Đi về phía mặt trời... (Kỳ 1: Luồng gió độc mang tên 'đạo Hà Mòn')

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Núi Ktiêng (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, Gia Lai) được ví như cổng trời nơi đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Cách đây gần 10 năm, Ktiêng bị phủ kín bởi một 'luồng gió độc' càn quét mang tên 'đạo Hà Mòn'. Luồng gió độc ấy đã biến cuộc sống bình yên của đồng bào Bahnar nơi đây rơi vào vòng xoáy của sự bế tắc, mất phương hướng. Một thời tăm tối đã qua, giờ đây Ktiêng đã khác, cuộc sống của đồng bào Bahnar đã khởi sắc, chấm dứt chặng đường mê muội khi họ bước chân 'đi về phía mặt trời'...

 

Một góc bình yên tại làng Kret Krót - nơi từng được người dân lập chốt, đặt barie để ngăn cản người lạ, cán bộ vào làng.
Một góc bình yên tại làng Kret Krót - nơi từng được người dân lập chốt, đặt barie để ngăn cản người lạ, cán bộ vào làng.



Cuối tháng 5, Tây Nguyên đón chúng tôi bằng những cơn mưa giông bất chợt, xua tan cái oi nồng, bức bối của những ngày đầu hạ. Từ thành phố Pleiku, chúng tôi đến trung tâm huyện Mang Yang, cách chừng hơn 40 cây số trong sự háo hức, phấn chấn khó tả. Đón chúng tôi, Trung tá Trần Quang Thống, Phó Trưởng CAH Mang Yang hồ hởi, đùa rằng "chờ anh em ở thành phố biển lên rừng mà lâu quá"!. Sau cái tay bắt mặt mừng như chào đón người thân ở xa lâu ngày trở lại, Trung tá Thống hơi trầm tư khi chúng tôi đề cập đến câu chuyện ở Ktiêng gần 10 năm trước...

Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, trên mảnh đất Tây Nguyên, đúng hơn là mảnh đất Mang Yang này, cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào Ba Na tuy chưa khấm khá về vật chất nhưng bình yên, đầm ấm. Thế nhưng, cuộc sống yên bình ấy bỗng chốc bị cuốn phăng, đảo lộn bởi một "luồng gió độc" mang tên "đạo Hà Mòn" ập đến. Và người mang "luồng gió độc" ấy đến với bà con là Y Gyin (1942, dân tộc Rơ Ngao, trú làng Kơ Tu, xã Hà Mòn, H. Đak Hà, Kon Tum), là người chuyên hành nghề thầy cúng, thầy mo. Vào khoảng cuối năm 1999, Y Gyin tự tung tin đã nhìn thấy "Đức Mẹ Maria hiện hình" và được lựa chọn làm "sứ điệp" để phán truyền cho loài người. Từ đó, Y Gyin cùng một số đối tượng khác được sự hà hơi, tiếp sức của bọn phản động FULRO lưu vong đã tung ra các luận điệu bịa đặt, phản động như người nào đi theo "bước chân của Đức Mẹ hiện hình" thì không phải lao động vẫn sung sướng, ốm đau không chữa cũng khỏi, vay vốn ngân hàng sẽ được xóa nợ... Xuất phát từ xã Hà Mòn, chỉ thời gian ngắn sau đó, tà đạo này đã lan sang các địa phương khác trong tỉnh Kon Tum, Gia Lai và một số tỉnh khác ở Tây Nguyên.

Trung tá Thống nhớ lại, "tà đạo Hà Mòn" xuất hiện trên địa bàn Mang Yang vào năm 2007. Lúc ấy, khi chưa bị các đối tượng phản động FULRO lợi dụng, cũng chỉ là một hiện tượng tín ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, đến năm 2008, khi tình hình FULRO trên địa bàn cơ bản được giải quyết, các đối tượng phản động Fulro bên ngoài không còn chỗ dựa, không còn cơ sở bên trong để tuyên truyền, lôi kéo nữa nên đã lợi dụng "đạo Hà Mòn" để xâm nhập, thiết lập cơ sở mới. Đến cuối năm 2009, "tà đạo" này đã xâm nhập vào các làng, xã đồng bào dân tộc Ba Na ở Mang Yang, Đak Đoa, Đak Pơ (Gia Lai). Với chiêu trò lừa bịp, phỉnh dụ vô căn cứ như đã nói ở trên, nhiều người dân Ba Na đã bỏ làng, bỏ nương rẫy, gia đình, thậm chí nhiều học sinh bỏ học để đi theo cái gọi là "đạo Hà Mòn". Như một "luồng gió độc," tà đạo này nhanh chóng lôi kéo được hàng ngàn người bỏ tôn giáo cũ, bỏ lao động sản xuất, thường xuyên tụ tập, cầu nguyện. Nghiêm trọng hơn, tại một số làng của đồng bào Ba Na, nhiều thanh niên ngang nhiên lập chốt, dựng barie canh gác, ngăn cản cán bộ, người lạ vào làng; đồng thời tổ chức học võ, chuẩn bị cung nỏ, hung khí để chống đối và tỏ thái độ thách thức, bất hợp tác với chính quyền.


 

 Giáo mác, cung nỏ... được một số phần tử phản động chuẩn bị để chống đối, gây rối tình hình ANCT, TTATXH.
Giáo mác, cung nỏ... được một số phần tử phản động chuẩn bị để chống đối, gây rối tình hình ANCT, TTATXH.



"Với luận điệu lừa gạt, rằng Tây Nguyên sắp được giải phóng, nhà nước riêng cho người dân tộc thiểu số sẽ được thành lập, khi đó mọi người sẽ được sung sướng, có nhiều đất đai, có chức vụ trong nhà nước riêng..., tà đạo này khiến tình hình ANTT địa bàn hết sức phức tạp, nguy cơ trở thành điểm nóng", Trung tá Thống nhớ lại. Khi ấy, ở hai huyện Mang Yang và Đắc Pơ, số lượng người tham gia và số cầm đầu, cốt cán đông, trong đó có cả một số cán bộ cơ sở làm cho hệ thống chính trị tại đây hoạt động kém hiệu quả, thậm chí tê liệt. Công tác tổ chức vận động, tuyên truyền không mang lại hiệu quả, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của địa phương tại các địa bàn này gặp nhiều khó khăn.

Cuộc sống bình yên của người dân Tây Nguyên bấy lâu bỗng đình trệ bởi bị bao phủ bởi luồng gió độc tà đạo. Chính quyền và ngành chức năng đã vào cuộc nhưng diễn biến tình hình mỗi lúc một phức tạp. Những dấu hiệu bất thường cần được lý giải, hàng loạt câu hỏi cần được giải đáp nhằm vạch trần bản chất của cái gọi là "Đức Mẹ hiện hình"! "Những năm 2010-2011, tình hình ANTT trên địa bàn huyện rơi vào tình trạng khó kiểm soát. Bọn phản động FULRO lưu vong đã lợi dụng tà đạo Hà Mòn để tuyên truyền, lôi kéo, kích động, o ép nhân dân và cán bộ cơ sở với mục đích thành lập tổ chức chống đối chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Đáng ngại hơn, không chỉ nổi lên ở Mang Yang, vòi bạch tuộc của tà đạo này đã được các đối tượng phản động vươn ra hàng loạt làng, xã các địa phương lân cận. Trước tình hình đó, giải pháp tối ưu nhất là phải bắt được các đối tượng cầm đầu, cốt cán, hoạt động tích cực để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của bọn chúng; đồng thời vận động nhân dân ổn định tình hình ANCT, TTATXH trên địa bàn", Trung tá Thống cho biết.

Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền, CA tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, CAH Mang Yang vào cuộc điều tra. Từ các tài liệu thu thập ban đầu, màn đêm phủ bóng các buôn làng dưới tên gọi "đạo Hà Mòn" cũng dần được vén lên. Cơ quan điều tra xác định, cái gọi là "đạo Hà Mòn" ở Tây Nguyên thực chất không phải là một tôn giáo mà là một hoạt động phi pháp, lừa mị, lôi kéo một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhằm chống đối chính quyền, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định ANTT địa phương. Núp bóng dưới cái tên "đạo Hà Mòn" chính là hoạt động của tổ chức phản động FULRO lưu vong. Tuy nhiên để thức tỉnh người dân, cần phải truy bắt được những kẻ cầm đầu để vạch mặt hành vi lừa đảo của chúng.

"Với tinh thần ấy, lãnh đạo Bộ Công an, CA tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo bằng mọi giá phải nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, qua đó có giải pháp đấu tranh quyết liệt với các hoạt động mà FULRO kích động, lôi kéo đồng bào", Trung tá Thống cho hay.

Nhóm P.V xã hội (CAĐN)

Có thể bạn quan tâm