Người làng "gieo chữ" cho làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lật giở từng trang ký ức, ánh mắt người phụ nữ ngoài thất thập ấy cứ sáng lên khi nhìn về phía khu nhà cũ kỹ-nơi mà cách đây gần 40 năm, cô gái Bahnar duy nhất của làng biết cái chữ đã tiên phong đem nó về truyền dạy trên chính quê hương mình.
 

Bà Gát bên cánh cửa lớp học một thời gắn bó. Ảnh: Hồng Thi
Bà Gát bên cánh cửa lớp học một thời gắn bó. Ảnh: Mộc Trà

Tôi ghé làng Đê Bar (xã Tơ Tung, huyện Kbang) khi mặt trời đã tịnh tiến dần về phía Tây ngọn núi. Những tia nắng cuối ngày thỉnh thoảng lại vụt tắt bởi cơn mưa phùn bất chợt. Người phụ nữ Bahnar già, tận tình chỉ đường bằng chất giọng phổ thông rành rọt khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Đáp lời cho thắc mắc của vị khách, bà cười bảo: “Trước đây, tôi là cô giáo dạy tiếng Việt cho dân làng nên phải sõi tiếng chứ”. Cuộc chuyện trò cứ thế rộng mở, tôi cũng tạm gác lại mục đích vào làng từ trước của mình. Bà chắc chắn sẽ cho tôi một câu chuyện thú vị.

Dân làng hay gọi bà với cái tên thân mật là cô giáo Gát, còn tên đầy đủ của bà là Đinh Thị Gát, sinh năm 1944, nay đã trên 70 mùa rẫy. Có tinh thần ham hiểu cái chữ từ bé, năm 1954, bà được cha cho ra Hà Nội học văn hóa. Hoàn thành xong lớp 7, bà tiếp tục học nghiệp vụ y tá trong vòng 9 tháng và sau đó về công tác tại Viện Điều tra Quy hoạch rừng (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam), chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân tại đây.

 

Trẻ em làng Đê Bar giờ đã biết tự giác đến trường học chữ. Ảnh: Hồng Thi
Trẻ em làng Đê Bar giờ đã biết tự giác đến trường học chữ. Ảnh: Mộc Trà

Năm 1976, bà Gát cùng gia đình trở về thăm làng Đê Bar thân yêu của mình. Đã quá lâu rồi kể từ ngày rời xa xứ sở, cảnh vật có đổi khác, song bà nhận thấy quê hương vẫn còn rất đỗi nghèo nàn; người dân ngày qua ngày một nắng hai sương bên nương rẫy mà cái đói vẫn chưa chịu buông. Trước thực tế ấy, cô gái của làng cứ đau đáu khôn nguôi, mong muốn nghĩ ra được cách hay để bà con bớt cực khổ. Vì thế, “khi nghe ông Đinh Văn Mít-Chủ tịch UBND xã Nam lúc bấy giờ, ngỏ lời mời về dạy học cho lũ làng tại trường học Đê Bar, tôi đã đồng ý ngay không chút ngần ngại”-bà Gát kể.

Dù chưa học qua nghiệp vụ sư phạm nhưng bà Gát vẫn quyết định ở lại làng để dạy chữ. Bà bảo, chỉ cần bản thân có cái tâm là đủ, biết chữ nào thì dạy hết và dạy chắc chữ đó. Thời điểm ấy, bà Gát là người duy nhất của làng Đê Bar biết chữ và cũng là người con đầu tiên của làng đem cái chữ về “gieo” trên chính mảnh đất quê mình. Đó là một niềm vui, niềm tự hào khôn tả với bà cho đến tận bây giờ.

Theo lời bà Gát, trường Đê Bar ngày đó có 8 cán bộ, chỉ dạy lớp 1 và lớp 2. Các thầy-cô giáo rất vất vả trong việc vận động học sinh đến lớp. Ngày ngày, bà cùng đồng nghiệp cần mẫn đi bộ đến từng nhà, thậm chí lặn lội qua cả các làng khác để động viên, giải thích về tầm quan trọng của việc học chữ. Thế nhưng, bên cạnh một số ít gia đình đồng thuận thì vẫn còn rất nhiều người phản đối, nhất định không cho con đi học. Bà Gát nhớ lại: “Họ nói với bọn trẻ rằng: tụi mày đừng có đi, tụi mày đi mai kia lười thây, không biết cầm cuốc, cầm rựa thì không có cái ăn đâu; mày theo cô ăn cái chữ là đói, cầm cuốc mới no... Tôi nghe buồn lắm nhưng càng quyết tâm nói cho tới khi nào bà con thông suốt, nhận thức đúng thì mới thôi”.

 

Trường Tiểu học Đê Bar khang trang hôm nay. Ảnh: M.T
Trường Tiểu học Đê Bar khang trang hôm nay. Ảnh: Mộc Trà

Nhờ sự kiên trì của bà, học sinh đến trường ngày một đông. Con em làng khác nghe bà cũng tập trung về đây    học chữ. Tiếng thước gõ nhịp nhàng trên bảng, giọng ê a đánh vần bỡ ngỡ vang khắp một góc làng. Là người bản địa, việc dạy học của bà vì thế cũng thuận lợi hơn. Sau khi đọc và viết lên bảng, bà bao giờ cũng dịch lại bằng tiếng Bahnar để giúp học sinh của mình hiểu bài nhanh và nhớ lâu. Đối với những học sinh chăm ngoan, có kết quả cao, bà luôn chủ động khen thưởng sách vở, quần áo nhằm nâng cao tinh thần thi đua học tập giữa các em. Phụ huynh quý cô giáo, có trái chuối, trái bắp cũng mang đến biếu. Những thức ăn ấy lại được bà đem chia cho học sinh.

15 năm tay ngang làm cái nghề “gõ đầu trẻ” tính đến ngày về hưu, bà Gát âm thầm truyền đạt cái chữ cho biết bao thế hệ dân làng. Thời gian dần trôi, mái tóc thanh xuân ngày nào giờ đã dày sợi bạc, mắt mờ, gối mỏi, nhưng điều mà tôi nhận thấy được, đó là tâm huyết vẫn vô cùng vẹn nguyên khi bà bộc bạch về những ngày tháng đứng trên bục giảng. Chứng kiến sự đổi thay của buôn làng, sự ấm no từng ngày của bà con cũng như sự trưởng thành của ngôi trường và chính những người học trò mình từng dạy dỗ, bà Gát không nói với tôi, bà rất tự hào. “Mấy đứa nhỏ tôi dạy bây giờ nhiều lắm, làm giáo viên, cán bộ và cả Chủ tịch UBND xã nữa”-bà khoe.

Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-Đinh Srâm và anh Đinh Văn Hiệu, hiện là giáo viên dạy thể dục của Trường Tiểu học Đê Bar là hai trong số đó. Noi gương cô giáo Gát, anh Srâm và anh Hiệu đã cố gắng học tập thành tài và quay về góp sức cho quê hương. Nói về người cô đáng mến của mình, anh Hiệu tâm sự: “Hồi đó gia đình cô Gát nghèo, con đông, cơm không đủ ăn nhưng mỗi khi có quà biếu, cô luôn chia cho học trò. Những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn thường ghé nhà thăm hỏi cô để tỏ lòng biết ơn người đã có công dạy dỗ mình nên người”.

Đưa tôi đến trước dãy nhà đang đập dở, chỉ còn duy nhất một phòng học đầy bụi bẩn và cỏ mọc um tùm, bà Gát bảo đây là nơi bà có thói quen dừng lại ngắm nghía mỗi ngày. Đứng nép mình khiêm tốn trong khuôn viên Trường Tiểu học Đê Bar rộng rãi, khang trang, dấu tích xưa này luôn gợi lên trong bà những hồi ức khó phai.  Để rồi, nhìn nó, đôi lúc bà lại tủm tỉm cười một mình, mãn nguyện…

Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm