Ngôi làng "giữ lửa" tiếng cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khơi dậy tình yêu, niềm đam mê đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ để những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một đó là cách làm hiệu quả mà nhiều năm qua một số người cao tuổi, già làng, nghệ nhân có tâm huyết ở làng O Bung, xã Ia Ko (huyện Chư Sê, Gia Lai) đã giúp cho nhiều thanh niên có điều kiện để tìm hiểu và học cách đánh cồng chiêng. Nhờ thế mà một số người đã sử dụng thành thạo nhiều bài chiêng cổ do tổ tiên để lại.

 Ông Kpuih Thun (giữa) người cả cuộc đời gắn bó với công tác bảo tồn và truyền dạy cồng chiêng được dân làng yêu quý. Ảnh: Huy Hoàng
Ông Kpuih Thun (giữa) người cả cuộc đời gắn bó với công tác bảo tồn và truyền dạy cồng chiêng được dân làng yêu quý. Ảnh: Huy Hoàng

Không khí Tết cổ truyền của dân tộc trần ngập đất trời, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình ông Kpuih Thun, làng O Bung, người được cả dân làng yêu mến và dành cho ông nhiều lời khen ngợi, bởi ông có nhiều đóng góp trong việc khơi gợi và truyền cảm hứng tình yêu văn hóa cồng chiêng cho con cháu trong làng. Qua trò chuyện được biết, hiện nay ông còn lưu giữ 2 bộ chiêng quý để phục vụ cho gia đình và cho bà con trong làng mượn sử dụng mỗi khi có lễ hội như: lễ bỏ mã, lễ mừng lúa mới, đám ma, lễ đâm trâu….

Ông Kpuih Thun cho biết: “Trong khi một số hộ dân trong làng vì cuộc sống khó khăn thiếu thốn, họ đã bán đi bộ chiêng của gia đình mình nhưng đối với tôi thì việc gìn giữ tiếng cồng, tiếng chiêng của dân tộc lúc nào cũng được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ nếu cồng chiêng bị mai một sẽ làm cho thế hệ trẻ lớn lên không có một sự hiểu biết gì nét văn hóa của dân tộc. Muốn học đánh cồng chiêng hay thì người học phải có một cảm nhận về âm nhạc, khi đánh phải nhớ từng nhịp thì tiếng chiêng sẽ hay”.

Theo anh Siu Peo, làng O Bung người có 17 năm kinh nghiệm trong việc sáng tác, truyền dạy tình yêu văn hóa cồng chiêng cho các bạn trẻ cho hay: “Nếu như trước đây cứ mỗi khi trong làng có lễ hội gì thường chỉ có những người già tham gia tập luyện, còn các bạn trẻ hầu như họ không mặn mà lắm với loại hình nhạc cụ này. Với bản thân anhthì ngay từ lúc còn nhỏ lúc nào trong làng tổ chức đánh chiêng anh thường tham gia tập luyện và dần dần đánh được rất nhiều bài chiêng cổ của dân tộc. Để giúp cho các bạn thanh niên tham gia tìm hiểu và tập luyện đánh cồng chiêng, anh Peo đã tựmày mò trong việc sử dụng bộ cồng chiêngtreo gồm 24 cái, tìm hiểu chức năng từng cái chiêng để cùng với một số thanh niên trong làng tập đánh theo nhịp của từng bài hát về các thể loại nhạc mà người già, giới trẻ đang yêu thích. Nhờ cách làm táo bạo của anh nên thời gian qua phong trào học đánh cồng chiêng ở làng O Bung được các bạn thanh niên trai, gái tham gia rất đông đủ và hưởng ứng nhiệt tình.

Anh Peo cho biết: “Sử dụng cồng chiêng đánh về các bài hát truyền thống của dân tộc rất dễ nhưng đối với việc sử dụng bộ cồng chiêng 24 chiếc kèm theo trống đánh theo nhịp của từng bài hát theo nhạc hiện đạithì rất khó. Lúc đầu tập luyện mình nghĩ chắc khó thành công, nhưng nhờ cố gắng và có nhiều đam mê nên các thành viên trong đội chiêng đã hòa nhập rất nhanh. Trong làng hiện nay chỉ có 6 người biết cách đánh cồng chiêng theo các bài hát, mình thường đảm nhận vai trò điều khiển dàn chiêng nên các thành viên trong nhóm họ lúc nào cũng tự tin biểu diễn. Bên cạnh việc sử dụng chiêng biểu diễn mình còn dùng thêm đàn ghi ta hòa âm với cồng chiêng nên đã làm cho mọi người có thêm sự tò mò, thích thú từ đó đã khơi gợi được sự đam mê cồng chiêng của nhiều bạn trẻ.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc nên hiện nay làng O Bung đang còn lưu giữ 9 bộ cồng chiêng. Trong làng hiện có 2 đội đánh cồng chiêng với hơn 24 người tham gia tập luyện. Có khoảng 40 người biết đánh nhiều bài chiêng cổ của dân tộc. Hiện nay số người trực tiếp truyền dạy cách đánh các bài cồng chiêng cổ truyền thống của dân tộc tiêu biểu như: nghệ nhân Kpuih Pam, Kpui Thun, Rơ Mah Nhip... còn lớp trẻ do anh Siu Peo, Rơ Mah Dom tập luyện và truyền dạy.

Ông Siu Blach-Thôn trưởng kiêm Bí thư chi bộ làng O Bung cho biết: “Để khơi dậy tình yêu cồng chiêng cho các bạn trẻ, cứ một tháng một lần làng phát động phong trào tổ chức biểu diễn cồng chiêng cho người dân trong làng nghe. Và mỗi lần họp thôn tôi thường phân công cho đoàn thanh niên triển khai tập luyện đánh cồng chiêng cho các bạn trẻ. Hiện nay trong làng hầu như ai cũng biết sử dụng cồng chiêng. Điểm mạnh là đội chiêng trẻ của làng chỉ cần nghe nhạc là các thành viên trong đội đánh theo đúng nhịp của từng bài hát, nhờ thế mà con cháu trong làng họ thích thú lắm”.

Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm