Nông dân Đắk Nông đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không còn phải đem ra chợ, tìm kênh để phân phối, hiện nay, hàng trăm sản phẩm "cây nhà lá vườn" của nông dân Đắk Nông đã rộng mở về đầu ra nhờ được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Nông dân ở Đắk Nông không cần phải ra chợ, ngồi ở nhà, lướt điện thoại là có thể bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: TX
Nông dân ở Đắk Nông không cần phải ra chợ, ngồi ở nhà, lướt điện thoại là có thể bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: TX
Nông dân bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Từ đầu năm 2022 đến nay, rất nhiều nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được các ngành chức năng hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. 
Chỉ riêng Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với 10 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 2 đợt tập huấn hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cho trên 100 nông dân.
Chỉ cần sử dụng điện thoại, ngồi ở nhà nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Sen, ở tổ 3, phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa vẫn có thể cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm tới mọi khách hàng.
Thông tin trên sàn thương mại điện tử của bà Sen cho thấy, các sản phẩm dưa lưới như: Kim Long, Hoàng Long, Kim Hoàng Hậu… được trồng trong nhà kính theo hướng VietGAP. Quy trình chăm sóc, bón phân, tưới nước… được thực hiện theo hình thức nhỏ giọt.
Hiện nay, mỗi tháng, bà Sen đang cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn dưa lưới các loại. Với giá bán dao động từ 45.000-55.000 đồng/kg.
“Trước đây, sản phẩm gia đình làm làm ra chủ yếu bỏ mối cho những cửa hàng hoặc trực tiếp cho các khách quen. Từ khi tham gia sàn thương mại điện tử gia đình chỉ việc thu hái, đóng gói cẩn thận sẽ có nhân viên Bưu điện sẽ tới nhận, vận chuyển giao dịch cho khách hàng. Cách bán hàng như thế này thì đầu ra cũng trở nên rộng mở hơn”- bà Sen khẳng định. 
Tương tự, sau khi được tham gia các lớp tập huấn ông Phạm Xuân Lai, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choáh, ở huyện Krông Nô đã tự tim tìm ra kênh bán hàng mới. 
Ông Lai cho biết, lâu nay, sản phẩm lúa gạo của hợp tác xã chủ yếu tiêu thụ trực tiếp qua các đại lý, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sau khi được Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn, hỗ trợ các kiến thức, đơn vị quyết định thực hiện việc đưa sản phẩm gạo ST25 lên sàn thương mại điện tử.
“Tôi thấy sàn thương mại điện tử là kênh kinh doanh hiện đại, hiệu quả hơn cách tiêu thụ truyền thống trước đây của đơn vị. Hợp tác xã sẽ quyết tâm học tập công nghệ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để thuận lợi hơn về đầu ra về lâu về dài" - ông Lai khẳng định.
Hỗ trợ 630 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, hiện nay, nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về việc tiếp cận công nghệ thông tin, thủ tục chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đưa lên sàn thương mại điện tử.
Do đó, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã và đang tổ chức các đợt tập huấn, hội nghị về chuyển đổi số, về sử dụng sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã ký kết với các công ty tư vấn để hỗ trợ cho nông dân thực hành, sử dụng phần mềm sàn thương mại điện tử một cách thuần thục.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, trong 8 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh tế số trong công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được một số kết quả tích cực.
Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 630 sản phẩm. Trong đó, có 47/47 sản phẩm OCOP và 583 sản phẩm nông nghiệp khác lên sàn thương mại điện tử.
Cũng theo UBND tỉnh Đắk Nông, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 25% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động như: Lazada, Shopee, Sendo, Facebook, Zalo,...
Qua đánh giá, việc UBND tỉnh Đắk Nông hỗ trợ cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của nông dân, doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp các sản phẩm rộng mở về đầu ra, từng bước khẳng định uy tín, chất lượng cho các đặc sản của Đắk Nông.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm