Ấm no nhờ trái sầu riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đạ Huoai là một huyện nằm ở phía tây nam của tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây được ví như thủ phủ của cây sầu riêng vùng Tây Nguyên, với các loại sầu riêng ngon nổi tiếng đã được cấp chứng nhận thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”. 
Sầu riêng mang lại thu nhập cho người dân Đạ Huoai.
Sầu riêng mang lại thu nhập cho người dân Đạ Huoai.
Đạ Huoai là nơi nhiều dân tộc sinh sống đan xen với nhau, đông nhất là người Mạ với gần 54%, kế đến là người K’Ho, gần 29%, còn lại là các dân tộc khác như: Tày, Chứt, Dao, Sán Chay... 
Đạ Huoai nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhưng khí hậu cao thấp có nét đặc trưng riêng của một trong ba huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng. Trên địa bàn huyện có hai sông lớn chảy qua là sông Đạ Huoai và sông Đạ Mri vào mùa khô có thể thuận tiện cho việc giao thông qua lại nhưng vào mùa mưa do lưu lượng nước chảy qua nhiều nên giao thông qua lại gặp nhiều khó khăn. Đất đai phần nhiều là đất feralít vàng đến vàng nhạt phát triển trên đá mẹ Granít, ít đất bồi tụ ven sông suối, độ phì của đất thuộc dạng khá nên thích hợp cho việc trồng rừng.
Những đặc điểm này đã phần nào gây khó khăn cho bà con trong việc canh tác các loại cây trồng. Sau nhiều thử nghiệm với các lọa cây như tiêu, điều, cà phê, dâu, mía, cao su, bà con nhận ra một số loại cây trồng bị sâu bệnh không thể phục hồi, hoặc do hiệu quả kinh tế quá thấp, nên gần đây đã chuyển sang trồng loại cây đã được cấp chứng nhận thương hiệu của vùng đất này. Trong đó, sự chuyển đổi đáng kể là trồng sầu riêng.
Cụ thể, đã có hàng trăm hộ nông dân ở các xã Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ P’Loa, Đạ Oai… chuyển đổi các loại cây trồng có năng suất thấp, sang trồng cây sầu riêng, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Dần, ở thôn 3, xã Đạ Oai là một trong những người đi tiên phong trong chuyển đổi cây trồng.
Ông Dần cho biết, trước kia gia đình ông trồng 8.300m2 đất mía, mặc dù công sức bỏ ra nhiều, nhưng cả năm chỉ thu hoạch được khoảng 20 triệu đồng. Nhận thấy cây sầu riêng phù hợp với khí hậu ở đây,  nên ông đã vay mượn để chuyển qua trồng loại cây sầu riêng.
Sau 5 năm chăm sóc, diện tích sầu riêng của ông đã bắt đầu cho thu bói với sản lượng tăng lên dần mỗi năm. Đơn cử như năm 2015 gia đình ông chỉ thu được 300kg trái, nhưng năm 2017 đã tăng lên được 12 tấn.Với giá sầu riêng dao động khoảng 45.000 đồng/kg, gia đình ông thu về trên 500 triệu đồng. 
Đại diện UBND xã Đạ Oai cho hay, hiện nay các hộ dân thực hiện chuyển đổi cây trồng đều khá thành công. Trước đây, xã có trên 100 ha trồng mía nhưng đến nay chỉ còn khoảng 15 ha, con số này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy canh tác của người dân. Cây gì có năng suất thấp cần loại bỏ nhanh chóng, thay vào đó là cây có giá trị kinh tế cao, hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn.
Trong 3 năm qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân 60% chi phí giống cây trồng khi chuyển qua trồng sầu riêng. Năm 2018, người dân tự mua giống, trồng cây sống rồi chính quyền tới nghiệm thu sau đó hỗ trợ bằng tiền cũng với tỉ lệ 60%.
Thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) công nhận vào năm 2016. Tới năm 2017, đã có 15 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”. Chỉ tính riêng năm 2017, sản lượng sầu riêng của địa phương này đạt trên 10.000 tấn. Nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng có thu nhập từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng/năm.
    Quốc Hưng (Đại doàn kết)

Có thể bạn quan tâm