"Hiệp sĩ" hiến máu cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với 24 lần tham gia hiến máu cứu người, anh Nguyễn Văn Thành (tổ 9, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh.

Hạnh phúc vì giọt máu cho đi

Là Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, công việc chiếm nhiều thời gian nhưng anh Nguyễn Văn Thành vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện, đặc biệt là các đợt hiến máu cứu người.

 

Anh Nguyễn Văn Thành. Ảnh: Đ.Y
Anh Nguyễn Văn Thành. Ảnh: Đ.Y

Trả lời câu hỏi “Động lực nào khiến anh tham gia hiến máu nhiều như thế?”, anh Thành bộc bạch: “Mỗi lần hiến máu, tôi rất vui vì đã làm được việc có ý nghĩa, bởi “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Việc làm nhỏ bé của mình góp phần lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện, vậy tại sao lại không tham gia”.  Tìm hiểu thêm thì được biết, anh Thành gắn bó với phong trào hiến máu tình nguyện từ năm 1999, khi còn là sinh viên năm nhất Trường Đại học Bưu chính Viễn thông TP. Hồ Chí Minh. “Hồi đó, Đoàn trường tổ chức đợt hiến máu tình nguyện nào tôi cũng đều đăng ký tham gia. Lần đầu hiến máu, tôi cũng hồi hộp và rất lo lắng, nhưng nghĩ những bệnh nhân nghèo đang cần những giọt máu của mình nên tôi có động lực, can đảm để hiến máu”-anh Thành kể.

Sau lần hiến máu đầu tiên, nhận thấy việc làm của mình có ý nghĩa, từ đó mỗi năm anh đều tham gia hiến máu 2-3 lần. Ra trường và trở về Gia Lai năm 2003, anh Thành tiếp tục tham gia các đợt hiến máu. Hiện anh là hội viên của 2 Câu lạc bộ “Giọt hồng Pleiku” và “Máu nóng Gia Lai”, đồng thời là tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.

Hiến máu trong đêm

Ý nghĩa lớn lao nhất của việc hiến máu là cứu người. Vì vậy, việc hiến được nhiều lần hay ít không quan trọng mà điều anh Thành quan tâm nhất là những giọt máu cho đi cứu sống con người như thế nào. Anh Thành tâm sự: “Tôi nghĩ đến những trường hợp không may bị tai nạn, bệnh tật cần máu để cấp cứu nên tham gia Câu lạc bộ “Máu nóng Gia Lai”, khi có bệnh nhân cần máu, gọi điện là tôi có mặt ngay để hiến máu sống”.

Mới đây nhất, vào khoảng 10 giờ đêm cuối tháng 2-2018, anh Thành nhận được điện thoại từ Câu lạc bộ “Máu nóng Gia Lai” báo có người bị xuất huyết giảm tiểu cầu cần truyền máu. Không quản ngại khó khăn, anh vượt hơn 5 km từ nhà đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để kịp thời hiến máu cứu người. Trong 24 lần tham gia hiến máu, anh Thành đã nhiều lần tham gia hiến máu khẩn cấp, những giọt máu của anh đã mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn...

Ngoài việc tham gia hiến máu cứu người, anh Thành còn thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, như: nấu cháo tặng người nghèo, xây nhà tình thương, tặng quà cho những mảnh đời khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. “Đó chỉ là những việc làm nhỏ thôi. Chỉ mong không bệnh nhân nghèo nào vì thiếu máu điều trị mà phải từ bỏ cuộc sống”-anh Thành chia sẻ thêm.

Với nghĩa cử ấy, năm 2012, anh Thành được UBND tỉnh tuyên dương Hiệp sĩ hiến máu; năm 2015, anh được tặng kỷ niệm chương tại lễ tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu Việt Nam. 

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.