"Kiến trúc sư" của buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những mái nhà rông cao vút in bóng lên nền trời đã trở thành biểu tượng của những ngôi làng ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Bằng trí óc thông tuệ, đôi mắt tinh anh và đôi tay tài hoa, các “kiến trúc sư” buôn làng đã dựng nên những ngôi nhà rông có sức sống bền bỉ, vững chãi theo thời gian.

Nhiều năm nay, khi văn hóa truyền thống của các tộc người Bahnar, Jrai đang dần bị mai một, người ta liên tục tìm kiếm, tôn vinh các nghệ nhân chỉnh chiêng, tạc tượng gỗ, đan lát, dệt thổ cẩm… cũng như mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhưng lại vô tình không nhớ đến những “kiến trúc sư” dựng nhà rông-những người nắm giữ toàn bộ bí quyết, tinh hoa để làm nên biểu tượng của buôn làng.

 

Chỉ những người già uy tín, tài hoa mới có thể chỉ huy dân làng dựng nhà rông. Ảnh: P.L
Chỉ những người già uy tín, tài hoa mới có thể chỉ huy dân làng dựng nhà rông. Ảnh: P.L

Dựng nhà rông bằng… trí nhớ

Trong những ngày se lạnh cuối năm, chúng tôi đến làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Pah)-nơi đang sở hữu ngôi nhà rông được xem là to và đẹp bậc nhất tỉnh. Cách ngôi nhà rông cổ kính của làng Kon Măr chừng 1 km, nằm yên bình bên dòng suối Đak Tơ Ve là nhà rông Kon Sơ Lăl với mái tranh cao vút, vững chãi in lên nền trời xanh trong. Phía trước khoảng sân rộng, thanh niên trong làng đang khởi động chuẩn bị thi đấu bóng chuyền. Trên nhà rông có 2 ông cháu ngồi thong thả ngắm cảnh, trông thật yên bình.

Chúng tôi hỏi thăm những người từng tham gia dựng nên “công trình thế kỷ” Kon Sơ Lăl, mọi người nhất loạt nói: “Dựng nhà rông thì cả dân làng cùng dựng, nhưng chỉ huy chính là già làng Sôn”. Theo chỉ dẫn của người làng, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà của vị “kiến trúc sư” trưởng đã chỉ huy dân làng Kon Sơ Lăl dựng nên ngôi nhà rông uy nghi, sừng sững được khánh thành vào tháng 8-2017. Hồ hởi đón chúng tôi bằng ghè rượu cần, sau khi uống cạn một can, già Sôn bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về nhà rông và “bí quyết” làm nên ngôi nhà chung của buôn làng.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ chính là già Sôn không hề có một bản “thiết kế” nào dù là một bức vẽ đơn sơ nhất về hình dáng của nhà rông. “Tất cả đều nằm trong này thôi”-già Sôn vừa nói vừa chỉ vào đầu mình trước ánh nhìn ngạc nhiên của chúng tôi. Sau khi ngôi nhà rông tuyệt đẹp ở làng cũ tàn lụi bởi ngọn lửa quái ác cách đây 2 năm, cả làng đồng lòng quyết tâm dựng lại nhà rông mới. Được làng tin tưởng giao cho trọng trách, già Sôn cùng họp với những người già khác trong làng để thống nhất về kích thước của nhà rông mới và phân công nhiệm vụ cho từng tổ. Sau khi tất cả nguyên-vật liệu được chuẩn bị xong xuôi, bằng những kỹ thuật đã ghi tạc vào trí nhớ, già Sôn hàng ngày chỉ huy, hướng dẫn bà con từng bước dựng nên “trái tim của buôn làng”.

 

Già Sôn-“kiến trúc sư” trưởng của làng Kon Sơ Lăl. Ảnh: P.L
Già Sôn-“kiến trúc sư” trưởng của làng Kon Sơ Lăl. Ảnh: P.L

Già Sôn bày tỏ: “Phần khó nhất trong dựng nhà rông chính là đặt cây rui, bởi nhà rông có cân bằng, vững chãi và đẹp hay không đều phụ thuộc vào công đoạn này”. Ấy thế nhưng, với công đoạn đặc biệt quan trọng ấy, già Sôn lại không cần dùng đến một cây thước hay máy móc nào mà chỉ dùng… đôi mắt. Ban đầu, phải cắm một cây tre to và cao hơn chiều cao của nhà rông, một người trèo lên trên và kéo cây rui lên. Bằng đôi mắt giàu kinh nghiệm, già Sôn sẽ quan sát xem cây rui đã thăng bằng hay chưa để chỉnh sửa sao cho thật chính xác. Khi công đoạn khó khăn này hoàn thành thì những khâu còn lại của nhà rông sẽ được tiến hành rất thuận lợi.

Ngôi nhà rông hơn 30 tuổi nằm ở đầu làng Đê Rơn (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) cũng được già làng Plul và già Srơng chỉ huy để dựng lên như vậy. Nhà rông Đê Rơn đặc biệt hơn cả bởi được dân làng dựng đến… 2 lần. Lần đầu tiên là ở làng cũ vào năm 1985. Mười năm sau, làng Đê Rơn chuyển về nơi ở mới, bà con cũng đem theo mái nhà rông cũ bởi “nhà rông gắn bó với cả làng, làng đi đâu thì nhà rông ở đó”. Già làng Plul cùng người già ở Đê Rơn lại cùng nhau tháo gỡ, di dời và dựng lại nhà rông cho làng. Sau hơn 30 năm, ngôi nhà rông ấy vẫn vẹn nguyên từ từng chiếc cột vững chãi, tấm ván lót cho tới từng dây mây bện chắc chắn, đẹp mắt… “Tiếc là phần mái tranh đã quá hư hỏng, vùng núi quanh đây lại không còn tranh nên vừa rồi dân làng góp tiền lại và thay bằng mái tôn”-giọng già Plul đầy tiếc nuối. Đêm đêm, đám thanh niên chưa vợ vẫn thường đến đốt lửa và ngủ lại ở ngôi nhà chung này.

Gìn giữ tinh hoa

 

Mái nhà rông cổ kính làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah). Ảnh: P.L
Mái nhà rông cổ kính làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Pah). Ảnh: P.L

Trò chuyện cùng P.V, già Sôn cho hay, kể từ lúc còn theo cha “học nghề”, già mới có 3 lần được vinh dự dựng nhà rông cho dân làng Kon Sơ Lăl. Với độ vững chãi lên đến vài chục năm của mỗi nhà rông thì con số ấy đã được tính là nhiều so với cuộc đời một “kiến trúc sư” của buôn làng. Trong quan niệm của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, nhà rông là biểu tượng, là niềm kiêu hãnh của cả cộng đồng làng. Mỗi nhà rông mang bản sắc, nét đẹp riêng, thể hiện tài hoa, đôi mắt tinh tường của người làm nên chúng. Vì vậy, người của làng này tuyệt đối không được tham gia dựng nhà rông cho làng khác.

Những nghệ nhân chỉ huy việc dựng nhà rông như già Sôn, già Plul, già Srơng được coi là “kiến trúc sư độc quyền” của làng. “Có thể làm giúp làm nhà sàn, nhà ở, nhưng không bao giờ được làm nhà rông cho làng khác. Mà có muốn làm giúp cũng không được đâu, vì với họ, nếu nhà rông của làng mình mà trong làng không có ai dựng được thì sẽ bị các làng khác nói đấy”-già Plul bày tỏ. Tiếng tăm của người nghệ nhân sẽ trường tồn theo sự vững chãi của nhà rông. Nhà rông càng lâu đời càng có giá trị, các thế hệ trong làng sẽ mãi ghi nhớ, biết ơn và ngưỡng mộ với người nghệ nhân tài năng.

Dựng nhà rông truyền thống là một việc rất quy mô, phức tạp và giàu tính nghệ thuật mà không phải ai cũng có thể làm được. Mấy ai biết được rằng, ngôi nhà rông cao tương đương ngôi nhà 4 tầng, dài 23 m, rộng 14 m của làng Kon Sơ Lăl lại chẳng hề dùng đến cây đinh sắt nào. Các mối nối cố định bằng sợi dây mây được đan thắt vào với nhau, vừa chặt chẽ lại tạo thành những hoa văn đẹp mắt. Già Sôn tâm sự: “Trong suốt mấy tháng ròng làm nhà rông cho làng, tôi cùng những người lớn tuổi khác trong làng phải giám sát không nghỉ ngày nào. Chỉ cần kiểm tra thấy một mối dây buộc bị sai, bị xấu là phải trèo lên buộc lại sao cho đẹp và đúng thì thôi. Nếu không tỉ mỉ, nhà rông sẽ không đẹp và nhanh xuống cấp”.

Chúng tôi ra về khi ánh trăng đã nghiêng nghiêng, phủ lớp ánh sáng bàng bạc trên mái tranh ngôi nhà rông Kon Sơ Lăl. Bên trong, cánh đàn ông đang tập cồng chiêng, đám thanh niên chưa vợ khời bếp lửa, trải chiếu, tụ tập trò chuyện. Hơi rượu cần ấm nồng xua tan phần nào cái lạnh se sắt của đêm mùa khô…

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm