Nữ Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cho đến nay, bà Y Vêng-nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum vẫn là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất của các tỉnh Tây Nguyên đảm nhận cương vị Bí thư Tỉnh ủy. Để được tin tưởng giao trọng trách lớn lao ấy, ít ai biết rằng cô gái dân tộc Xê Đăng sinh ra và lớn lên ở làng Wang Tó heo hút (nay thuộc xã Đak Uy, huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum) đã dấn thân và rèn luyện như thế nào để trưởng thành trên con đường cách mạng.   

Chỉ một con đường

…Lên 7 tuổi, Y Vêng đứng còn thấp hơn gốc cây cụt ngoài rẫy đã được cha giao nhiệm vụ cách mạng. Ông nói thác: “Cha có mấy người bạn ở ngoài rừng, con đưa cơm đến chỗ gốc cây đánh dấu ngoài rẫy rồi để đó, các chú sẽ ra lấy. Chớ có được hở chuyện này ra với ai đấy”. “Sao cha không đưa về nhà ở lại để ngoài rừng, sao lại ngày ngày phải đưa cơm?”-bụng thắc mắc mà không dám hỏi, Y Vêng đành tự nhủ: “Cha sai việc thì làm, miễn bạn cha là người tốt”…

Mãi đến năm đuôi tóc đã chấm ngang lưng, cha mới cho Y Vêng biết sự thật: Đó là cán bộ của Bác Hồ dưới xuôi lên vận động bà con làm cách mạng. “Cách mạng là gì, sao lại phải làm cách mạng? Bác Hồ là ai, có phải Yàng không?”. Nhìn sâu vào đôi mắt mở to háo hức của con gái, người cha mỉm cười: “Biết hỏi chuyện to như vậy là con đã lớn rồi đó. Làm cách mạng là đuổi cái khổ đi để mai mốt được sung sướng. Nhưng muốn nên việc thì phải có người bày đường. Bác Hồ là người chỉ đường cho cả đất nước. Không phải Yàng nhưng Bác thấy hết những điều Yàng không thấy, biết những điều Yàng không biết vì con mắt Bác sáng gộp hết các ông sao…”.

Cố nén hồi hộp, Y Vêng hỏi thêm cha một câu nữa: “Vậy thì con gái có làm cách mạng được không?”. Cha cười: “Thì lâu nay con đã làm cách mạng còn gì. Không cứ cầm súng bắn giặc, làm bất kỳ việc gì giúp ích cho cách mạng là làm cách mạng đó!”.

 Ngày thường thanh thản của bà Y Vêng. Ảnh: N.T
Ngày thường thanh thản của bà Y Vêng. Ảnh: Ngọc Tấn


Vậy là Y Vêng xin ngay vào đội văn nghệ huyện. Gọi “đội” cho oai chứ có mấy anh chị em các xã biết múa hát, biết đánh chiêng, khi nào có lệnh thì tập trung lại biểu diễn. Son phấn thì chẳng ai biết đến đã đành, ăn mặc thì cũng như ngày thường. Để tránh máy bay địch, khi biểu diễn không được đốt lửa. Diễn viên và khán giả không nhìn rõ mặt nhau.

Chuyện rất vui là trong một đêm “biểu diễn” như thế, cha Y Vêng đố mấy chàng lính trẻ ngồi bên: “Con gái tao đang múa trong đám con gái đó. Đứa nào chỉ trúng, tao gả cho”. Chẳng biết trời xui thế nào mà anh chàng Đinh Điều lại chỉ trúng. Ngỡ là chuyện đùa lại hóa thật: 7 năm sau lễ cưới được tổ chức đúng ngày 8-3, lúc Y Vêng tròn 20 tuổi.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, nhất là quãng thời gian từ năm 1967 trở đi. Địch càn quét liên miên. Bom đạn, chất độc hóa học mù trời. Cả huyện Đak Tô khi ấy chỉ vỏn vẹn 4.000 dân phải chống lại cả guồng máy chiến tranh hùng hậu của địch.

Lúc này, Y Vêng đã trưởng thành. 17 tuổi, cô đã là Xã đội phó, trực tiếp chỉ huy tiểu đội du kích nữ. Trận đụng độ đầu tiên với Mỹ-ngụy ở đồi Ngok La đã in dấu chiến công của người con gái tuổi trẻ ngoan cường. Hôm đó, địch đổ khoảng 2 đại đội đánh vào hậu cứ. Dù chỉ có 10 chị em vũ trang bằng súng trường nhưng Y Vêng và tiểu đội vẫn quyết chiến.

Trận đánh bắt đầu từ lúc 16 giờ. Ỷ vào số đông, địch vây ép quyết liệt, xả đạn như mưa bấc. Y Vêng bình tĩnh chỉ huy tiểu đội dựa vào địa hình, thoắt ẩn thoắt hiện khiến chúng không thể nào phát huy được sức mạnh hỏa lực. Sau hơn 8 giờ “ú tìm” không thu được kết quả, địch rã rời phải co cụm lại. Đoán trước điều này, Y Vêng chỉ huy tiểu đội bám trụ lại chờ sẵn. Mờ sáng hôm sau, ngỡ du kích đã rút, chúng mò ra nhặt xác đồng bọn thì rơi vào trận địa phục kích. Quá hoảng loạn, quân địch phải gọi trực thăng đến ứng cứu. Quần đảo đến giữa trưa, biết không thể nào khuất phục nổi các cô gái gan góc, chúng đành phải tháo lui, bỏ lại trận địa hàng chục xác chết.

Chỉ huy du kích đánh hàng chục trận, trong đó có 5 trận ác liệt tương tự Ngok La, cho đến bây giờ Y Vêng vẫn không thể cắt nghĩa sức mạnh nào đã giúp mình vượt qua bao thử thách, gian khổ đến ngặt nghèo: Ngày lo đánh giặc, đêm về lại cùng bà con ra rẫy. Máy bay địch soi mói từng hốc cây ngọn lá, phải tận dụng từng đêm trăng, từng ánh đuốc le lói để sản xuất.

Y Vêng cũng như bao chị em lưng cõng con, tay cầm cuốc. Hạt lúa làm ra nhuốm cả mồ hôi và máu nhưng cũng chỉ để lại đủ giống cho mùa sau, còn thì dành hết nuôi cán bộ, bộ đội. Không kể những ngày giáp hạt, vào mùa cũng hiếm hoi mới được bữa cơm lại phải nhường người già, trẻ nhỏ. Các chị may lắm chỉ được chia phần miếng cháy. Ngày tiếp ngày, cứ rau rừng, củ mì, cả những thứ đắng ngắt ngơ vì chất độc hóa học cũng phải cố nuốt để tồn tại mà đánh giặc.

Chính trong những năm tháng gian khổ ác liệt không kể xiết ấy, Y Vêng đã phải hứng chịu nỗi mất mát lớn nhất đời mình: Đứa con đầu lòng mới đầy tuổi đã chết vì sốt ác tính không thuốc chữa. Cháu chết mà chưa một lần được thấy mặt cha…

Trận chiến giữa thời bình

Để được giao trọng trách Chủ tịch UBND tỉnh rồi Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, con đường phấn đấu của Y Vêng cũng gian khổ không kém thời đánh giặc. Ngày tham gia cách mạng, Y Vêng tiếng phổ thông còn bập bẹ không thể hình dung được trên đời này lại có trường học, có thầy giáo; chỉ khi thoát ly rồi mới được các chú chỉ cho những chữ cái đầu đời. Nhưng chiến tranh ác liệt, sống chết cận kề, chữ vào tai này lại ra tai kia, cho đến năm 1969, Y Vêng chỉ mới bập bẹ trình độ lớp 3.

Mãi đến khi giải phóng mới thực sự gọi là đi học. Ai cũng biết những năm bao cấp khó khăn, thiếu thốn đủ bề, chồng cứ biền biệt hết truy quét FULRO lại sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Một nách 2 con, có chút thời gian để học đã khó, dung nạp được kiến thức lại càng khó hơn. Không ít lần Y Vêng nản lòng tự nhủ: Chắc là phải xin nghỉ, bao nhiêu năm chiến tranh vào chết ra sống, cống hiến thế cũng đủ; giờ là lúc phải nghĩ đến gia đình.

Nhưng rồi cứ nghĩ đến cuộc sống của bà con còn bao nhiêu khổ cực, Y Vêng lại động viên mình ráng học. “Bây giờ không là thời chiến tranh, phải có trình độ học vấn, có kiến thức toàn diện thì người cán bộ mới làm được việc có ích cho dân”. Với quyết tâm ấy, Y Vêng đã hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông, chương trình đại học và cao cấp lý luận chính trị. Năm 1991, Gia Lai-Kon Tum chia tách, bà được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh rồi lần lượt kinh qua các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy rồi Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Kon Tum các khóa XI, XII cho đến lúc nghỉ hưu, trong đó có 1 nhiệm kỳ là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh.

Bà tâm sự: “Thực tình mà nói, chưa bao giờ mình nghĩ sẽ có lúc đảm nhận những trọng trách lớn lao này. Kon Tum là tỉnh nghèo, kinh tế-xã hội chậm phát triển, lại mới được tái lập, biết bao công việc bộn bề. Những ngày mới nhận bàn giao vị trí lãnh đạo tỉnh, mình gần như không đêm nào được yên giấc; cố gắng sắp xếp việc gia đình thật gọn để làm thêm ngoài giờ mà vẫn không xuể việc. Bây giờ nghĩ lại cũng tự ngạc nhiên với sức làm việc của mình. Có lẽ bài học biết dựa vào dân, dựa vào đồng chí thời chiến tranh đã ngấm vào máu thịt một cách tự nhiên mới có thể giúp mình hoàn thành nổi công việc khó khăn nhất trong cuộc đời như thế”.

Y Vêng sinh năm 1950, tuổi Canh Dần. Cứ theo quan niệm xưa thì phụ nữ tuổi ấy là long đong vất vả. Tôi nghĩ đến những người phụ nữ cùng thời như: Siu HNoanh, Kpă Ó… Có thể nói, đấy là một thế hệ “phụ nữ vàng”. Họ đã lập nên những chiến công vinh quang nhưng cũng nếm trải bao mất mát. Chẳng phải số mệnh nào, chỉ là bởi các chị đã dấn thân hết mình cho con đường cách mạng.

Riêng Y Vêng lại một thời đứng trên trận tuyến thời bình. Dẫu sao thì cuối cùng bà cũng đã có những tháng năm hạnh phúc của tuổi già. Hai con của bà học hành đến nơi đến chốn và đã trưởng thành, tự đứng vững trên đôi chân của chính mình. Công tư song toàn, bà Y Vêng trở thành người phụ nữ có một không hai của Tây Nguyên là thế!

NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm