Tỷ phú nơi “hốc Pờ Tó”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghèo lại đông con, Nguyễn Kim Tống rời quê hương Bình Định đưa vợ con lên Gia Lai lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Làm đủ nghề vẫn không đủ ăn, ông đã quyết vay mượn mua một cặp bò để nuôi, rồi cái duyên “trời định” đã đưa ông đến với nghề chăn nuôi bò và trở thành tỷ phú.

Khởi nguồn từ cặp bò giống

Để gặp được “tỷ phú bò” nơi mảnh đất có biệt danh là “hốc Pờ Tó”, và tận mắt ngắm nhìn đàn bò “pha lai bô sin” béo, đẹp như mộng của ông trước giờ chăn thả, chúng tôi đã chủ động liên lạc từ chiều hôm trước. Vượt quãng đường gần trăm rưỡi cây số, tìm về xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, đón chúng tôi ở ngã ba đường rẽ vào khu trang trại bò là “lão nông” thứ thiệt. Thoạt nhìn, chúng tôi cứ nghĩ “nhầm” ai đó. Nào ngờ, chính là ông-Nguyễn Kim Tống.

 

Ông Tống bên đàn bò của mình. Ảnh: X.H
Ông Tống bên đàn bò của mình. Ảnh: X.H

Ông nhớ lại, đầu năm 1996, khi còn ở Tây Sơn, Bình Định, cuộc sống nghèo khó, đông con, đất sản xuất ít, làm lúa vụ được, vụ mất, ông quyết định rời quê hương lên Gia Lai lập nghiệp. Bán hết gia sản ở quê lên đây cũng chỉ mua đủ mảnh đất làm rẫy và dựng tạm căn nhà nhỏ, làm thuê cuốc mướn đủ nghề cũng không đủ lo cho 7 miệng ăn. “Khi mới lên Gia Lai, tôi chọn huyện Phú Thiện làm nơi đặt chân. Làm nương rẫy không đủ ăn, cho vợ buôn bán thêm, tôi đi làm thuê đủ nghề, cứ ai gọi là có mặt nhưng vẫn đói, lắm lúc muốn quay về quê cũ nhưng thấy “ngại”. Tôi quyết vay mượn mua một cặp bò sinh sản về nuôi. Là tài sản có giá trị duy nhất của gia đình, nên cả nhà ai cũng giành nhau chăm sóc. Chưa đầy một năm cặp bò đã sinh cho một cặp bê con, cả gia đình ai cũng mừng. Chẳng biết có phải tôi “mát tay” hay không nhưng nuôi con nào cũng béo, đẹp, sinh sản rất hiệu quả, tôi tiếp tục vay mượn ngân hàng mua bổ sung thêm vào đàn bò giống và cứ thế đàn bò của tôi tăng rất nhanh”-ông Tống kể.

Duyên “trời định” thành tỷ phú

Sau 3 năm, đàn bò của ông đã lên đến 70 con. Con trai đầu lấy vợ, ông đã chia đôi đàn bò cho con. Đến năm 2007 khi đàn bò của ông lên đến con số 150 con, ông chọn xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) làm nơi tập kết mở trang trại chăn nuôi bò tập trung. “Khi tôi đến, nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Ai mà nghe nói đến “hốc Pờ Tó” cũng phải “e dè”. Vào đây, ông được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ cho thuê đất, bảo đảm công tác an ninh nên việc mở trang trại cũng khá thuận tiện. Thế rồi dưới bàn tay chăm sóc của ông, đàn bò cứ vậy tăng lên theo cấp số nhân. Đến đầu năm 2011, đàn bò của ông lên đến gần 700 con. Con cái lập gia đình hết, chỉ còn hai vợ chồng “son”, ông đã bán bớt một nửa số bò thu về hơn 4 tỷ đồng, mua chiếc xe hơi hơn một tỷ đồng, số còn lại ông mang gửi ngân hàng lấy lãi.

Hiện nay, đàn bò của ông cũng đã lên tới gần 600 con. Là giống bò pha lai bô sin nên rất chóng lớn, mỗi bê con sinh ra được khoảng 4 tháng đã có giá 15 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ bán bò giống, bò thịt, hiện nay người dân Gia Lai đang đua nhau trồng cây hồ tiêu, cà phê nên phân bò cũng là nguồn thu nhập khá lớn. Bình quân mỗi ngày ông thu được 5 khối phân bò bán tại chỗ với giá 700.000 đồng/m3 ông đã thu về 3,5 triệu đồng/ngày. Việc phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò của ông, đồng nghĩa với việc tạo công ăn, việc làm cho lao động là người địa phương. Trang trại ông thường xuyên có 10 lao động người dân tộc thiểu số phụ giúp chăn thả bò; ngoài bảo đảm ăn uống, áo quần mỗi tháng ông còn trả công gần 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ gia đình của các lao động này khi ốm đau, khó khăn về kinh tế. Nhiều hộ vay ngân hàng đã hàng chục năm không còn khả năng trả nợ, ông đã nhận trả giúp không tính lãi rồi trừ vào công lao động mỗi tháng vài trăm ngàn đồng. Bên cạnh đó, ông còn tạo điều kiện cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn như cấp cho họ cặp bò sinh sản, khi bò sinh bê con thì trả lại bò mẹ. Từ việc làm của ông mà nhiều hộ đồng bào đã vươn lên thoát nghèo.

Ngày mới di chuyển đàn bò về đây cũng có nhiều khó khăn, nhất là không có nguồn nước để sinh hoạt và cho bò uống. Phải mất hàng tháng trời ông lặn lội tìm nguồn nước, rồi đầu tư đường ống dài gần 2 km, xây một cái bể chứa trên đỉnh núi lấy mạch nước ngầm dẫn về. Bây giờ thì nguồn nước này không những phục vụ cho gia đình mà còn cho cả 30 hộ dân sống gần khu trang trại của ông. Kể cả điện thắp sáng cũng vậy, ông sẵn sàng đầu tư làm trạm biến áp, kéo điện tới nơi để phục vụ cho các hộ dân.

Chúng tôi được biết, đàn bò của ông nuôi chưa bao giờ có một con bò bị bệnh, hay chết. Trao đổi về kinh nghiệm, ông cho biết: Giống bò ông nuôi là bò pha lai bô sin nên rất hợp với thời tiết, khí hậu nơi đây. Giống bò này rất khỏe, chóng lớn, ít bị bệnh nhưng cũng phải chăm sóc, ăn uống bảo đảm, chuồng trại sạch sẽ, khi bò sinh sản phải tách riêng…

Ở vào cái tuổi 62, nhưng trông ông vẫn còn phong độ. Từ một nông dân nghèo nhưng với bản tính siêng năng, cần cù, nay ông đã có của ăn của để; 5 đứa con ông ai cũng khá giả, có cơ ngơi riêng rất khang trang. Đứa con trai đầu ở huyện Chư Sê, nay cũng không hề thua kém ông, hàng năm thu nhập từ đàn bò hàng tỷ đồng. Là tỷ phú nhưng trông ông thật thà, khiêm tốn, bà con dân làng ai cũng yêu mến, kính trọng.

 

Xuân Hoàng
 

Có thể bạn quan tâm