Tưng bừng Hội đua thuyền độc mộc trên sông Đak Bla

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 19-2, tức mùng 4 Tết Mậu Tuất 2018, trên dòng sông chảy ngược Đak Bla (TP. Kon Tum), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã tổ chức giải đua thuyền độc mộc truyền thống mừng Đảng, mừng Xuân.

Ngay từ sáng sớm, các đoàn vận động viên cùng đông đảo khán giả đã tập trung về bên bờ sông Đak Bla sẵn sàng cho ngày hội. Tham dự giải đua thuyền độc mộc năm nay có 84 vận động viên đến từ 7 xã, phường ven sông Đak Bla thuộc TP. Kon Tum và huyện Sa Thầy. Các vận động viên tham gia đua tài ở các cự ly 100 m đơn, 200 m đôi và 1.500 m đôi.

 

Hội đua thuyền độc mộc là dịp để các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Kon Tum giao lưu, học hỏi, phát huy nét đẹp truyền thống.                                                Ảnh: P.L
Hội đua thuyền độc mộc là dịp để các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Kon Tum giao lưu, học hỏi, phát huy nét đẹp truyền thống. Ảnh: P.L

Sau tiếng trống khai hội rộn rã, các chàng trai Bahnar, Jrai, Xê Đăng... cùng nhau tranh tài sôi nổi trên từng chặng đua. Từng chiếc thuyền độc mộc lướt nhanh trên mặt sông trong sự cổ vũ, reo hò của hàng trăm người dân đứng 2 bên bờ. Lâu nay, đua thuyền độc mộc đã trở thành ngày hội truyền thống của các dân tộc sinh sống dọc theo bờ sông Đak Bla. Không chỉ chuyên dùng để di chuyển và chở nông sản trên sông nước, thuyền độc mộc còn được các chàng trai dùng để tranh tài cao thấp, thể hiện sự khéo léo, dẻo dai.

Anh Nim (làng Kon Ngok Lah, xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum) cho biết đã 4 lần tham gia đua thuyền. Hầu như năm nào anh cũng đạt giải cao ở các nội dung. Anh chia sẻ: “Thuyền độc mộc có bề ngang rất nhỏ, chỉ khoảng 40-50 cm trong khi phần thân lại dài khoảng 4-5 m. Khi di chuyển dưới nước, nếu người chèo không khéo léo, thuyền sẽ rất dễ bị lật. Không chỉ vậy, nếu chèo không đều tay, thuyền sẽ không lướt nhanh, không giữ được thăng bằng mà cứ xoay vòng vòng, dễ bị vào nước và chìm. Vì thế, khi cùng nhau chèo thuyền độc mộc, 2 vận động viên phải rất kỹ thuật và phối hợp ăn ý mới có thể đưa thuyền đi đúng hướng”.

Đây cũng là lần thứ 10 anh Krái (làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) tham gia hội đua thuyền độc mộc. Trong cự ly 1.500 m đôi, thuyền của anh và đồng đội đã xuất sắc về đích thứ 3. Anh Krái chia sẻ: “Mình rất vui khi tham gia hội thi đua thuyền độc mộc này. Mặc dù bây giờ các gia đình trong làng không còn sử dụng thuyền độc mộc thường xuyên nữa nhưng đây vẫn là một nét đẹp cần được lưu giữ. Tham gia hội thi còn giúp mình có cơ hội thể hiện sự khéo léo, khỏe mạnh, đoàn kết hơn với mọi người và kết bạn được với nhiều người thuộc các dân tộc khác trong tỉnh”.

 

Kết thúc hội thi, đoàn vận động viên của xã Kroong (TP. Kon Tum) giành giải nhất toàn đoàn, xã Đak Rơ Wa (TP. Kon Tum) giành giải nhì và xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) giành giải ba.

Ông Nguyễn Xuân Truyền-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết: “Hội đua thuyền độc mộc truyền thống được tổ chức hàng năm luôn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia cổ vũ, là hoạt động không thể thiếu trong những ngày Xuân ở Kon Tum. Dịp Tết năm nay, Hội đua thuyền độc mộc còn được tổ chức trên sông Pô Kô (huyện Sa Thầy) vào ngày 21-2 (tức mùng 6 tháng Giêng) và tại đập Mùa Xuân (huyện Đak Hà) vào ngày 25-2 (tức mùng 10 tháng Giêng). Đây là một hoạt động ý nghĩa nhằm lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống tại địa phương, đồng thời là một thông điệp gửi đến bạn bè trong nước và quốc tế về truyền thống văn hóa các dân tộc trên mảnh đất Kon Tum”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm