Nghĩa tình với xã nghèo Hà Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một khu định cư mới, một công trình nước tự chảy xẻ núi dẫn về làng trị giá hàng tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thành là nghĩa tình của các cấp chính quyền, đoàn thể với mục đích góp phần cải thiện đời sống người dân và diện mạo xã nghèo Hà Đông (huyện Đak Đoa).

Công trình nước tự chảy của thanh niên

Trước kia, xã Hà Đông là căn cứ địa cách mạng. Cụ thể hơn là xã Kon Sơ Lah. Người dân góp công nuôi giấu cán bộ và cùng đánh giặc cứu nước. Đất nước giải phóng nhưng ở cái xã lọt thỏm giữa rừng, dù đã có con đường giao thông liên xã hơn 50 km nối với trung tâm huyện Đak Đoa nhưng người dân Hà Đông vẫn chỉ quen với cuộc sống phụ thuộc vào rừng. Trồng cây lúa rẫy. Săn con thú rừng và thu hái sản vật rừng làm thức ăn. Chẳng mấy khi người dân ra trung tâm huyện Đak Đoa xa ngái bởi đường sá cách trở. Vậy nên cái nghèo, cái đói vẫn cứ bám riết lấy người dân nơi đây. Cả xã có 871 hộ với 99% người dân tộc Bahnar thì có hơn nửa là hộ nghèo. Người dân vẫn còn thói quen dùng nước suối để ăn uống, sinh hoạt. Những nỗ lực giúp nâng cao đời sống người dân xã nghèo dường như chưa phát huy hiệu quả. Còn đó những trăn trở với xã nghèo này.

 

   Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 đào mương đặt ống dẫn nước tự chảy.      Ảnh: N.T
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 đào mương đặt ống dẫn nước tự chảy. Ảnh: N.T

Hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2017, Tỉnh Đoàn phối hợp với Quân đoàn 3, UBND huyện Đak Đoa thi công công trình nước tự chảy với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng cho làng Kon Jốt (xã Hà Đông) nhằm giúp người dân có nước sạch phục vụ sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe. Hơn 20 ngày nay, làng Kon Jốt nhộn nhịp hẳn. Nhà sinh hoạt cộng đồng của làng luôn đông đúc người. Đây là chỗ đóng quân của gần 50 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) về làng làm công tác dân vận.

Những ngày qua, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 đã đồng tâm hiệp lực cùng với thanh niên xã Hà Đông đào hơn 3 km mương từ đỉnh núi cao nhất gần làng Kon Jốt để đặt đường ống dẫn nước về phục vụ cho 95 hộ với 450 khẩu trong làng. Chúng tôi đến làng vào lúc cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 vừa đào nốt những mét mương cuối cùng để đơn vị thi công đến xây dựng bể chứa nước. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt những người lính trẻ nhưng trong mắt họ ánh lên niềm vui. Bên cạnh việc thi công đào mương dẫn nước thì cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 còn giúp người dân làng Kon Jốt phát dọn vườn, sửa chữa nhà cửa hư hỏng, giúp thu hoạch mì và cắt tóc cho trẻ em trong làng.

Mấy ngày nay, già Pien (làng Kon Jốt) vui lắm. Ngày nào già cũng ra chỗ bộ đội đóng quân để chuyện trò. “Xưa nay, dân làng cứ múc nước ở con suối trước làng về dùng thôi. Tắm rửa cũng ở đó luôn. Mùa mưa nước nhiều nhưng đục lắm. Mùa nắng ít nước, lắm khi cạn khô phải đào hố để múc nước về uống và nấu ăn. Bữa trước nghe báo có bộ đội về đào mương dẫn nước trên núi xuống cho bà con dùng, già vui lắm”-già Pien chia sẻ.

Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, đây là công trình thanh niên cấp tỉnh đầu tiên trong năm 2017 do Tỉnh Đoàn thực hiện. Kinh phí để xây dựng công trình là từ nguồn xã hội hóa do Tỉnh Đoàn vận động và ngân sách của huyện Đak Đoa, còn những người lính Sư đoàn 10 góp công đào 3 km mương. Chúng tôi đang phấn đấu đến ngày 20-3 sẽ hoàn thành công trình đúng dịp kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Khang trang khu tái định cư

Trở lại Hà Đông lần này, chúng tôi nhận thấy có một sự thay đổi đáng mừng. Đó là khoảng 100 nóc nhà gồm nhà sàn, nhà xây kiên cố trên một khu đất bằng phẳng nằm dọc hai bên con đường mới đổ nhựa. Điểm nhấn là một ngôi nhà rông lợp mái tôn cao vút. Thầy giáo Hoàn-một người bạn đã công tác lâu năm ở Hà Đông dẫn chúng tôi thăm làng bảo rằng, đây là khu tái định cư, được khởi công từ đầu năm 2016. Nếu so với các làng còn lại thì khu tái định cư này là đẹp nhất. “Nhờ có khu tái định cư nên nhìn trung tâm xã quy củ hơn và cũng đông vui hơn. Trước đây, mỗi khi tối đến, trung tâm xã vắng hoe, buồn lắm”-thầy Hoàn nói.

Ngồi trước cửa ngôi nhà sàn mới làm của người con gái tại khu tái định cư, bà Yenh kể cho chúng tôi nghe chuyện năm 2015, cán bộ xã Hà Đông đến vận động bà hiến đất ở ngọn đồi gần trụ sở UBND xã. Ban đầu, bà không muốn hiến đất bởi hiến rồi, lấy đất đâu mà làm rẫy, trồng cây mì trong khi nhà lại đông con. Nhưng rồi nghe cán bộ xã nói trúng cái tai, vậy là bà hiến 1 ha. Rồi bà vận động mọi người cùng hiến đất. 13 hộ cùng làm rẫy trên quả đồi ấy đã hiến tổng cộng 4,5 ha. Và, trang mới cho một khu tái định cư, giúp giãn bớt dân 3 làng Kon Mahar, Kon Nak, Kon Đram được mở ra.

Chính quyền huyện Đak Đoa trích kinh phí san ủi một ngọn núi cao gần trụ sở xã, án ngữ con đường đi các làng phía trong của xã Hà Đông. Một vùng đất mới bằng phẳng rộng hơn 5 ha đã hình thành. Gần 70 hộ không có đất ở do các làng tự bình xét được chuyển ra chỗ mới. Ủy ban nhân dân xã Hà Đông hỗ trợ mỗi hộ 17 triệu đồng để làm nhà và mua phân bón. Chưa dừng lại ở đó, để hộ dân mới chuyển ra khu tái định cư yên tâm sản xuất, huyện Đak Đoa còn cấp cho mỗi gia đình 100 cây bơ giống; 20 gia đình được cấp mỗi hộ 5 con heo giống; 20 hộ được cấp bò giống.

Ông Nguyễn Hồng Việt-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết: “Hiện tại có 40 hộ đã ra ở hẳn tại khu tái định cư. Các hộ còn lại đã làm nhà nhưng vẫn đi về làng cũ hoặc ở theo mùa. Ủy ban nhân dân xã đang vận động các hộ ra ở hẳn. Dự kiến thời gian tới xã sẽ xin thành lập một làng riêng vì hiện tại các hộ ở khu tái định cư nhưng mọi sinh hoạt vẫn phải về làng cũ”.

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm