Dân và doanh nghiệp tranh chấp đất vì mỏ than bùn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoảng 10ha đất ở Bàu Hai (khoảnh 5, tiểu khu 1096, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) là khu vực đầm lầy, nhưng giữa người dân và doanh nghiệp liên tục xảy tranh chấp, thậm chí xô xát vì dưới mặt đất có mỏ than bùn.
Khu đất có  mỏ than bùn đang bị tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân
Khu đất có mỏ than bùn đang bị tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân
Dân cần đất, doanh nghiệp thích than bùn
Khu vực 10ha đất ở Bàu Hai nằm trong tổng diện tích gần 1.300ha đất lâm nghiệp được Nhà nước thu hồi giao cho UBND huyện Đắk Mil quản lý, sử dụng vào tháng 10/2008. Ngày 25/1/2009, UBND xã Thuận An (huyện Đắk Mil) tổng hợp kết quả xét duyệt, có 591 hộ dân đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Trong số này, có nhóm hộ do ông Nguyễn Viết Luận (ở thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil) và ông Trần Thanh Hùng (ở xã Đức Minh, huyện Đắk Mil) làm đại diện.
Khoảnh 5, tiểu khu 1.096, xã Thuận An hiện nay không còn là bạt ngàn cây rừng như xưa mà thay vào đó là những vườn cà phê, hồ tiêu phủ kín. Hiện khu vực sình lầy đã được cải tạo để trồng hồ tiêu, cà phê. Thế nhưng, chính những con mương nhỏ với màu nước bùn đen kịt chảy quanh các quả đồi (trong đó chứa than bùn là nguyên liệu làm phân vi sinh - PV) mới là thứ dẫn đến mọi tranh chấp triền miên trong 10 năm qua.
Ông Nguyễn Viết Luận kể: Những năm 1992-1993, họ đến Bàu Hai để khai hoang, trồng hoa màu, cà phê. Khi nhà nước có chủ trương “hợp thức hóa” đất có nguồn gốc lấn chiếm vào năm 2008, các hộ dân đi đăng ký và đến năm 2009 thì đủ điều kiện nằm trong danh sách được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên trên thực tế, mảnh đất có trữ lượng than bùn lại được cấp sổ đỏ cho người khác.
Theo ông Luận, trong thời gian này, Cty CP Thiên Tân (huyện Đắk Mil) tự ý đến san ủi, múc than bùn tại khu vực này. “Cty Thuận Tân vừa rút thì ông Trần Thanh Hùng (chủ một doanh nghiệp tại địa phương và đại diện cho hai hộ dân khác - PV) đến tranh chấp. Ông Hùng nói nhóm của ông có sổ đỏ khoảnh đất dọc theo con mương nên tổ chức lực lượng gồm máy móc, con người vào nhổ bỏ cây trồng của chúng tôi. Chúng tôi nhiều lần làm đơn đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm và luôn lo lắng cây trồng bị phá hoại”, ông Luận nói.
Trong khi đó, bà Trần Thị Thúy Vân (vợ ông Hùng, người được chồng và hai hộ khác ủy quyền) lại khẳng định nhóm hộ của bà được cấp sổ đỏ hoàn toàn hợp pháp. Kết luận Thanh tra huyện Đắk Mil năm 2013 cho biết: Năm 1999, ông Đỗ Viết Đàn (cán bộ kỹ thuật Cty Lâm nghiệp Đắk Song) lập hợp đồng cùng canh tác hoa màu trên diện tích hơn 73.400m2 với ông Hùng, nhưng đến năm 2003 thì dừng lại. Đến ngày 5/2/2008, ông Đàn tiếp tục lập hồ sơ giao khoán cho vợ chồng ông Hùng cải tạo 8,2ha đất sình lầy tại khu vực Bàu Hai này. Để có vốn làm dự án, ông Hùng huy động thêm hai người khác cùng đứng tên làm sổ đỏ.
Bà Vân lý giải, nếu không phải là chủ sở hữu của diện tích đất trên, thì tại sao vào năm 2008, Cty CP Thiên Tân lại làm đơn khiếu nại việc gia đình bà lấn chiếm đất dự án của doanh nghiệp này? Còn theo kết luận thanh tra huyện, diện tích nhóm hộ của bà Vân đang quản lý, được cấp sổ đỏ không nằm trong diện tích mà Cty CP Thiên Tân được cho thuê khai thác than bùn rộng hơn 4,2ha, tổng trữ lượng hơn 235.000 m3, khai thác trong hơn 23 năm, kể từ năm 2011.
Cấp sổ đỏ sai, chờ tòa giải quyết?
Ông Phạm Lý Thống - Chánh thanh tra huyện Đắk Mil khẳng định: Việc cấp sổ đỏ cho nhóm hộ ông Trần Thanh Hùng có nhiều sai sót của cơ quan chức năng huyện. Theo đó, hội đồng xét duyệt hồ sơ xin cấp sổ đỏ chưa kiểm tra, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc nhiều hộ dân kê khai không đúng, chưa đầy đủ nguồn gốc, thời điểm, mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, trong danh sách phê duyệt ban đầu về các hộ đủ điều kiện cấp sổ đỏ không có tên hộ ông Hùng. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển hồ sơ, chuyển thông tin địa chính, trao sổ đỏ cho ba hộ dân (nhóm hộ ông Hùng) có những khuyết điểm, thiếu sót vi phạm về thủ tục hành chính nhưng chưa đến mức phải ban hành quyết định thu hồi sổ đỏ của họ (!?).
“Trên đất này hiện đã trồng cây công nghiệp lâu năm và thu hoạch ổn định nhiều năm. Vì tranh chấp quyền sử dụng trên đất có tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, nên chúng tôi nhiều lần hướng dẫn các bên giải quyết các tranh chấp tại tòa án để được phân xử. Tòa án ra quyết định như thế nào thì huyện sẽ chấp hành thế đó, đồng thời sẽ xử lý các cá nhân, tập thể liên quan đến việc cấp sổ đỏ sai này”, ông Thống cho hay.

Hội đồng xét duyệt hồ sơ xin cấp sổ đỏ chưa kiểm tra, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc nhiều hộ dân kê khai không đúng, chưa đầy đủ nguồn gốc, thời điểm, mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, trong danh sách phê duyệt ban đầu về các hộ đủ điều kiện cấp sổ đỏ không có tên hộ ông Hùng.

Ông Phạm Lý Thống - Chánh thanh tra huyện Đắk Mil
Công Hoan (TP)

Có thể bạn quan tâm