết bài nhưng đã cố gắng duy trì thường xuyên công tác xuất bản, bảo đảm các nội dung thông tin và duy trì các chuyên mục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền trong những ngày đầu cuộc kháng chiến với tinh thần tự lực cánh sinh. Tuy số lượng phát hành không nhiều, nhưng nó đã theo dấu chân của cán bộ tuyên truyền của tỉnh đến các cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng địch hậu trong điều kiện thiếu thông tin làm cho đồng bào ta yên tâm, tin tưởng vào cuộc kháng chiến chống Pháp nhất định thắng lợi.

Trong kháng chiến chống Mỹ, công tác tuyên truyền đòi hỏi ngày càng cao. Mặc dù rất nhiều lần phải đổi tên để phù hợp với từng thời kỳ đấu tranh cách mạng: Vững Tiến (1955), Thống Nhất (1957), Quyết Thắng (1961), Giải Phóng (1965), nhưng báo Đảng luôn sát cánh cùng Đảng bộ, nhân dân, tuyên truyền kịp thời những chủ trương, đường lối kháng chiến, kiến quốc, kêu gọi và đồng hành cùng nhân dân các dân tộc tỉnh nhà dấy lên phong trào thi đua yêu nước, tham gia đánh giặc ở mọi nơi, mọi lúc với mục tiêu hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau ngày giải phóng tỉnh nhà (17-3-1975), Báo Gia Lai tự đổi mới để phát triển. Giai đoạn này tỉnh Gia Lai có 2 lần nhập tách, Báo Gia Lai cũng 2 lần tách nhập và đổi tên (Gia Lai-Kon Tum, Gia Lai), nhưng nhờ có đường lối đổi mới báo chí của Đảng nên Báo Gia Lai luôn ổn định và từng bước phát triển, đã xuất bản thêm nhiều ấn phẩm mới: Gia Lai nguyệt san (1993), Gia Lai Cuối tuần (2000), Báo ảnh Gia Lai (2001), Dân tộc miền núi (2003, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam), Gia Lai điện tử (2009). Báo Gia Lai hàng ngày phát hành 6 kỳ/tuần, Báo ảnh Gia Lai bằng 3 ngữ: phổ thông, Jrai, Bahnar phát hành 4 kỳ/tháng và Gia Lai điện tử bình quân trên 20.000 lượt truy cập/ngày. Đặc biệt, những lúc cách mạng chuyển giai đoạn, Báo Gia Lai đã góp phần vào công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị, tạo niềm tin vững chắc cho cán bộ, đảng viên và quần chúng; kịp thời phê phán các quan điểm sai trái, tăng cường sự nhất trí trong Đảng và động viên các phong trào hành động cách mạng của nhân dân đi đến thắng lợi.

Ghi nhận sự đóng góp của Báo Gia Lai, Đảng và Nhà nước đã tặng 7 huân chương, trong đó có 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ tặng 3 bằng khen và Tỉnh ủy Gia Lai tặng 3 bức trướng. Đây là niềm tự hào của các thế hệ nhà báo, cán bộ, nhân viên đã và đang công tác tại Báo Gia Lai.

Có được thành quả đó, trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy Gia Lai qua các thời kỳ. Sự đóng góp rất lớn của nhiều thế hệ cộng tác viên trên mọi cương vị công tác, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân và sự yêu mến của độc giả. Họ không những ủng hộ, mua, đọc mà còn góp ý, phê bình để tờ báo của Đảng bộ ngày càng tiến bộ hơn. Mỗi năm có hàng trăm lá thư của bạn đọc và cộng tác viên từ khắp nơi gửi về Tòa soạn vừa cổ vũ, động viên vừa góp ý cho sự phát triển của tờ báo. Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo. Sau cùng là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ, niềm say mê và không ngừng sáng tạo của các thế hệ những người làm báo công tác tại Báo Gia Lai.

Với truyền thống vẻ vang ấy, trong thời gian tới, Báo Gia Lai thấy trách nhiệm còn rất nặng nề đối với Đảng, bạn đọc và các thế hệ đi trước, nhất là những hạn chế, tồn tại. Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Gia Lai, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Gia Lai, Báo Gia Lai tự ý thức được trách nhiệm của mình. Để hoàn thành trọng trách đó, Báo Gia Lai không ngừng gương mẫu thực hiện nghiêm Luật Báo chí, chấp hành quy ước đạo đức nhà báo Việt Nam, giữ nghiêm kỷ cương. Tiếp tục hoàn thiện quy chế công tác một cách hệ thống, chặt chẽ và khả thi, theo hướng dành ưu tiên thỏa đáng cho việc nâng cao chất lượng các ấn phẩm cả nội dung và hình thức gắn chặt với chất lượng thông tin, tuyên truyền, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Bùi Tấn Sĩ (Phó Tổng Biên tập)

Có thể bạn quan tâm

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.
Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

Đak Pơ kiên quyết đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm

(GLO)- Dù bãi rác thải cũ của huyện ở thôn 4 (xã An Thành) đã đóng cửa nhưng nhiều người dân vẫn lén lút đổ rác, gây ô nhiễm môi trường. Huyện Đak Pơ chỉ đạo phòng chức năng và các địa phương triển khai các giải pháp ngăn ngừa tình trạng đổ rác trái phép và cải tạo môi trường nơi đây.
Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

Tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản hưởng lương 24-35 triệu đồng/tháng

(GLO)- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai vừa có công văn về phối hợp triển khai kế hoạch tuyển chọn thực tập sinh nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản đợt 2/2024 với mức lương từ 24 đến 35 triệu đồng/tháng theo thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước.